Không nhất thiết phải "liều ăn nhiều", đây là 7 bước đạt tự do tài chính, làm giàu an toàn bạn nên biết
Phương pháp này phù hợp cho những người muốn làm giàu nhưng ưa thích sự ổn định, ít rủi ro.
- 06-04-2024Tiết kiệm tiền thực sự có thể gây nghiện: Hãy học quy tắc “4 + 5” để tiết kiệm một cách dễ dàng
- 21-03-2024Từ đoạn chat chồng kêu mệt mỏi khi vợ “mượn tiền” tiêm phòng cho con: Phụ nữ nên chuẩn bị tài chính thế nào để hôn nhân không “đáng sợ”?
- 10-02-2024Lời khuyên tài chính từ các tỷ phú để bạn tiêu tiền đúng cách ngay từ đầu năm
Chi Nguyễn (tên đầy đủ là Nguyễn Phương Chi, sinh năm 1989, hay còn được biết đến với biệt danh The Present Writer), hiện đang sinh sống và làm việc tại Mỹ. Ngoài công việc giảng dạy và nghiên cứu tại Mỹ, cô còn là nhà sáng tạo nội dung thu hút nhiều chú ý trên MXH, xoay quanh chủ đề phong cách sống và tài chính.
Chi Nguyễn
Trong một podcast gần nhất, cô bày tỏ quan điểm, hiện nay khi nói đến làm giàu, chúng ta đã nghe rất nhiều lời khuyên rằng mình sẽ phải đánh đổi, phải liều và mạo hiểm mới có kết quả tài chính vượt trội.
Nguyên tắc này không sai, nhưng mà không hoàn toàn đúng và rất khó áp dụng với phần đông dân số. Bởi vì bên cạnh một số nhỏ (những người có máu kinh doanh, có nền tảng tài chính vững mạnh mà họ có thể đánh liều được) thì phần đông chúng ta mong muốn sự ổn định, bình yên và vững chắc trong cuộc sống.
Do đó, thay vì chạy theo các phương pháp làm giàu "mạo hiểm", "ăn nhiều nhưng cũng dễ ra đê", Chi Nguyễn gợi ý 1 phương pháp khác an toàn, chậm nhưng chắc và đòi hỏi sự kiên nhẫn. Đó là p hương pháp "Seven Baby Step" (tạm dịch: Bảy bước đến với tự do tài chính) của Dave Ramsey - một triệu phú người Mỹ, doanh nhân và chuyên gia tài chính.
Nói về vị doanh nhân này, ở những năm tuổi 20, ông đã trở thành triệu phú nhờ kinh doanh BĐS. Tuy nhiên, lúc đó, vì mong muốn làm giàu nhanh, "máu liều cao" nên Dave Ramsey chấp nhận vay nợ ngân hàng để đầu tư BĐS. Cho đến một ngày, bong bóng BĐS bị vỡ và ngân hàng siết lại những cái quy chế vay nợ. Đây là nguyên nhân dẫn đến sự phá sản sau này của Dave Ramsey.
Quá trình phá sản là quãng thời gian khó khăn với Dave Ramsey khi ông còn đang nuôi con nhỏ, chủ nợ đến nhà siết nợ, vợ chồng xảy ra tranh cãi, có thời điểm không đủ 100 USD (~2,4 triệu đồng) để mua thức ăn cho gia đình,...
Do cuộc sống khốn khổ nên Dave Ramsey đã quyết định thay đổi và tuân theo "Seven Baby Step". Nhờ phương pháp này, ông đã thoát cảnh nợ nần và trở lại làm triệu phú.
Dave Ramsey
7 bước của "Seven Baby Step" hướng đến tự do tài chính
Bước 1: Chuẩn bị quỹ tiết kiệm khẩn cấp
- Tại sao chúng ta cần có quỹ tiết kiệm khẩn cấp?
Dave Ramsey nhận ra, trong quá trình trả nợ, ban đầu mọi người làm rất ổn, nhưng khi có những chuyện xảy ra ngoài ý muốn chẳng hạn ốm đau bệnh tật, nhà hỏng, xe hỏng,... khiến cho họ phải bỏ tiền mà đáng lẽ dùng để trả nợ, thậm chí vay nợ thêm rồi sau đó càng lún sâu vào vòng xoáy nợ nần. Từ đó, họ càng cảm thấy mình không thể trả nợ được nữa, đằng nào cũng khó khăn rồi nên sẽ buông xuôi.
Do đó, Dave Ramsey khuyến nghị trước khi làm bất cứ điều gì, việc đầu tiên là có quỹ tiết kiệm khẩn cấp. Đây là khoản bạn không dùng để chi tiêu hàng ngày, mà chỉ khi có trường hợp khẩn cấp mới động tới.
- Quỹ tiết kiệm khẩn cấp bao nhiêu là đủ?
Theo Dave Ramsey, nếu gia đình bạn có tổng thu nhập hàng tháng dưới 2000 USD (khoảng 49 triệu đồng), bạn cần có quỹ tiết kiệm khẩn cấp là 500 USD (khoảng 12,4 triệu đồng). Nếu tổng thu nhập hàng tháng trên 2000 USD, bạn cần có quỹ tiết kiệm khẩn cấp là 1000 USD (khoảng 24,9 triệu đồng).
Bước 2: Trả hết nợ nần
Dave Ramsey là người không thích nợ nần. Bởi lẽ cuộc đời ông từng gặp nhiều khó khăn và áp lực khi mang nợ người khác. Do đó, ông coi trọng việc trả hết các khoản nợ, trừ một khoản nợ có thể để lại sau đó là trả góp mua nhà.
Bạn có thể vay nợ để đi đầu tư, với lãi suất sinh lời có thể cao hơn so với lãi suất mang nợ. Tuy nhiên, phương pháp này dành cho người ưa mạo hiểm, đánh đổi là nguy cơ mất trắng và mất tiền. Còn với những người ưa an toàn, họ không muốn chấp nhận mang nợ thì có thể đi theo con đường chậm mà chắc, đó là cố gắng thanh toán càng nhanh các khoản nợ càng tốt.
Ảnh minh hoạ
Bước 3: Chuẩn bị quỹ tiết kiệm
Quỹ tiết kiệm này bao gồm 3-6 tháng chi phí tiêu dùng cơ bản. Đây là những khoản chi cho nhu cầu cần có để tồn tại, như tiền nhà, tiền ăn, tiền điện nước, tiền đi học của con, tiền xăng xe,... Còn những chi phí bên ngoài như tiền mua quần áo, tiền xem phim, tiền ăn hàng,... thì không tính vào.
Theo Chi Nguyễn, quỹ tiết kiệm là 3 tháng chi tiêu cơ bản phù hợp cho người độc thân, hay những gia đình có sự hỗ trợ của ông bà, bố mẹ. Còn quỹ tiết kiệm là 6 tháng chi tiêu cơ bản phù hợp với những gia đình không còn phụ thuộc tài chính vào người khác.
Bên cạnh quỹ tiết kiệm, với những bạn có dự tính mua nhà cần vay ngân hàng, thì bạn cần chuẩn bị một quỹ tương đương 20% giá trị căn hộ. Đây là số tiền để bạn dành trả tiền cọc mua nhà, sau đó bạn sẽ tiến đến trả vay nợ mua nhà. Dave Ramsey khuyên khoản trả tiền vay nợ hàng tháng, cộng với tiền lãi ngân hàng phải ít hơn 25% tổng thu nhập của bạn sau thuế. Đây là mức an toàn để bạn không rơi vào cảnh "poor house", tức là sau khi mua nhà thì tài chính rơi vào cảnh khánh kiệt.
Bước 4: Đầu tư cho quỹ hưu trí
Nhiều người cho rằng, tại sao tôi phải nghĩ về chuyện nghỉ hưu khi mới 20 - 30 tuổi. Tuy nhiên, thực tế ai rồi cũng phải nghỉ hưu và chúng ta chỉ đi làm được đến một độ tuổi nhất định thôi. Đồng thời khác với thế hệ bố mẹ, hiện nay chúng ta khó sống thoải mái nếu chỉ dựa vào đồng lương hưu.
Do đó, khi còn trẻ bạn nên đầu tư 15% lương vào quỹ hưu trí. Sau đó, bạn mang tiền này vào những khoản đầu tư có tính chất ổn định, an toàn, lâu dài. Những quỹ đầu tư này có thể đạt mức độ tăng trưởng thấp nhưng về hàng chục năm tiếp theo vẫn sẽ sinh lãi đều đặn. 8-12%/năm là mức sinh lời lý tưởng cho khoản đầu tư của một quỹ hưu trí.
Ảnh minh hoạ
Bước 5: Tiết kiệm tiền giáo dục cho con cái
Quỹ này dành cho những gia đình có con nhỏ, mà con có mục tiêu học Đại học hay đi du học. Quỹ này sẽ đảm bảo khi con lớn, con có tiền đi học, tiền sinh hoạt và không phải mắc nợ. Theo Chi Nguyễn, từ khi con còn 1 tháng tuổi, cô đã chuẩn bị tiền tiết kiệm giáo dục cho con.
Tương tự như quỹ hưu trí, quỹ tiết kiệm giáo dục cũng nên được mang đi gửi vào khoản đầu tư ổn định, tỷ suất sinh lời có thể chậm nhưng an toàn.
Bước 6: Trả nợ mua nhà
Ở bước này, mọi người cần tập trung trả hết nợ mua nhà. Thông thường khi mua nhà, mọi người được chọn 2 gói vay là gói 15 năm và gói 35 năm. Dave Ramsey khuyên bạn nên chọn gói vay 15 năm, bởi chúng thường có lãi suất tốt hơn.
Nhiều người có thể chọn gói vay 35 năm, để kéo dài thời gian đi trả nợ và mang tiền đi đầu tư. Tuy nhiên, đây là phương pháp dành cho người ưa thích mạo hiểm. Bởi lẽ nhỡ may khi thị trường đi xuống, bạn sẽ vừa phải gánh nợ vay mua nhà, vừa không có tiền tiêu, thậm chí chấp nhận đi vay thêm một khoản nợ khác.
Bước 7: Làm giàu và giúp đỡ người khác
Khi đã đạt được 6 cột mốc trên tức là bạn đã có một nền tảng tài chính vững mạnh và không còn e ngại rủi ro. Đây là thời điểm bạn có thể thử sức với các hình thức đầu tư mạo hiểm hơn, mang lại lợi suất lớn như cổ phiếu, địa ốc, kinh doanh,... Lúc này, sự mất tiền cũng không ảnh hưởng đến nền tảng tài chính do đó phù hợp để làm giàu.
Bên cạnh đó, bạn cũng nên mang tiền giúp đỡ người khác. Bởi giàu có không chỉ là sự dư dả trong tiền bạc mà còn ở tâm tưởng. Khi bạn cởi mở và hào phóng hơn với đồng tiền, bạn sẽ có thêm những cơ hội mới, quan hệ tốt hơn, cũng như cảm thấy vui vì đồng tiền không chỉ giúp cho bản thân mình mà còn là người khác.
Nhịp Sống Thị Trường