"Không nước nào có lãi suất cho vay thực cao như Việt Nam"
Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa cho rằng, một trong những rủi ro lớn nhất của nền kinh tế Việt Nam hiện nay là lãi suất cho vay vẫn còn cao.
- 08-08-2023Thêm loạt ngân hàng giảm lãi suất huy động, một nhà băng ngược chiều đưa mức cao nhất lên 8,3%
- 06-08-2023Vài suy ngẫm về việc tiền gửi ngân hàng tăng kỷ lục trong bối cảnh lãi suất liên tục giảm
- 04-08-2023Lãi suất tiết kiệm tiếp tục giảm mạnh
Chia sẻ tại Diễn đàn Cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam 2023 (VWAS) do Báo Đầu tư và Cộng đồng Cố vấn tài chính Việt Nam (VWA) tổ chức ngày 8/8, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, một trong những rủi ro lớn nhất của nền kinh tế Việt Nam hiện nay là lãi suất cho vay vẫn còn cao, bất chấp việc Ngân hàng Nhà nước đã nỗ lực giảm lãi suất điều hành.
Theo ông Nghĩa, chính sách tiền tệ của Việt Nam bắt đầu chuyển sang hướng hỗ trợ phục hồi, lãi suất tiền gửi đã giảm sâu nhưng lãi suất cho vay vẫn còn cao.
Lấy ví dụ một doanh nghiệp trong lĩnh vực điện mặt trời vẫn phải trả lãi suất đi vay lên tới 17%/năm và mới chỉ được ngân hàng hứa giảm xuống 14%/năm vào tháng 9 này, ông Nghĩa cho biết: "Nếu trừ 4% lạm phát thì lãi suất thực là 10%, không có nước nào trên thế giới có lãi suất thực khủng khiếp như vậy".
Vị chuyên gia này nhận định, một trong những nguyên nhân thấy lãi suất vẫn đang khá cao là do ngành ngân hàng vẫn đang phải lo ngại về biến động tỷ giá. Tuy vậy, có 3 yếu tố giúp tỷ giá năm nay ổn định, USD khó “sốt” trở lại.
Thứ nhất, chỉ số USD index đã giảm từ mức 115 điểm cuối năm ngoái còn 102 điểm và có thể giảm thêm về ngưỡng 100 điểm. Ông Nghĩa cho rằng, USD index khó tăng trở lại trong bối cảnh thế giới đa cực, sử dụng nhiều đồng tiền như hiện nay.
Thứ hai, giá hàng hóa nguyên liệu nhập khẩu có thể tăng, đặc biệt là giá nhiên liệu – gây áp lực với tỷ giá nhất là trong mùa đông tới. Song, ông Nghĩa nhận định áp lực này không lớn do Bộ Tài chính vẫn còn dư địa hỗ trợ NHNN để giữ cho giá xăng dầu không tăng mạnh (gây áp lực lên lạm phát).
Thứ ba, liệu cán cân thương mại của Việt Nam có bị thâm hụt không?. Theo ông Nghĩa, trong 6 tháng đầu năm và tháng 7 thặng dư thương mại của Việt Nam vẫn lớn, góp phần bổ sung vào cán cân thanh toán. Qua đó, NHNN có thể mua ngoại tệ tăng dự trữ ngoại hối quốc gia.
Đây là các yếu tố cho thấy áp lực tỷ giá thời gian tới không còn mạnh. Dự đoán, tỷ giá năm 2023-2024 sẽ duy trì ổn định.
“Với một quốc gia mở cửa như Việt Nam, tỷ giá ổn định là điều kiện để thị trường tài sản, thị trường chứng khoán có thể đứng vững, phục hồi nhẹ”, TS. Nghĩa đánh giá.
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, nhiều khả năng cuối năm nay Fed dừng tăng lãi suất và có thể giảm lãi suất từ cuối năm sau. Châu Âu cũng có thể dừng tăng lãi suất từ cuối năm nay do lạm phát giảm nhanh hơn dự đoán. Đây là cơ hội để NHNN giảm thêm lãi suất, hỗ trợ nền kinh tế.
Trước đó, tại Hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 33 của Chính phủ và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản (BĐS), ông Lê Tự Minh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư IMG cũng cho rằng, đã đến lúc giảm lãi suất cho vay trung hạn xuống dưới 10% vì với lãi suất trên 10% thì không có nền kinh tế nào khoẻ mạnh. Các nước phát triển áp dụng lãi suất trung hạn từ 3-5%.
"Hiện nay, lãi suất trung hạn ở Việt Nam cao, 5-6 tháng trước khoảng 12-14%, các doanh nghiệp không muốn vay, không dám vay và khách hàng mất niền tin vào thị trường BĐS, họ dồn tiền cho lĩnh vực khác", lãnh đạo IMG cho hay.
Chủ tịch IMG kiến nghị, nên hạ lãi suất trung hạn xoay quanh 8,5% cộng trừ như 2 năm trước đây, để Việt Nam tiếp tục là một con rồng của châu Á. Đồng thời, quy định biên độ 12 tháng dưới 3%, vì biên độ trên 3% của 12 tháng thì các doanh nghiệp sẽ rất khó khăn.
Trong báo cáo chiến lược mới công bố, Chứng khoán VnDirect dự báo lãi suất cho vay có thể giảm mạnh hơn trong nửa cuối năm 2023 do chi phí vốn của các ngân hàng thương mại đang giảm nhờ tác động từ các đợt cắt giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước từ đầu năm và việc ban hành Thông tư 02/2023/TT-NHNN cho phép giãn trích lập dự phòng nợ xấu.
VnDirect cho rằng lãi suất cho vay giảm sẽ là yếu tố thúc đẩy sự phục hồi của tiêu dùng và đầu tư tư nhân trong những quý tới.
Nhịp sống Thị trường