Không phải FPT shop, Trần Anh hay Nguyễn Kim… một lực lượng đông đảo "những kẻ hung hãn" khác mới thực sự là đối thủ lớn khiến Thế giới di động bận tâm
Thế giới di động tranh giành 8% thị phần của FPT shop ư? Không, hơn 30% thị phần không thuộc về chuỗi bán lẻ nào, mới là nơi mà họ phải đối mặt và mong muốn giành lấy.
- 09-02-2017Cổ đông lớn cho rằng Thế giới di động quá tham vọng, một CTCK tên tuổi lại cho rằng công ty có thể làm hơn thế!
- 06-02-2017VDSC: Chọn thời điểm chốt lời cổ phiếu của Thế giới di động (MWG)
- 27-01-2017TGĐ Thế Giới Di Động: Nhà đầu tư có thể thận trọng, còn chúng tôi rất tự tin vào mục tiêu 10 tỉ USD
Nói đến vị trí dẫn đầu trong ngành bán lẻ thiết bị di động hiện nay, không cái tên nào vượt qua được Thế giới di động. Nhưng bên cạnh Thế giới di động, vẫn luôn xuất hiện một tên tuổi khác là FPT shop. Nói đến độ “hot” và độ phủ thị trường trong lĩnh vực điện máy bây giờ, cũng không thương hiệu nào vượt qua Điện máy Xanh của Thế giới di động. Nhưng phía bên kia cán cân luôn là Pico, Trần Anh, Nguyễn Kim…
Người ta thường xuyên đem những doanh nghiệp này ra so sánh bởi vì đó là những tên tuổi lớn nhất, nổi tiếng nhất trong lĩnh vực mà họ hoạt động. Người tiêu dùng cũng như nhiều nhà đầu tư mặc định: Đối thủ của Thế giới di động là FPT shop, của Điện máy Xanh là Nguyễn Kim, Trần Anh… và ngược lại.
Nhưng thực tế có phải như vậy?
Qua quá trình nghiên cứu thực tế và tiếp xúc doanh nghiệp, một chuyên gia bán lẻ cho biết, FPT shop không phải là đối thủ lớn nhất của Thế giới di động. Pico, Nguyễn Kim cũng không phải là đối thủ chính của Điện máy Xanh. Quả thực các chuỗi này có quy mô nhỏ hơn, tốc độ mở cửa hàng kém hơn, nhưng đối thủ thực sự của Thế giới di động là lực lượng đông đảo những “kẻ hung hãn” khác: Các cửa hàng bán lẻ truyền thống tại mỗi địa phương.
Số liệu tại báo cáo thường niên 2016 của CTCP Đầu tư Thế giới di động cho biết, đến cuối năm 2015, công ty này đang chiếm 30% thị phần điện thoại di động chính hãng – bỏ xa một tên tuổi khác là FPT shop với thị phần 8%. Các chuỗi khác (bao gồm các chuỗi nhỏ ở tỉnh và nhóm các siêu thị điện máy) chiếm 20%. Còn lại, thị phần lớn nhất với 40% đang thuộc về các cửa hàng nhỏ lẻ.
Theo thống kê từ GfK, kết thúc quý I/2016, cả hai chuỗi Thegioididong.com và Điện máy Xanh (thuộc CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động) chiếm tới 37% thị phần điện thoại cả smartphone và feature phone. Các chuỗi bán lẻ điện thoại còn lại chiếm 33,4%, còn lại là của các cửa hàng nhỏ lẻ.
Như vậy, mặc dù có một thực tế là thị phần của các cửa hàng điện thoại nhỏ đang bị thu hẹp lại và rơi vào các hệ thống bán lẻ lớn nhưng miếng bánh lớn nhất vẫn đang nằm trong tay họ. Lãnh đạo của Thế giới di động cho biết, trong cuộc chiến giành thị phần trên thị trường thiết bị di động trước đây và thị trường điện máy hiện nay, những kẻ khó nhằn nhất chính là các cửa hàng nhỏ. Đặc biệt tại thị trường miền Bắc và miền Trung, đặc tính của người tiêu dùng là đã chọn mua ở đâu thì sẽ “chung thủy” với nơi đó rất lâu.
Không dễ dàng để một kẻ lạ mặt từ nơi khác làm họ thay đổi thói quen. Một báo cáo mới đây của Kantar Worldpanel nhận xét, thói quen mua sắm của người Việt vẫn còn rất truyền thống, họ thường hay mua những gói hàng nhỏ lẻ, do đó vẫn còn gắn liền với các cửa hàng truyền thống và chợ.
Điều này cũng được một số lãnh đạo của các chuỗi bán lẻ khác xác nhận. Ví dụ như đối với chuỗi nhà thuốc Pharmacity, khó khăn của họ khi đánh chiếm thị phần không phải là các chuỗi nhà thuốc dẫn đầu hiện nay như Mỹ Châu, Minh Châu mà là các nhà thuốc tư nhân có mặt tại khắp mọi nơi. Hay đối với chuỗi siêu thị cho mẹ và bé Bibomart, đối thủ lớn nhất của họ không phải Kidsplaza hay concung.com mà là các cửa hàng kinh doanh hay các khu chợ truyền thống bán đồ cho mẹ và bé.
Thế giới di động tranh giành 8% thị phần của FPT shop ư? Không, hơn 30% thị phần vẫn đang thuộc về các cửa hàng nhỏ mới là nơi mà họ phải đối mặt và mong muốn giành lấy.
Buôn có bạn, bán có phường
Ông Trần Kinh Doanh – Tổng giám đốc của Thế giới di động từng phát biểu trên báo chí rằng, với xu hướng tiêu dùng hiện nay, các cửa hàng di động nhỏ lẻ sẽ phải nhường chỗ cho các mô hình bán lẻ hiện đại hơn, bởi khách hàng ngày càng có xu hướng thích tận hưởng những dịch vụ mua sắm chuyên nghiệp, xứng đáng với đồng tiền bỏ ra.
“Không có hiện tượng được gọi là cá lớn nuốt cá bé. Chúng tôi nhìn nhận mọi thứ ở góc nhìn của khách hàng. Trong một thị trường, nếu ai đó có thể phục vụ khách hàng tốt hơn, hiệu quả hơn sẽ được khách hàng lựa chọn”, ông Trần Kinh Doanh cho hay.
Nhưng khi đánh phá thị trường tại các địa phương ngoài Hà Nội và Tp.Hồ Chí Minh, khó khăn của các doanh nghiệp kinh doanh chuỗi như Thế giới di động không chỉ nằm ở chỗ người tiêu dùng chưa muốn thay đổi nơi mua sắm của mình. Cái khó còn là việc các cửa hàng tư nhân liên kết lại để cạnh tranh với kẻ lạ mặt vừa xuất hiện: cùng nhau hạ giá, tung khuyến mại, kiến nghị lên chính quyền địa phương, quản lý thị trường để gây khó dễ cho “kẻ mới”…
Tại sao giá bán tại Điện máy Xanh cao hơn các cửa hàng tư nhân? Chuyên gia bán lẻ nhận định, không chỉ vì cung cấp dịch vụ hậu mãi và chính sách chăm sóc khách hàng tốt mà còn bởi nếu để giá thấp hơn, họ sẽ tạo nên áp lực quá lớn đối với các cửa hàng nhỏ tại địa phương. Đó là điều không tốt cho chính họ.
Dù sao phép vua vẫn luôn thua lệ làng nên nếu đi một mình, chưa chắc các doanh nghiệp đó đã “địch lại” nổi. Một lãnh đạo của Thế giới di động tiết lộ, rất may là trong công cuộc mở mang bờ cõi, FPTshop cũng đi cùng, và đó chính là người kề vai sát cánh để vận động chính quyền địa phương tạo điều kiện trong việc mở cửa hàng. Buôn có bạn, bán có phường là như vậy.
Trí Thức Trẻ