Không những không nhận vi phạm, cựu lãnh đạo Navibank còn “sốc” trước mức án Viện Kiểm sát đề nghị?
Bị cáo Đoàn Đăng Luật, nguyên Trưởng phòng Nguồn vốn Navibank cho rằng: “Bị cáo không có mục đích muốn xúc phạm ai hết, mà là lời từ tấm lòng bị cáo. Bị cáo đã bị sốc khi VKS đề nghị mức án với các bị cáo”.
- 12-03-2018Đề nghị mức án với 10 cựu lãnh đạo Navibank
- 12-03-2018Huyền Như xác nhận việc chiếm đoạt 200 tỷ đồng của Navibank
- 12-03-2018Vụ xử 10 cựu lãnh đạo Navibank: Bác đề nghị triệu tập Thẩm phán Quảng Đức Tuyên
Trong phiên tòa ngày 13/3, sau khi Viện Kiểm sát (VKS) đưa ra ý kiến, quan điểm luận tội đối với 10 bị cáo nguyên là lãnh đạo Ngân hàng TMCP Nam Việt (Navibank) phạm tội "cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", nhiều bị cáo đã tỏ ra "khá bất ngờ" trước mức án của mình.
Riêng bị cáo Đoàn Đăng Luật, nguyên Trưởng phòng Nguồn vốn Navibank phát biểu tại phiên toàn: "Bị cáo không có mục đích muốn xúc phạm ai hết, mà là lời từ tấm lòng bị cáo. Bị cáo đã bị sốc khi VKS đề nghị mức án với các bị cáo". Theo đó, bị cáo Luật cũng một mực không thừa nhận hành vi của mình là vi phạm pháp luật.
Cụ thể, theo kết luận, cơ quan điều tra cho rằng bị cáo Luật đã có 5 hành vi vi phạm; bao gồm: trực tiếp thoả thuận với Tuấn và Như về việc gửi tiền, đề ra chủ trương trái pháp luật và không thông báo chủ trương.
Đối đáp lại kết luận trên, bị cáo Luật cho rằng mình không trao đổi thoả thuận với bị cáo Như; đồng thời sau khi tiếp nhận thông tin, bị cáo khẳng định đã có báo cáo thông tin với phòng nguồn vốn, "Do đó quy kết bị cáo như vậy là cáo buộc không đúng sự thật".
Mặt khác, bị cáo Luật còn cho rằng việc không thông báo chủ trương; không đề nghị ai đứng tên; chỉ truyền đạt thông tin cho nhân viên, trong đó có nội dung về nghiệp vụ cho vay bằng giấy tờ có giá là hoạt động bình thường. Đồng thời, liên quan đến việc nhận 9 tỷ đồng lãi suất ngoài hợp đồng. "Không hiểu sao cơ quan tố tụng chấp nhận lời khai của Huyền Như và Tuấn và lại bỏ qua lời khai của bị cáo. Xin cho bị cáo đối chấp tại toà".
Cựu Tổng Giám đốc Navibank nói hành vi của bị cáo không cấu thành tội
Tham gia tự bào chữa tại phiên tòa, bị cáo Lê Quang Trí - nguyên Tổng Giám đốc Navibank khẳng định hành vi của bị cáo không cấu thành tội. Cụ thể, bị cáo Trí thừa nhận trong quá trình điều hành ngân hàng thường không tránh khỏi thiếu sót, tuy nhiên việc thiếu sót không phải là hành vi cố ý làm trái và không gây ra hậu quả nên không thể cấu thành tội.
Bị cáo Lê Quang Trí, nguyên Tổng Giám đốc Navibank.
Thứ nhất, về hành vi theo như trong cáo trạng và luận tội của VKS, Navibank có chủ trương cho vay; tuy nhiên bị cáo Trí bác bỏ rằng không có chủ trương cụ thể như cáo trạng nêu. "Và nếu có chủ trương như vậy, thì Hội đồng Tín dụng cũng không có quyền đưa ra chủ trương. Đây chỉ là nghiệp vụ cho vay cá nhân cầm cố bằng giấy tờ có giá là hợp đồng tiền gửi", bị cáo Trí nói.
Mặt khác, bị cáo còn cho rằng theo suy đoán của mình thì nếu có chủ trương đi gửi tiền ngân hàng khác thì cũng không có luật nào cấm như vậy.
Thứ hai, đối với cáo trạng quy kết vi phạm khoản 3,4 điều 7, quy định cho vay 1627; bị cáo Trí cho biết đây là khoản vay cầm cố bằng hợp đồng tiền gửi, tiền lãi vay chính là tiền gốc và lãi, nên các khoản vay hoàn toàn bảo đảm khả năng trả nợ. Mặt khác, theo lời nguyên lãnh đạo Navibank thì trong công văn hướng dẫn cho quy định 1627 có hướng dẫn cho vay cầm cố bằng giấy tờ có giá, và trong trường hợp này chính là hợp đồng tiền gửi tại VietinBank.
"Trong công văn này nêu rõ đối với khoản vay đơn giản, có thể không cần phương án vay vốn, có thể ghi ngay trên giấy đề nghị vay vốn. Như vậy, Navibank đã thực hiện đúng hướng dẫn", bị cáo Trí nói. Đồng thời, bị cáo Trí cũng cho rằng, việc giao dịch của nhân viên Navibank tại VietinBank chi nhánh Tp.HCM là giao dịch hợp pháp, ký hợp đồng tiền gửi do bà Hương ký, đóng dấu thật. "Như vậy, Navibank giao dịch với pháp nhân VietinBank, chứ không giao dịch với cá nhân nào".
Ngoài ra, theo bị cáo Trí, hợp đồng tín dụng với số tiền gửi sang VietinBank chi nhánh Nhà Bè đã được thu hồi; còn với số tiền gửi sang VietinBank chi nhánh Tp.HCM, hợp đồng tín dụng không có biên bản gì.
Kết phiên tòa, VKS cho rằng bị cáo Trí là người quyết định gửi tiền thông qua các hợp đồng giả nên cần tuyên mức án cao hơn các bị cáo khác. Áp dụng khoản a điều 165, VKS đề nghị xử phạt bị cáo Trí 14-15 năm tù.
Trưởng phòng Quản lý rủi ro Navibank khai không biết hành vi ký biên bản hợp đồng tín dụng là trái quy định
Trong phần tự bào chữa, mặc dù thừa nhận đã ký vào biên bản để cho nhân viên vay tiền, bị cáo Nguyễn Ngọc Oanh - nguyên Trưởng phòng Quản lý rủi ro Navibank vẫn khẳng định bản thân không tham gia vào quy trình thực hiện và phê duyệt chủ trương, mà chỉ liên quan trong quá trình thực hiện báo cáo.
Theo đó, trước mức án tương đương từ 10-11 năm tù, bị cáo Oanh cho rằng mức án đề xuất cho bị cáo là quá nghiêm khắc. Đồng thời, bị cáo phân trần: "Lúc đó bị cáo không biết hành vi ký biên bản hợp đồng tín dụng là trái quy định, sẽ gây thiệt hại số tiền 200 tỷ đồng. Bị cáo mong HĐXX xem xét công tâm về khoản tiền này".
Trước thái độ thành khẩn trên, VKS kết luận chỉ riêng bị cáo Oanh có thừa nhận sai sót do có lý do đặc biệt và cho rằng việc xử lý hình sự đối với Oanh là quá nặng, theo đó VKS giảm án cho bị cáo Oanh còn 8-9 năm tù. Hơn nữa, cũng theo VKS, thực tế do muốn nhận lãi suất cao hơn, ngoài hợp đồng nên các bị cáo không gửi tiền liên ngân hàng mà sử dụng nhân viên gửi tiền vào ngân hàng, thu về 75 tỷ đồng cả trong và ngoài hợp đồng.
Kết phiên tòa ngày 12/03/2018, VKS đề nghị xử phạt:
Bị cáo Trí 14-15 năm tù;
Bị cáo Luật, Nam, Bình: 12-13 năm tù;
Bị cáo Cương, Sơn: 10-11 năm tù;
Bị cáo Trang: 9-10 năm tù;
Bị cáo Oanh, Hiền: 8-9 năm tù.
Đồng thời, VKS cho rằng chủ trương gửi tiền trên đã gây hậu quả nghiêm trọng, theo đó cần nộp lại số tiền 24,4 tỷ đồng thu lợi bất chính cho Ngân sách Nhà nước.