Không nhất thiết phải có tài sản thế chấp trong cho vay nông nghiệp
Ngân hàng Nhà nước đã tạo điều kiện trao tự quyết cho các ngân hàng thương mại trong việc cho vay, tín chấp hoặc thế chấp. Nếu có đủ uy tín và kiểm soát được dòng tiền tốt thì không nhất thiết người sản xuất nông nghiệp cần có tài sản mới vay được vốn.
- 20-05-2022Ngân hàng ồ ạt rao bán tài sản thế chấp: Hạ giá vẫn ế
- 21-04-2022Bất động sản và câu chuyện tài sản thế chấp ngân hàng
- 17-04-2022Thấy gì từ khối tài sản thế chấp là bất động sản hơn 2 triệu tỷ tại Agribank?
Đây là khẳng định của Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2022, được tổ chức sáng 29/5 tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Sơn La.
Làm gì để nông dân thực sự được vay vốn mà không cần tài sản đảm bảo?
Tại buổi đối thoại, ông Lê Quang Thắng, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Rau VietGAP đến từ Quảng Ninh đã đặt câu hỏi với Thủ tướng Chính phủ nêu vấn đề: Chính phủ đã ban hành 3 Nghị định và các Thông tư hướng dẫn về chính sách tín dụng phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn. Trong đó, có quy định về vay vốn không cần tài sản thế chấp. Trong thời gian tới, Chính phủ có giải pháp cụ thể gì để nông dân thực sự được vay vốn mà không cần tài sản bảo đảm nhưng vẫn phù hợp với quy định hiện hành, nhất là trong điều kiện khó khăn khôi phục sản xuất sau dịch bệnh hiện nay.
Về vấn đề này, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, về chính sách khoanh nợ, giãn nợ cho nông dân, trước tác động của dịch COVID-19, ngay từ khi có dịch, NHNN đã ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 tạo khuôn khổ pháp lý để các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi phí, giữ nguyên nhóm nợ, tháo gỡ khó khăn cho các khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch ở tất cả các lĩnh vực, ngành nghề.
Cùng với nguồn lực của ngành ngân hàng, Chính phủ tiếp tục đề xuất Quốc hội ban hành gói 350.000 tỷ đồng, trong đó có riêng 40.000 tỷ đồng hỗ trợ 2% lãi suất. Thủ tướng Chính phủ đã đề cao tầm quan trọng của chính sách vĩ mô hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn qua hoạt động của ngành ngân hàng.
Theo Phó Thống đốc, từ năm 2010 đến nay, Chính phủ đã ban hành 3 Nghị định và các Thông tư hướng dẫn về chính sách tín dụng phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn, chưa có lĩnh vực nào liên tiếp được ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ như thế. Đến nay, có thể nói đã tạo điều kiện trao tự quyết cho các NHTM trong việc cho vay, tín chấp hoặc thế chấp.
Chính vì vậy, về việc vay không cần tài sản thế chấp, các tổ chức tín dụng được xem xét cho khách hàng vay trên cơ sở có bảo đảm hoặc không có bảo đảm bằng tài sản, các tổ chức tín dụng chịu trách nhiệm cung ứng vốn, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên phải tạo điều kiện thuận lợi.
"Chúng tôi sẽ giao cho NHNN chi nhánh Quảng Ninh làm việc với bác Lê Quang Thắng, xem xét đề xuất chính đáng của doanh nghiệp. Tuy nhiên cũng cần khẳng định, cho vay và thu nợ là nguyên tắc tín dụng, để đảm bảo thu nợ", lãnh đạo ngành ngân hàng khẳng định.
Thời gian tới, NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục rà soát, đơn giản hóa thủ tục vay vốn; đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng để tăng khả năng tiếp cận vốn cho người dân và doanh nghiệp; nâng cao hiệu quả thẩm định và đánh giá mức độ tín nhiệm của khách hàng, quản lý dòng tiền để tăng cường khả năng cho vay không có tài sản bảo đảm. Tăng cường kết nối giữa ngân hàng với doanh nghiệp, HTX và người dân nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng.
Tín dụng "đen" giảm 50%
Tại hội nghị, chị Trần Thị Thanh Thoan (huyện Duy Tiên, Hà Nam) cũng đặt câu hỏi với Thủ tướng về việc gian tới, Chính phủ sẽ có giải pháp như thế nào để ngăn chặn và đẩy lùi nạn tín dụng "đen" ở nông thôn.
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết từ năm 2017, NHNN đã có nhiều hành động cụ thể. Về cơ chế chính sách, đã tạo điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng thương mại (NHTM) mở rộng mạng lưới chi nhánh tới tất cả địa phương, nhất là các vùng sâu, vùng xa.
Bên cạnh đó, tạo điều kiện cho vay tiêu dùng phát triển. Những năm vừa qua, tín dụng tiêu dùng phát triển rất nhanh, song song với đó là kiểm soát chặt lĩnh vực này, tránh sự biến tướng của tín dụng tiêu dùng chính thức, giúp người dân tiếp cận nhanh dòng vốn. Kết quả, đến nay có 2,1 triệu tỷ đồng phục vụ cho vay tiêu dùng, trong đó trên 700.000 tỷ đồng phục vụ cho những nhu cầu ngắn hạn, cấp thiết của người dân.
NHNN cũng giao cho Ngân hàng NN&PTNT (Agribank) triển khai chương trình tín dụng tiêu dùng 5.000 tỷ đồng. Cụ thể, khách hàng có nhu cầu vay vốn chính đáng được giải ngân ngay trong ngày với số tiền cho vay tối đa 30 triệu đồng, không cần tài sản thế chấp; chương trình cho vay thẻ thấu chi tại thị trường nông thôn (sử dụng để thanh toán hàng hóa, dịch vụ)...
Hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội trải xuống tận từng xã, đang triển khai 23 chương trình tín dụng ưu đãi nhằm đáp ứng nhu cầu vốn sản xuất kinh doanh và tiêu dùng cho hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách với dư nợ đến cuối tháng 4/2022 đạt gần 263.000 tỷ đồng, tăng 6,03% so với cuối năm 2021 với gần 6,4 triệu khách hàng còn dư nợ.
Với những chính sách hiệu quả trên, theo đánh giá sơ bộ của NHNN và Bộ Công an, tỉ lệ tín dụng "đen" so với năm 2017 đã giảm hơn một nửa. Phó Thống đốc khẳng định, trong thời gian tới, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục chủ động thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để mở rộng tín dụng chính thức, đẩy lùi tín dụng "đen".
Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng, để giải quyết vấn đề tín dụng "đen" cần lực đẩy từ hai phía. Các tổ chức tín dụng chủ động tìm đến với người dân, tuyên truyền giúp người dân thấy thủ tục đơn giản, không ngại tìm đến với ngân hàng; hai là kết hợp với chính quyền cơ sở, tạo điều kiện để ngân hàng nắm được nhân thân, mục đích vay chính đáng.
Quyết liệt triệt xóa các ổ nhóm liên quan đến tín dụng "đen"
Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng cũng cho biết thêm ngay sau khi phát hiện tình hình tín dụng "đen" nổi lên ở các địa phương, nhất là vùng liên quan đến nông dân, nông nghiệp, nông thôn, Bộ Công an đã kịp thời tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 12 ngày 25/4/2019 về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh liên quan đến hoạt động tín dụng "đen".
Đồng thời, Bộ cũng chỉ đạo công an các địa phương mở nhiều đợt cao điểm tấn công triệt xóa, quyết liệt, rốt ráo các ổ nhóm liên quan đến tín dụng "đen"; bắt và xử lý hàng nghìn đối tượng với phương châm phát hiện đến đâu xử lý đến đấy, mức xử lý hành chính thì xử lý hành chính, mức xử lý hình sự thì thu thập xử lý hình sự. Do đó nạn tín dụng "đen" đã giảm xuống. Đến nay đã bảo đảm an ninh trật tự ở nông thôn, nạn tín dụng "đen" đã có sự thuyên giảm.
"Ngoài ra, chúng tôi tập trung chỉ đạo công an địa phương phối hợp với ngành ngân hàng tăng cường công tác tuyên truyền phòng ngừa, nắm tình hình, phát hiện cập nhật kịp thời các thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt của đối tượng này ngay ở địa bàn cơ sở. Đồng thời, tăng cường tham mưu xây dựng, sửa đổi, bổ sung thể chế liên quan đến phòng ngừa, xử lý loại tội phạm này. Vừa qua, chúng tôi đã kịp thời tham mưu Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi Bộ luật Tố tụng hình sự, giao thêm quyền xác minh xử lý ban đầu đối với các loại tội phạm, trong đó có loại tội này, cho công an xã", Thứ trưởng Lê Quốc Hùng cho biết.
Cho đến nay, thực hiện chủ trương tăng cường lực lượng công an chính quy để bảo đảm an ninh chính trị tại các xã, Bộ Công an tăng cường trên 50.000 sĩ quan chính quy để đảm nhiệm các chức danh công an xã. Tỉ lệ thông tin liên quan đến cho vay tín dụng "đen" và lừa đảo tài sản qua lợi dụng công nghệ cao được lực lượng công an xã xác minh giải quyết ngay từ đầu đã thuyên giảm… góp phần ngăn chặn hiệu quả tín dụng "đen" và cho vay nặng lãi./.
Chinhphu.vn