Không ngừng thâu tóm dự án, quỹ đất của nhiều "ông lớn" BĐS tiếp tục phình to
Dù không tránh khỏi những khó khăn về dự án, kế hoạch bán hàng do dịch bệnh gây ra nhưng không vì thế mà ảnh hưởng đến kế hoạch về trung, dài hạn của các doanh nghiệp BĐS.
Tham vọng mở rộng dự án, quỹ đất
Nổi bật trong số đó là Hưng Thịnh Group, mới đây đã thâu tóm một quỹ đất có diện tích hơn 1.000 ha tại tỉnh Lâm Đồng. Trước đó, từ cuối năm 2019 doanh nghiệp này cũng đã chi hàng nghìn tỷ đồng mua lại nhiều dự án tại Bình Định, trong đó có dự án khu đô thị biển quy mô lên đến hơn 1.000 ha. Đồng thời thực hiện M&A nhiều dự án BĐS căn hộ tại Tp.HCM và các tỉnh lân cận.
Đến nay, quỹ đất của Hưng Thịnh Land vào khoảng 4.500ha tại TP. HCM, Hà Nội và các tỉnh thành có tiềm năng kinh tế lớn như Bình Định, Khánh Hòa, Bình Thuận, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu…
Hưng Thịnh Land vẫn không ngừng mở rộng thêm quỹ đất, đón đầu sự phát triển của cơ sở hạ tầng và các nhu cầu bất động sản của đại bộ phận người dân Việt Nam.
Hay, dù đang nắm tổng quỹ đất 681 ha khắp các tỉnh thành, Nam Long vẫn dành 2.000 tỷ đồng mỗi năm để săn thêm đất. Hiện doanh nghiệp tập trung mọi nguồn lực để mở rộng quỹ đất. Công ty tận dụng thời điểm và cơ hội để cân nhắc mua thêm đất sau Covid-19 trong bối cảnh nhiều đơn vị vướng pháp lý và áp lực tài chính buộc phải xả hàng để giải quyết khó khăn.
Một đại gia BĐS khác là Danh Khôi Group đang tiến hành thương vụ mua lại quỹ đất vàng tại TP Đà Nẵng. Tập đoàn này cũng đã ký kết với Công ty bất động sản Phát Đạt để mua sỉ và phát triển dự án phức hợp tại Bình Dương.
Là ông lớn của thị trường địa ốc phía Nam, Novaland luôn là tập đoàn đặt rõ chiến lược về tìm kiếm quỹ đất "gối đầu". Trong 2 năm qua, ngoài các dự án, quỹ đất tại Tp.HCM thì đơn vị này đẩy mạnh phát triển dự án quy mô ra các tỉnh thành lân cận TP. Năm 2019, đơn vị này sở hữu quỹ đất 2.700ha, trong đó nhóm BĐS nhà ở chiếm khoảng 25%, nhóm BĐS du lịch nghỉ dưỡng chiếm khoảng 75%.
Mỗi năm Novaland bỏ ra hàng chục nghìn tỷ đầu để thu gom quỹ đất sạch. Theo báo cáo tài chính của tập đoàn, riêng năm 2019 Novaland chi tới 13.000 tỉ đồng để thâu tóm các dự án. Đến nay quỹ đất của Novaland đang sở hữu và phát triển lên tới 5.000ha, trong đó chiến lược phát triển các đại đô thị nghỉ dưỡng biển quy mô lớn như NovaWorld Phan Thiết 1000ha, NovaWorld Hồ Tràm 1.000ha và đô thị sinh thái Aqua City 1.000ha...
Theo tập đoàn này, kế hoạch kinh doanh ở giai đoạn tới sẽ tiếp tục mở rộng quỹ đất ra các tỉnh lân cận, nơi có tiềm năng về du lịch biển để phát triển dòng sản phẩm BĐS nghỉ dưỡng.
Ghi nhận cho thấy, trong thời gian qua, các doanh nghiệp BĐS có động thái ráo riết thâu tóm quỹ đất hoặc chuẩn bị dòng tiền khủng để săn tìm dự án, bất chấp Covid-19 diễn biến phức tạp.
Xu hướng tất yếu nhưng đầy thử thách
Theo ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc bộ phận tiếp thị nhà ở CBRE Việt Nam, xu hướng tìm kiếm quỹ đất để phát triển dự án trong dài hạn là xu hướng tất yếu của các doanh nghiệp địa ốc. Xu hướng này hiện đang thể hiện rõ nét trên thị trường BĐS khi loạt ông lớn đã dần tiến công mạnh về các tỉnh vệ tinh lân cận Tp.HCM khi quỹ đất tại Tp.HCM khan hiếm.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, CEO Đại Phúc Land cho hay, BĐS là lĩnh vực đầu tư dài hạn. Trong đó, việc chuẩn bị quỹ đất là yếu tố đầu tiên quan trọng và ngày càng khó do quỹ đất ngày một khan hiếm và giá cả đền bù tăng. Chính vì vậy các trong chiến lược phát triển của mình các doanh nghiệp phải dành ra dòng tiền lớn để chuẩn bị quỹ đất trong dài hạn, để chủ động trong kế hoạch triển khai của mình. Theo đó, doanh nghiệp nào có quỹ đất tốt, doanh nghiệp đó có lợi thế cạnh tranh về sau.
Tuy vậy, cũng theo các doanh nghiệp địa ốc, cuộc đua săn quỹ đất không dễ dàng mà có rất nhiều thách thức.
Bà Hương cũng chỉ ra những mặt trái của cuộc đua săn quỹ đất. Đầu tiên, đó là dòng tiền khủng bị chôn vào doanh nghiệp phải chấp nhận tình trạng cất tiền vào những tài sản cực lớn trong khi chưa xác định được bao lâu có thể hiện thực hóa lợi nhuận.
Tiếp đến, càng để lâu chi phí đầu vào sẽ càng gia tăng, trong đó chiếm tỷ trọng cao là gánh nặng lãi vay (chi phí tài chính). Sau khi gom quỹ đất bước tiếp theo là triển khai thủ tục pháp lý dự án cũng là cả chặng đường gian nan không hẹn ngày về đích. "Quỹ đất lớn là một lợi thế vượt trội so với các đối thủ nhưng nếu không khai thác được để ra thành phẩm bán hàng, lợi thế này sẽ biến thành gánh nặng tồn kho, chôn vốn. Đây là rủi ro tiềm ẩn rất lớn cho doanh nghiệp", bà Hương nhấn mạnh.
Ông Đinh Thế Hiển, Chuyên gia tài chính cũng cho rằng, với doanh nghiệp BĐS thì khó khăn chính nằm ở quỹ đất và ra dự án mới. Quỹ đất của Tp.HCM trước đây nhiều doanh nghiệp đã mua từ nhiều năm trước nên giá nhà tương đối cao. Nhưng hiện nay, để săn quỹ đất sạch là cực kỳ khó khăn và giá đất quá cao nên khi ra dự án giá bán phải rất cao. Do đó, những doanh nghiệp phải có năng lực thật sự để làm gia tăng giá trị của dự án để người mua có thể chấp nhận với mức giá họ đưa ra.
Cùng quan điểm, chuyên gia BĐS Trần Khánh Quang cho hay, áp lực của các doanh nghiệp lớn nbuộc đầu tư các dự án lớn. Mà hiện tại Tp.HCM không phát triển các dự án, buộc các doanh nghiệp đầu tư ra các tỉnh. Tuy nhiên, việc đô thị hóa các khu vực, dân cư hóa là vấn đề khó, để người dân chấp nhận mua nơi xa rất khó. Đây cũng là một khó khăn mà các doanh nghiệp BĐS đang gặp phải.