Không phải Covid mà chính các ngân hàng trung ương sẽ điều khiển kinh tế toàn cầu năm 2022
Đại dịch Covid-19 sẽ không phải là kẻ thù số 1 đối với nền kinh tế toàn cầu năm 2022. Những mối nguy hiểm lớn nhất trong năm nay dự báo sẽ bắt nguồn từ lạm phát – yếu tố rủi ro rất cao mà các nhà hoạch định chính sách gọi là sự phục hồi sau Covid. Các nhà kinh tế dự đoán năm 2023 nền kinh tế toàn cầu sẽ trở lại bình thường. Nếu dự đoán này sai, năm 2023 tất cả chúng ta phải trả giá.
- 12-01-2022Gói hỗ trợ phục hồi kinh tế sẽ tác động ra sao tới nhóm ngân hàng, cổ phiếu nào hưởng lợi?
- 05-01-2022Sau 3 tháng nới lỏng giãn cách xã hội, các ngân hàng đã bơm gần 470 nghìn tỷ ra nền kinh tế
- 04-01-2022Chủ tịch nước: "Phải bơm tiền ra nền kinh tế, giải quyết lao động phục vụ tăng trưởng"
Đã đến lúc chúng ta phải xem xét liệu nền kinh tế toàn cầu có đủ mạnh để vượt qua những khó khăn do Covid-19 gây ra với sự trợ giúp từ các chính phủ và ngân hàng trung ương giảm đi hay không, và liệu lạm phát có phải là ‘tác dụng phụ’ tạm thời của Covid hay là một vấn đề dai dẳng hơn thế.
Khi đối mặt với một loạt các kịch bản mỗi kịch bản có sự khác biệt không nhỏ, các nhà dự báo thường lựa chọn kịch bản ở khoảng giữa, không quá tích cực mà cũng không quá tiêu cực. Trong số những nhà phân tích được Bloomberg khảo sát, nhìn chung họ đều đồng thuận là nền kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 4,4% vào năm 2022, sau khi tăng 5,8% vào năm 2021. Từ năm 2023 trở đi, hầu hết đều đồng ý tăng trưởng sẽ trở lại mức bình thường dài hạn, khoảng 3,5%, như thể Covid chưa từng xảy ra.
Chỉ có một vấn đề mà các nhà phân tích có sự chia rẽ cao trong dự đoán. Nền kinh tế trông có vẻ đang bình thường trở lại, nhưng chưa chắc đã phải thế. Nếu trong 12 tháng nữa tình hình không thay đổi thì chắc chắn các nhà hoạch định chính sách sẽ gặp rắc rối lớn.
Hãy nhìn vào thị trường lao động. Có ít nhất 10 triệu vị trí cần tuyển dụng trên khắp Hoa Kỳ vào cuối năm 2021, mà mọi giám đốc nhà hàng, giám đốc nhà máy và giám đốc điều hành đều ra rả kêu rằng họ đang phải chật vật để lấp đầy. Tình trạng thiếu lao động xuất hiện ở khắp mọi nơi - ngoại trừ các số liệu thống kê. Đi sâu vào các con số, bạn sẽ thấy có ít nhất 5 triệu người Hoa Kỳ trưởng thành hiện đang không làm việc dù đã được tuyển dụng thành công vào đầu năm 2020.
Hoa Kỳ không phải là quốc gia duy nhất có người lao động bị ‘mất tích’. Vương quốc Anh có hơn một triệu vị trí việc làm chưa tìm được người tính tới tháng 11, nhưng có thêm ít nhất 600.000 người không chịu làm việc so với đầu năm 2020. Họ đang tiếp tục giảm làm việc ngay cả khi lương tăng.
Cho dù đó là bồi bàn hay tài xế xe tải, ngành sản xuất vi mạch hay làm pho mát kem, sự không phù hợp giữa cung và cầu đã trở thành áp lực lên sự phục hồi khỏi Covid – hậu quả của giai đoạn 18 tháng ‘điên rồ’ - chứng kiến nền kinh tế lớn nhất thế giới suy giảm gần 20% trong 6 tháng sau đó lấy lại toàn bộ những gì đã mất của 6 tháng đó từ giữa năm 2021.
Những người chiến thắng lớn từ đợt tăng lịch sử đó là các hộ gia đình Hoa Kỳ, những người có khối tài sản tăng vọt nhờ thị trường chứng khoán và bất động sản đang bùng nổ (tức là tầng lớp những người vốn giàu sẵn). Tính chung lại, người dân Hoa Kỳ đã có thêm ước tính 2,6 nghìn tỷ đô la tiết kiệm trong tài khoản ngân hàng của họ tính đến giữa năm 2021, một khoản tích lũy tương đương 12% tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Trong phần lớn thời gian của năm 2021, các nhà hoạch định chính sách ở Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ(Fed) và nhiều ngân hàng trung ương khác cảm thấy tự tin khi loại bỏ tình trạng thiếu lao động và tắc nghẽn chuỗi cung ứng – những hậu quả ngắn hạn của đại dịch. Tuy nhiên, nỗi sợ hãi Covid kéo dài và số tiền rủng rỉnh trong tài khoản ngân hàng đã khiến nhiều người thất nghiệp không muốn quay trở lại làm việc. Các ngân hàng trung ương giải thích rằng những vấn đề này sẽ được giải quyết theo thời gian.
Trong tình huống đó, "bất ngờ" xuất hiện một yếu tố có thể giải thích hợp lý cho lạm phát ở năm 2021, đó là giá năng lượng tăng, củng cố quan điểm rằng các ngân hàng trung ương chưa hành động gấp, bởi chi phí nhiên liệu tăng cao đó đang có dấu hiệu tăng chậm lại. Nhưng đến Lễ Tạ ơn, lạm phát giá tiêu dùng của Hoa Kỳ vẫn ở mức 6,8% so với cùng kỳ năm trước, mức cao nhất kể từ khi Ronald Reagan làm tổng thống và gấp khoảng ba lần so với dự báo của Fed vào đầu năm 2021. Chưa dừng lại ở đó, lạm phát tháng 12 của Hoa kỳ vẫn tiếp tục vọt lên 7%, mức cao chưa từng có trong vòng gần 4 thập kỷ.
Như vậy, đến tháng 12, câu chuyện cuối cùng đã chuyển từ lạm phát chỉ là "tạm thời" sang thành "mất quá nhiều thời gian để điều chỉnh, có thể cần một cú hích", và thị trường hiện đang đặt cược rằng Fed sẽ tăng lãi suất ít nhất ba lần trong năm 2022. Ngân hàng Nước Anh, dự báo lạm phát sẽ tăng trên 6% trong những tháng tới, đã khởi đầu chặng đường bình thường hóa chính sách tiền tệ một cách thuận lợi tại cuộc họp chính sách cuối cùng của năm 2021, khi tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản. Các nhà đầu tư nhận định Anh sẽ tăng lãi suất thêm 4 lần nữa trong năm 2022.
Tỷ lệ lạm phát (cuối năm 2021 và dự báo cuối năm 2022)
Dữ liệu của Bloomberg Economics
Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) đã không tăng lãi suất tham chiếu trong suốt hơn một thập kỷ, và Chủ tịch ECB, bà Christine Lagarde, đã nói rằng nâng lãi suất không phải là kế hoạch của năm nay. Khu vực đồng euro gồm 19 quốc gia ngay từ đầu đã có lạm phát thấp hơn so với Vương quốc Anh và Hoa Kỳ, và sự phục hồi kinh tế của khu vực này cũng kém mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, với dữ liệu công bố mới nhất cho thấy giá tiêu dùng tăng với tốc độ kỷ lục 5% trong tháng 12 so với cùng kỳ năm trước, ECB cũng có thể chịu áp lực tăng giá.
Do đó, chắc chắn việc ngân hàng trung ương quan trọng nhất thế giới sẽ rút các chương trình hỗ trợ khỏi nền kinh tế thì những ngân hàng khác khó có thể tụt lại quá xa. Bức tranh của năm 2022 sẽ được định hình bằng việc liệu những động thái đó sẽ là quá nhiều cho quá trình hồi phục kinh tế hay không? hay vẫn quá ít, hoặc quá muộn?
Từng là ngân hàng trung ương gây ra hầu hết các cuộc suy thoái, xét về khía cạnh "quá nhiều", các nhà phân tích lo ngại việc Fed tăng lãi suất quá nhanh sẽ gây ra những tác động lan truyền tiếp theo, chẳng hạn như kinh tế suy giảm trở lại trong bối cảnh biến thể Omicron đang lây lan rất nhanh và lo sợ về ‘tác dụng phụ’ của việc nền kinh tế trở nên cạn kiệt đồng USD vào đúng lúc mà lãi suất tăng lên.
Chỉ số chi tiêu hàng hóa của cá nhân của các nền kinh tế lớn
Tổng hợp dữ liệu từ: Cục Phân tích Kinh tế Hoa Kỳ, Cơ quan Thống kê Canada, Văn phòng Thống kê Quốc gia Vương quốc Anh, Eurostat, Bloomberg Economics
Bộ phận phân tích Bloomberg Economics của hãng Bloomberg nhận định biến thể Omicron sẽ rõ ràng có tác động đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu, nhưng chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Số ca nhiễm Omicron liên tiếp lập đỉnh mới nhưng ảnh hưởng về mặt kinh tế giảm dần, một phần do mọi người đã trở nên ứng phó tốt hơn với dịch bệnh nên giảm thiểu hậu quả gây ra cho kinh tế.
Omicron dường như dễ lây lan hơn nhưng lại ít gây chết người hơn so với các biến thể trước đó. Sự gia tăng đột biến số ca nhiễm biến thể này có thể gây áp lực nặng nề lên hoạt động kinh tế trong ngắn hạn, bởi khiến cho số người bị cách ly – rời khỏi vị trí việc làm tăng lên, hoặc giãn cách xã hội, như đã xảy ra ở Hoa Kỳ và Vương quốc Anh.
Tác động từ việc các chính phủ chấm dứt các khoản chi tiêu hỗ trợ kinh tế trong giai đoạn đại dịch sẽ khó có thể giảm nhanh. Nền kinh tế Hoa Kỳ đã thực hiện kích thích kinh tế trong 2 năm qua với việc Liên bang tung 1 nghìn tỷ USD để hỗ trợ mọi đối tượng trong xã hội, phần lớn dưới hình thức tiền mặt.
Theo nhà kinh tế chính trị trưởng Alec Phillips của Goldman Sachs Group Inc cho rằng việc loại bỏ tất cả những kích thích đó chắc chắn sẽ tạo ra lỗ hổng trong tổng nhu cầu trị giá ít nhất tương đương 3% của GDP. Và giả định rằng chính quyền Biden cói thể thông qua kế hoạch Build Back Better (tạm dịch: Xây lại tốt hơn) trị giá 1,75 nghìn tỷ USD, trải dài trong 10 năm và có thể giúp tăng trưởng vào năm 2022 được cộng thêm 0,5 điểm phần trăm, song tất cả hoặc phần lớn chi tiêu bổ sung đó có thể biến mất nếu Nhà Trắng không đạt được sự đồng thuận của Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ của bang Tây Virginia, Joe Manchin, người đang là "chìa khóa" thành công trong việc thông qua kế hoạch này.
Thượng nghị sĩ Manchin vào tháng 12/2021 đã tuyên bố không ủng hộ dự luật chi tiêu xã hội 1,75 nghìn tỷ USD, động thái giáng đòn chí mạng vào nỗ lực của Biden.
Ông Biden cùng các đảng viên Dân chủ khác trong thời gian qua đã rất cố gắng thuyết phục ông Manchin ủng hộ dự luật. Tuy nhiên, ông Manchin cho rằng khoản tiền 1,75 nghìn tỷ USD của dự luật ‘Xây lại tốt hơn’ quá tốn kém và sẽ làm trầm trọng tình trạng lạm phát của Hoa Kỳ. Để dự luật được thông qua ở Thượng viện, ông Biden cần toàn bộ 50 thượng nghị sĩ Dân chủ bỏ phiếu thuận, do 50 thượng nghị sĩ Cộng hòa tuyên bố sẽ phản đối.
Tỷ lệ tăng trưởng GDP (ước tính năm 2021 và dự báo 2022, so sánh với năm liền trước)
Dữ liệu của Bloomberg Economics
Liệu sự đối đầu đó cùng với chính sách tài khóa và tiền tệ của Hoa Kỳ có giết chết sự phục hồi kinh tế toàn cầu? Thị trường tài chính dường như không nghĩ như vậy. Thị trường chứng khoán toàn cầu trị giá khoảng 150 nghìn tỷ đô la vào cuối năm 2021, đã tăng gấp đôi giá trị kể từ tháng 3 năm 2020. Chỉ số chứng khoán S&P 500 của Hòa Kỳ thậm chí còn tăng vọt trong ngày Fed tuyên bố sẽ giảm mua trái phiếu nhanh hơn để dọn đường cho việc nâng lãi suất.
Bloomberg Economics dự báo nền kinh tế Hoa Kỳ sẽ tăng trưởng với tốc độ 4,4% trong nửa đầu năm 2022, bất chấp ảnh hưởng từ biến thể Omicron đối với chi tiêu và đầu tư và việc Liên bang rút lại các biện pháp kích thích. Tốc độ tăng trưởng kinh tế Hoa Kỳ dự báo sẽ chậm lại còn 2,7% vào nửa cuối năm 2022, nhưng vẫn là mức tăng đáng kể. Cơ sở chính để đưa ra dự báo lạc quan đó là phần lớn người tiêu dùng Hoa Kỳ vẫn có tiền để chi tiêu - khoản 2,6 nghìn tỷ USD bổ sung nằm trong tài khoản ngân hàng. Và, tạm thời, số tiền đó không được tập trung vào các hộ gia đình giàu nhất, có lẽ vì ước tính 2/3 số đó đến từ các khoản tài trợ của chính phủ.
Anna Wong, nhà kinh tế trưởng của Bloomberg Economics phụ trách thị trường Hoa Kỳ, tính toán rằng một gia đình có thu nhập trong khoảng 24.000 đến 75.000 USD hiện có đủ tiền để duy trì chi tiêu như trước đại dịch trong vòng ít nhất hai tháng nữa mà không cần cắt giảm tiết kiệm thường xuyên. Nhóm này thường sẽ có rất ít hoặc không có khả năng tài chính từ các nguồn khác.
Giả định rằng nền kinh tế Hoa Kỳ có thể chịu đựng được những khó khăn nảy sinh trong quá trình thắt chặt tiền tệ, vận phần còn lại của thế giới thì sao? Những thay đổi trong lập trường của Fed có thể thúc đẩy dòng tiền từ các thị trường rủi ro hơn chảy về Hoa Kỳ. Nhiều nền kinh tế thị trường mới nổi sẽ phải đối mặt với sự lựa chọn khó khăn giữa việc tự tăng lãi suất để ngăn chặn dòng tiền chảy ra hoặc giữ ở mức thấp để duy trì sự phục hồi trong nước.
Nhà phân tích Ziad Daoud của Bloomberg Economics đã xác định 5 quốc gia đặc biệt dễ bị tổn thương trước việc Hoa Kỳ tăng lãi suất, đó là: Brazil, Ai Cập, Argentina, Nam Phi và Thổ Nhĩ Kỳ, hay còn gọi là the Beasts (mặc dù cách tiếp cận độc đáo của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan để kiềm chế lạm phát, bằng cách cắt giảm lãi suất, được cho là đã đưa Thổ Nhĩ Kỳ vào một ‘không gian’ riêng biệt.)
Nhìn chung, tỷ lệ lãi suất tham chiếu của các thị trường mới nổi có thể sẽ tăng lên, nhưng Bloomberg Economics dự đoán rằng các nền kinh tế này, ngoại trừ Trung Quốc, sẽ tăng trưởng 4,8% vào năm 2022. Con số này thấp hơn gần 2 điểm phần trăm so với năm 2021, mặc dù cao hơn nhiều so với mức trước Covid.
Lý do lớn nhất mà thế giới có thể tránh khỏi tác động của việc Fed thắt chặt tiền lệ là ECB và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản cam kết giữ lãi suất ở mức đáy trong thời điểm hiện tại. Vì vậy, vẫn còn rất nhiều tiền giá rẻ đang trôi nổi trên khắp thế giới cần tìm kiếm một ‘ngôi nhà’. Điều này phần nào giải thích tại sao lãi suất dài hạn — được phản ánh trong lợi tức trái phiếu kho bạc Hoa Kỳ kỳ hạn 10 năm — không phản ứng mạnh với kế hoạch tăng lãi suất ngắn hạn của Fed.
Một yếu tố khác là Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, lần đầu tiên trong lịch sử, sẽ đi theo hướng hoàn toàn ngược lại với Fed. Đây là một thỏa thuận lớn liên quan đến vấn đề tiền tệ mà nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc, Yang Jiechi, nói với Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken khi hai bên gặp nhau về vấn đề nhân quyền tại cuộc họp đầu tiên hết sức phức tạp của họ ở Alaska vào tháng 3 năm ngoái. Bằng cách nới lỏng chính sách để hỗ trợ nền kinh tế đang vật lộn với tác động của cuộc siết chặt quản lý thị trường bất động sản giữa bối cảnh Fed đang thắt chặt, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) sẽ tuyên bố độc lập với Hoa Kỳ.
Đối với châu Âu, các yếu tố quan trọng trong năm nay sẽ là chi phí năng lượng và chính trị. Giá khí đốt và điện đang ở mức cao kỷ lục do các vụ ngừng hoạt động các nhà máy điện hạt nhân ở Pháp và nguồn cung khí đốt tự nhiên của Nga giảm. Thủ tướng Italy, Mario Draghi, lập luận rằng các chính phủ cần phải hành động để bảo vệ người tiêu dùng, nhưng các chính phủ đã gánh thêm rất nhiều nợ sẽ không cảm thấy thích thú khi phải giúp đỡ người tiêu dùng thêm một lần nữa.
Ở Pháp, cuộc khủng hoảng năng lượng và làn sóng Covid thứ sáu diễn ra trong bối cảnh nước này chuẩn bị bầu cử Tổng thống. Cho đến lúc này, ngoại trừ một cuộc khủng hoảng vào phút cuối, kết quả bầu cử có thể sẽ là đương kim Tổng thống Emmanuel Macron tiếp tục nắm giữ quyền lực.
Tương lai của Italy có vẻ ít chắc chắn hơn sau khi có tin tức bất ngờ vào tháng 12 rằng ông Draghi có thể tìm kiếm chức vụ tổng thống, giao lại công việc thủ tướng cho người khác. Việc bỏ phiếu bắt đầu vào ngày 24 tháng 1. Italy vẫn được coi là quốc gia có nhiều khả năng gây ra cuộc khủng hoảng tài chính châu Âu tiếp theo và không ai trong số những người kế nhiệm ông Draghi có thể có tầm vóc như cựu chủ tịch ECB cũng như sự tín nhiệm của các nhà lãnh đạo châu Âu khác và các nhà đầu tư quốc tế.
Ở Anh, sau một loạt bê bối chính trị, nhiều người dự đoán Thủ tướng Boris Johnson sẽ bị ‘lật đổ’ trong một cuộc đảo chính đảng vào nửa đầu năm 2022. Mujtaba Rahman, giám đốc điều hành khu vực châu Âu của công tyEurasia Group Ltd., một chính trị gia, đồng thời là nhà tư vấn rủi ro, đặt 40% xác suất ông Johnson sẽ mất chức vào cuối năm nay. Nhưng nếu không có cuộc bầu cử Quốc hội sắp tới, một sự thay đổi lãnh đạo có thể sẽ không có tác động lớn đến việc xử lý nền kinh tế.
Quay trở lại Hoa Kỳ, nơi mà sự tốt lên hay tệ đi chi phối mọi cuộc thảo luận về quỹ đạo của sự phục hồi toàn cầu, bởi vì nơi đó tạo ra khoảng 1/4 sản lượng của thế giới, các nhà đầu tư cho đến nay nhìn chung đang định giá ngân hàng trung ương Hoa Kỳ sẽ nâng lãi suất ba trong năm 2022. Tuy nhiên, Bloomberg Economics cho rằng các dự báo mới nhất của Fed về tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát cơ bản sẽ phù hợp với 6 lần tăng lãi suất trong năm 2022, chứ không phải 3. Nhưng ngay cả điều đó nếu xảy ra cũng sẽ khó có thể đưa tỷ lệ lãi suất tham chiếu của Hoa Kỳ lên trên 1% vào cuối năm, tức là vẫn thấp hơn rất nhiều so với lạm phát và thấp hơn mức trước đại dịch Covid.
Dự đoán lãi suất của Mỹ năm 2022 và những năm tiếp theo
Nguồn: Statista
Dù Chương trình ‘Xây lại tốt hơn’ của Tổng thống Joe Biden có được thông qua hay không, sẽ thật ngạc nhiên nếu những mức tăng lãi suất đó đủ để ngăn chặn một nền kinh tế bước vào năm với động lực mạnh mẽ. Vậy câu hỏi lớn hơn không phải là liệu Chủ tịch Fed Jerome Powell và ê kíp của ông có làm được ‘quá’ nhiều vào cuối năm nay hay không mà là liệu họ đã làm đủ chưa?
Cựu Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ, Larry Summers, một cuộc phỏng vấn vào tháng 12 đã nói rằng: "Nỗi lo sợ của tôi là chúng ta đã đạt đến một thời điểm mà sẽ rất khó để việc giảm lạm phát mà không làm phát sinh suy thoái". Nhà kinh tế học và cộng tác viên của Bloomberg này năm 2021 đã sớm và thường xuyên lo lắng rằng gói cứu trợ Covid trị giá 1,9 nghìn tỷ đô la của Tổng thống Biden sẽ gây ra lạm phát mà không có tác dụng nhiều trong việc thúc đẩy tăng trưởng cơ bản. Lập luận của ông, rằng đợt kích thích ngắn hạn lần thứ ba không thực sự cần thiết. Lập luận này đến hiện tại có vẻ càng có sức thuyết phục, khi mà chúng ta đã có dữ liệu từ các hộ gia đình Hoa Kỳ, nhìn chung cho thấy ở mỗi thời điểm các gói trợ cấp được thông qua thì các hộ gia đình Hoa kỳ lại giảm việc tự tạo ra thu nhập cho mình.
Fed trong một thời gian dài luôn khẳng định lạm phát chỉ là "tạm thời". Tuy nhiên, đây có lẽ là lạm phát tồi tệ nhất trong lịch sử của ngân hàng trung ương Hoa Kỳ.
Để chứng mình rằng sẽ cần nhiều hơn một vài lần tăng lãi suất mới có thể tiêu diệt được lạm phát, hãy nhìn vào các vấn đề từ phía nguồn cung – một trong những nguyên nhân chính đẩy giá tăng mạnh. Ngoài ra, những người lao động trong nền kinh tế hậu Covid này đột nhiên được hưởng mức lương ngày càng tăng từ người sử dụng lao động. Mức lương theo giờ của Hoa Kỳ đã tăng 5,8% trong tháng 10 so với năm trước, mức tăng lương hàng năm cao thứ ba kể từ đầu những năm 1980. Một phương pháp tính toán khác phổ rộng hơn về tiền lương và phúc lợi cũng ghi nhận mức tăng mạnh nhất trong vòng 1/4 thế kỷ.
Lần gần đây nhất Hoa Kỳ chứng kiến một vòng xoáy giá tiền lương là cách đây hơn bốn thập kỷ. Đối với người lao động theo giờ của nước n ày, tiền lương hầu như không theo kịp với lạm phát kể từ những năm 1980, thậm chí còn thúc đẩy lạm phát, một xu hướng gây ra bởi toàn cầu hóa và tăng tự động hóa. Mặc dù vậy, mức cầu mạnh mẽ trong nửa cuối năm 2021 nên tạm dừng đối với những ai nghĩ rằng lạm phát của Hoa Kỳ sẽ biến mất chỉ sau một đêm.
Sự đồng thuận giữa các nhà kinh tế học mà Bloomberg thường xuyên khảo sát là đại dịch có thể đã thay đổi hẳn cách chúng ta làm việc và mua sắm, nhưng các động lực cơ bản của cung và cầu sẽ trở lại bình thường khá nhanh khi chúng ta không còn phải chịu đựng mối đe dọa từ virus Covid-19. Khi đó, lạm phát sẽ bắt đầu quay trở lại mục tiêu dài hạn của Fed là 2%. Nếu nhận định đó là đúng, các nhà hoạch định chính sách sẽ xoay sở để hướng nền kinh tế Hoa Kỳ hạ cánh "an toàn" và tránh suy thoái. Nếu là sai, năm 2023 tất cả chúng ta phải trả giá.
Tham khảo: Bloomberg, Statista