MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Không phải Elon Musk, đây là 2 nhà sáng lập thật sự của Tesla

27-10-2021 - 07:24 AM | Tài chính quốc tế

Không phải Elon Musk, đây là 2 nhà sáng lập thật sự của Tesla

Tesla được thành lập vào năm 2003 bởi Martin Eberhard và Marc Tarpenning.

Tesla hiện là hãng xe giá trị nhất thế giới với vốn hóa thị trường hơn 1.000 tỷ USD. Thành công của công ty này gắn liền với vị tỷ phú nổi tiếng “lập dị” Elon Musk. Tuy nhiên, trái ngược với suy nghĩ của nhiều người, Musk không phải người đầu tiên thành lập Tesla. Elon Musk đảm nhiệm vị trí giám đốc điều hành từ tháng 10/2008 và là CEO thứ tư của hãng xe điện này.

Hai nhà sáng lập thật sự của Tesla là Martin Eberhard và Marc Tarpenning. Họ nảy ý tưởng về Tesla sau khi General Motors "khai tử" chương trình ôtô điện EV1 của mình.

Chân dung 2 nhà sáng lập

Tesla Motors được đặt tên theo nhà khoa học, nhà phát minh nổi tiếng Nikola Tesla. Công ty được thành lập vào tháng 7 năm 2003 bởi Martin Eberhard và Marc Tarpenning. Eberhard và Tarpenning ban đầu giữ chức vụ CEO và CFO (Giám đốc tài chính) của công ty.

Eberhard lớn lên ở Kensington, California và theo học tại Đại học Illinois ở Urbana-Champaign, nơi ông lấy bằng cử nhân về kỹ thuật máy tính năm 1982 và bằng thạc sĩ về kỹ thuật điện năm 1984.

Tarpenning lớn lên ở Sacramento, California và nhận bằng cử nhân về khoa học máy tính tại Đại học California, Berkeley năm 1985. Ông bắt đầu sự nghiệp của mình khi làm việc cho Tập đoàn Textron ở Ả Rập Saudi. Tarpenning sau đó đã phát triển phần mềm (software) và các sản phẩm phần sụn (firmware) cho một số công ty, bao gồm Seagate Technology và Bechtel. Ông cũng từng là Phó chủ tịch kỹ thuật của Packet Design, một công ty công nghệ mạng.

Không phải Elon Musk, đây là 2 nhà sáng lập thật sự của Tesla - Ảnh 1.

Martin Eberhard (trái) và Marc Tarpenning. Ảnh: CNBC.

Eberhard và Tarpenning thành lập Tesla Motors với tham vọng biến đổi ngành công nghiệp ôtô. Họ muốn cho ra đời những chiếc xe điện mà ai cũng mong sở hữu: giá cả phải chăng, thân thiện với môi trường và hoạt động nhanh.

Sau Eberhard và Tarpenning, Ian Wright là nhân viên thứ ba của Tesla, gia nhập vài tháng sau khi công ty thành lập. Đến tháng 2 năm 2004, ba người đã huy động thành công vòng Series A từ nhiều nhà đầu tư khác nhau, trong đó Elon Musk là nhà đầu tư rót nhiều vốn nhất.

Cuộc gặp gỡ với Elon Musk

Chia sẻ trong một buổi phỏng vấn với CNBC, Martin Eberhard và Marc Tarpenning cho biết họ gặp Elon Musk lần đầu tại một buổi họp mặt dành cho các thành viên của Mars Society - tổ chức phi lợi nhuận về việc khám phá và định cư của con người trên Sao Hỏa. Thời điểm này Musk còn chưa thành lập SpaceX. Hai bên nhanh chóng gắn kết nhờ tình yêu và mối quan tâm chung tới khám phá không gian.

Sau vòng gọi vốn Series A, Elon Musk trở thành Chủ tịch của Tesla. Một năm sau đó, Tesla ký hợp đồng với hãng ôtô Anh Lotus Cars để sản xuất xe đua và xe thể thao. Lotus đứng sau thiết kế thân xe và khung gầm của chiếc xe đầu tiên của Tesla - Roadster.

Cùng năm, hai người đồng sáng lập Google Sergey Brin và Larry Page tham gia vòng gọi vốn Series B của Tesla. Musk vẫn là nhà đầu tư dẫn đầu trong vòng gọi vốn này. Musk sau đó công bố kế hoạch "bí mật" của mình dành cho Tesla: dùng số tiền huy động được để phát triển dòng ôtô vừa túi tiền và tạo ra thế hệ ôtô chạy điện không khí thải.

Cũng trong năm 2006, Tesla chứng kiến sự thay đổi lớn trong bộ máy lãnh đạo. Eberhard từ chức CEO và chuyển sang làm cố vấn. Michael Marks, một nhà đầu tư của Tesla, trở thành CEO tạm thời, cho tới khi Ze'ev Drori - một tay đua, lên đảm nhiệm vị trí này vào tháng 11.

Đầu năm 2008, Tesla chứng kiến sự mâu thuẫn của những người sáng lập. Kết quả là hai nhà đồng sáng lập Martin Eberhard và Marc Tarpenning rời công ty. Đây cũng là thời điểm chiếc mui trần Tesla đầu tiên được giao cho Elon Musk và dây chuyền sản xuất dòng xe này được bắt đầu.

Không phải Elon Musk, đây là 2 nhà sáng lập thật sự của Tesla - Ảnh 2.

Thành công của Tesla gắn liền với tên tuổi Elon Musk, tuy nhiên ông không phải nhà sáng lập ban đầu của startup này. Ảnh: Getty Images


Tháng 10/2008, Elon Musk trở thành CEO của Tesla và sa thải 25% nhân viên. Thời điểm này, Tesla chỉ có 9 triệu USD tiền mặt trong tay và đối mặt với nguy cơ không thể giao được xe Roadster cho các khách hàng đã đặt trả số tiền lên tới 109.000 USD. Tesla khi đó phải huy động 40 triệu USD bằng việc phát hành trái phiếu chuyển đổi để tránh bị phá sản và đạt được các mục tiêu sản lượng.

Đầu năm 2009, Tesla ra mắt bản ý tưởng (concept) Model S - chiếc sedan xa xỉ với công suất 518 mã lực có giá từ 76.000 USD. Không lâu sau đó, Daimler AG mua lại 10% cổ phần của Tesla với giá 50 triệu USD. Khoản đầu tư này đã cứu Tesla khỏi phá sản trong cuộc Đại suy thoái năm đó.

Cũng vào năm 2009, cựu CEO Martin Eberhard cáo buộc Elon Musk "viết lại" lịch sử Tesla và kiện Musk tội phỉ báng. Eberhard cho rằng, trong các cuộc phỏng vấn, Musk đã đổ lỗi cho mình một cách vô lý về các vấn đề tài chính và sản xuất của Tesla. Trong vụ kiện, Eberhard cho rằng Tesla đã phá hoại chiếc Tesla Roadster một cách có chủ đích trước khi giao cho ông. Vụ kiện sau đó được hòa giải.

Tháng 9/2009, Tesla và Martin Eberhard công bố một thỏa thuận về việc ai có thể tự xưng là người đồng sáng lập công ty này. Theo đó, 5 người được coi là đồng sáng lập hãng xe điện Tesla, bao gồm Elon Musk, JB Straubel (Giám đốc công nghệ của Tesla khi đó), Martin Eberhard, Marc Tarpenning và Ian Wright.

Trong cuộc phỏng vấn với CNBC, Eberhard cho biết ông vẫn ủng hộ và là một cổ đông của Tesla, đồng thời tin rằng xe điện là chìa khóa để bảo vệ hành tinh. Trong khi đó, Tarpenning chia sẻ rằng đôi khi ông vẫn nói chuyện với Musk. Nhìn lại những gì đã qua, ông khẳng định không hối tiếc vì "từ đầu tới cuối, mọi thứ đều tuyệt vời, kể cả điều tồi tệ nhất và tốt đẹp nhất".

Theo Linh Lam

NDH

Trở lên trên