MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Không phải Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc…đây mới là thị trường nghỉ dưỡng lên “ngôi” trong những năm tới

Mặc dù trong một vài năm gần đây thị trường BĐS nghỉ dưỡng ở nước ta có sự phát triển đột phá, nhưng theo đánh giá của giới chuyên môn như ông Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch tập đoàn FLC hay ông Don Lam – Chủ tịch Quỹ VinaCapital thì đây mới chỉ là giai đoạn đầu của BĐS nghỉ dưỡng, tiềm năng phân khúc này còn rất lớn. Việt Nam có rất nhiều danh lam thắng cảnh đẹp chưa được khai phá.

Những “điểm nóng” đang dần bão hòa

Cùng với đà tăng trưởng đó, khách du lịch – người có ảnh hưởng lớn đến thị trường nghỉ dưỡng trong tương lai bởi họ là khách hàng sử dụng các sản phẩm này, cũng đang tăng lên rõ rệt.

Theo Tổng cục du lịch năm 2016 lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 10 triệu lượt. Trong đó, khách Hồng Kông, Trung Quốc và Hàn Quốc lần lượt là 67,5%, 51,4% và 38,7%. Trong 2 tháng 2017, khách quốc tế tăng 33% so với cùng kỳ.

Thị trường nghỉ dưỡng trong năm qua được xem là bùng nổ ở Đà Nẵng, Nha Trang và Phú Quốc. Nguồn cung lớn về condotel và biệt thự biển chủ yếu ở các địa phương này, liên tục tăng cao do các “ông lớn” như Vingroup, FLC, Sungroup và nhiều DN khác như CEO, Bim Group, Hòa Bình, Empire…đổ bộ đầu tư.

Nguồn cung lớn khiến những “điểm nóng” như Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc đang dần bão hòa, thị trường bắt đầu có dấu hiệu giao dịch giảm so với năm 2015 – 2016.

Tuy nhiên, theo dự báo của giới chuyên môn, thị trường nghỉ dưỡng sẽ còn nhiều tiềm năng trưởng trưởng, bởi sự hỗ trợ từ chính sách và kinh tế ổn định. So với một số nước trong khu vực, thu hút khách du lịch của Việt Nam vẫn còn hạn chế, và dư địa tăng trưởng còn rất lớn. Khách quốc tế đến Việt Nam đạt khoảng 10 triệu lượt, bằng 30% Malaysia và Thái Lan và hơn một nửa so với Singapore.

Vì thế, Nhà nước đang có nhiều chính sách ưu tiên phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Bộ Chính trị đã đặt đầu bài cho ngành phải đạt con số 17-20 triệu lượt khách quốc tế và 82 lượt khách nội địa vào 2020. Tổng thu đạt khoảng 35 tỷ USD (ngang với Malaysia hiện tại và chỉ bằng nửa Thái Lan). Đây chính là cơ sở cho những xu hướng đầu tư mới và những vùng đất mới.

Thị trường mới nổi có cơ hội lên ngôi

Ông Trần Ngọc Quang, Tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam nhận định “Việt Nam rất nhiều tiềm năng phát triển du lịch. Vì thế BĐS du lịch với nhiều hình thức chắc chắn sẽ phát triển tốt khi đáp ứng được nhu cầu mới mẻ và độc đáo”.

Cũng theo ông Quang, những thị trường mới như Quy Nhơn, Huế, Sapa, hay Quảng Ninh sẽ là nơi phát triển mạnh mẽ trong tương lai, chứ không hẳn là Đà Nẵng, Nha Trang hay Phú Quốc đã là “tâm điểm” của thị trường những năm vừa qua.

Thực tế cho thấy, nhiều vùng đất mới bắt đầu đón những làn sóng đầu tư từ các đại gia địa ốc. Chẳng hạn ở Quy Nhơn, cách đây chừng 1 năm FLC đã rót 7.000 tỷ để đầu tư vào quần thể nghỉ dưỡng tại Nhơn Lý, từ đó thị trường này đã được biết đến với nhiều sản phẩm nghỉ dưỡng như condotel hay biệt thự biển; Hay như Vinpearl, Hoa Sen…cũng đang quan tâm đầu tư vào đây.

Một địa phương khác cũng đang thu hút được xu hướng đầu tư này đó là Quảng Ninh, hàng loạt những dự án BĐS nghỉ dưỡng nghìn tỷ đã làm thay đổi hẳn thị trường Hạ Long như FLC Hạ Long, Mon Bay, Vinhomes Hạ Long…và sắp tới nhiều khả năng thị trường ở Vân Đồn sẽ sôi động.

Hay như tại Huế, nhiều đại gia BĐS trong và ngoài nước năm ngoái cũng đã đẩy mạnh đầu tư vào vùng đầu giàu tiềm năng du lịch này như Vingroup, Bitexco hay BRG…Mới đây, một nhà đầu tư đến từ Thái Lan là Công ty TNHH Pakgon còn mong muốn “biến” Huế thành đô thị thông minh, với kế hoạch đầu tư vào các dự án từ nay đến 2020.

Quảng Bình cũng là một vùng đất như vậy. Hiện Quảng Bình đang thúc đẩy phát triển du lịch với những danh lam thắng cảnh nổi tiếng thế giới như động Phong Nha Kẻ Bàng, Sơn Đoòng…cùng với đó là dấu ấn nhiều dự án BĐS quy mô của “ông lớn” địa ốc cũng bắt đầu xuất hiện. Chẳng hạn như quần thể FLC Quảng Bình quy mô lên tới 1.900ha khoảng 1.000 căn biệt thự và trên 600 phòng khách sạn, Mường Thanh và Vingroup.

Bình An

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên