‘Không phải cứ thiếu vốn là nghĩ đến ngân hàng’
Theo chuyên gia, doanh nghiệp khi thiếu vốn trung dài hạn thì phải nghĩ đến thị trường vốn, khi thiếu vốn ngắn hạn mới nghĩ đến ngân hàng và cần có tư duy không nên tập trung vốn vào 1 ngân hàng.
- 05-02-2024Lãi suất ngân hàng BIDV mới nhất tháng 02/2024: Mức cao nhất là bao nhiêu?
- 04-02-2024Những sự kiện tài chính đáng chú ý nhất toàn cầu trong tuần 5-9/2/2024
- 04-02-2024Giá vàng SJC cuối tuần quay đầu rớt mạnh
Trong Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) vừa được thông qua ngày 18/1/2024, có quy định giảm trần tỷ lệ sở hữu ngân hàng nhằm ngăn chặn sở hữu chéo, vấn đề đặt ra là làm thế nào để vừa ngăn chặn được sở hữu chéo nhưng vẫn đảm bảo quyền lợi hợp pháp của cổ đông.
Tại tọa đàm Luật Các tổ chức tín dụng ngày 3/2, ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam - đánh giá, việc giảm trần tỷ lệ sở hữu là một trong những quy định nhằm tránh thao túng ngân hàng. Việc này là nội dung cần thiết, làm sao giảm tỷ lệ sở hữu chi phối các tổ chức tín dụng.
Tuy nhiên, để giảm tỷ lệ một cách ổn định, luật cũng có điều khoản chuyển tiếp thi hành cho đến khi đưa tỷ lệ về mức quy định. Thế nhưng, đây chỉ là một trong những nội dung giảm thiểu sự chi phối, bên cạnh nhiều điều khoản khác.
Luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty Luật ANVI - cho rằng: "Để tránh lũng đoạn dẫn đến rủi ro ngành ngân hàng có nhiều yếu tố. Đầu tiên là tỷ lệ sở hữu, thứ hai là tỷ lệ cho vay, thứ ba mới là quản trị điều hành khác. Nhưng thực tế, xảy ra rất nhiều vụ án và bài học, nên buộc lòng phải siết chặt tất cả các khâu".
Ngoài ra, ông Đức cho hay, cần phải kiểm soát chặt nữa là nguồn tiền. Trên thực tế vẫn xảy ra trường hợp rút ruột ngân hàng. Đặc biệt, điều quan trọng nữa là Chính phủ cũng yêu cầu thực thi điều luật.
"Nhưng thực tế liệu có trình trạng vượt tỷ lệ quy định hay không? Luật mới đã điều chỉnh nhiều khía cạnh khác nhau, hy vọng quy định sẽ tác động được vào thực tế thay đổi theo chiều hướng tốt hơn", Luật sư Đức nói.
Liên quan đến vấn đề cổ đông sở hữu trên 1% vốn tổ chức tín dụng phải công bố thông tin, ông Nguyễn Quốc Hùng đánh giá nội dung này xuất phát trong thực tế, nhiều cổ đông không xuất hiện trong danh sách cổ đông nhưng người đại diện trên 90%, nhưng không có thông tin minh bạch.
Để mọi người thấy được, cổ đông này có thực lực, vốn bỏ vào không hạn chế, nhưng chiếm giữ tỷ lệ 1% vốn điều lệ tổ chức tín dụng thì các thông tin liên quan nhân thân, tình trạng tài chính phải công bố, để làm sao cho mọi người biết được đây là vốn thật, không phải là người đứng tên cổ đông thay người khác, hạn chế được việc chi phối.
Luật sư Trương Thanh Đức đề xuất thay vì tỷ lệ sở hữu 1% mới công bố thông tin thì cần công khai tất cả danh sách cổ đông, chỉ có công khai minh bạch thì mới thực sự giám sát được.
Các ngân hàng muốn chuyên nghiệp và bền vững thì phải tự đảm bảo, kể cả mức cho vay thấp nhất cũng phải đủ chuẩn, đảm bảo an toàn. Thứ hai là thanh tra giám sát, phải tăng cường để mắt đến những trường hợp này.
Ông Hùng bổ sung thêm làm sao để kiểm soát việc thao túng, không phải chỉ mỗi việc quy định tỷ lệ giới hạn cấp tín dụng và công bố thông tin người có tỷ lệ sở hữu 1%, mà phải nâng cao vai trò của hội đồng quản trị và ban kiểm soát, tăng số lượng thành viên hội đồng quản trị độc lập.
Vai trò của ban kiểm soát của tổ chức tín dụng là rất lớn. Bên cạnh đó, thanh tra giám sát phải phát hiện kịp thời, cái chính là ban kiểm soát của tổ chức tín dụng phải thể hiện được vai trò của mình, thường xuyên theo dõi báo cáo kịp thời.
Có nhiều nội dung trong Luật mới chưa hoàn thiện nhưng cũng hạn chế được phần nào việc sở hữu chéo, thao túng tổ chức tín dụng.
Ông Hùng cho biết thêm, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ ban hành thông tư và các tổ chức tín dụng và cơ quan quản lý Nhà nước cũng sẽ tham gia triển khai, để Luật đi vào cuộc sống, văn bản quy phạm pháp luật cũng hướng dẫn để làm sao không ảnh hưởng đến hoạt động của các tổ chức tín dụng và việc tiếp cận vốn của người dân.
“Doanh nghiệp cũng cần xác định không phải cứ thiếu vốn là nghĩ đến ngân hàng, thiếu vốn trung dài hạn thì phải nghĩ đến thị trường vốn, khi thiếu vốn ngắn hạn mới nghĩ đến ngân hàng và cần có tư duy không nên tập trung vốn vào 1 ngân hàng mà cần kêu gọi đồng tài trợ cho các dự án lớn và có hiệu quả”, ông Hùng nhấn mạnh.
Tiền phong