MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Không phải Hàn Quốc, Nhật Bản hay châu Âu, mỹ phẩm, nước hoa về Việt Nam được nhập từ quốc gia nào nhiều nhất?

29-01-2024 - 09:32 AM | Thị trường

Việt Nam chi hơn 1,2 tỷ USD nhập khẩu nước hoa, mỹ phẩm trong năm 2023, nguồn gốc từ đâu?

Không phải Hàn Quốc, Nhật Bản hay châu Âu, mỹ phẩm, nước hoa về Việt Nam được nhập từ quốc gia nào nhiều nhất? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Nhắc đến các mặt hàng nước hoa, mỹ phẩm, người tiêu dùng Việt Nam đều đã quen mặt với các thương hiệu từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, Mỹ, Anh, châu Âu,... thế nhưng đây lại không phải là nhà cung cấp lớn nhất của Việt Nam.

Cụ thể theo báo cáo từ Tổng cục Hải quan, nhóm hàng chất thơm, mỹ phẩm và chế phẩm vệ sinh có trị giá nhập khẩu trong tháng 12 đạt hơn 107 triệu USD, giảm 3,9% so với tháng 11/2023.

Lũy kế hết năm 2023, nước ta đã chi hơn 1,2 tỷ USD để nhập khẩu nhóm hàng này, tăng 4,3% so với năm 2022. Trong năm 2022, trị giá nhập khẩu đạt hơn 1,16 tỷ USD.

Nếu như vào năm 2019, thời điểm trước khi dịch Covid-19 bùng phát, nước ta nhập khẩu nhiều nhất mỹ phẩm, nước hoa từ Hàn Quốc, Ấn Độ thì đến năm 2023, vị trí của các nhà cung cấp đã có sự thay đổi lớn.

Trong số các thị trường cung cấp mỹ phẩm, chất thơm và chế phẩm vệ sinh, Singapore là nhà cung cấp lớn nhất với hơn 398 triệu USD trong năm 2023, chiếm thị phần 33,1%.

Không phải Hàn Quốc, Nhật Bản hay châu Âu, mỹ phẩm, nước hoa về Việt Nam được nhập từ quốc gia nào nhiều nhất? - Ảnh 2.

Nguồn: Tổng cục Hải quan

Nhà cung cấp lớn thứ 2 nhóm ngành làm đẹp này là thị trường Hàn Quốc với hơn 151 triệu USD. Thái Lan đứng thứ 3 với hơn 139 triệu USD, tương ứng thị phần 11,6%.

Trung Quốc và Mỹ cũng nằm trong top 5 nhà cung cấp lớn nhất của Việt Nam với trị giá nhập khẩu lần lượt là 105 triệu USD và 90 triệu USD.

Theo Euromonitor International, thị trường chăm sóc sắc đẹp và cá nhân toàn cầu sẽ tăng lên 547 tỷ USD vào năm 2027, với mức độ tăng trưởng kép hàng năm từ 15 - 20%.

Theo thống kê của Bộ Thương mại Mỹ, hiện nay có đến khoảng 93% các sản phẩm chăm sóc cá nhân tiêu thụ tại Việt Nam là có nguồn gốc nhập khẩu, với tổng kim ngạch nhập khẩu ghi nhận đạt khoảng 950 triệu USD vào năm 2019 và ghi nhận tăng lên 1,2 tỷ USD năm 2023.

Thị trường mỹ phẩm Việt Nam hiện là một trong những thị trường năng động nhất trong khu vực hiện nay. Theo thống kê, tỷ lệ phụ nữ Việt Nam thường xuyên sử dụng sản phẩm làm đẹp tăng từ 76% lên 86% trong giai đoạn 2018 – 2022.

Tuy nhiên có thể thấy, hiện nay số lượng thương hiệu mỹ phẩm, nước hoa Việt Nam tham gia vào thị trường đang ngày càng tăng với những dòng mỹ phẩm đa dạng và độc đáo về mẫu mã không thua kém các thương hiệu nước ngoài, giá cả lại phù hợp. Đồng thời, với độ am hiểu thị trường và đặc điểm của người tiêu dùng Việt, đây là một lợi thế giúp các thương hiệu mỹ phẩm Việt tham gia và chiếm lĩnh thị trường.

Trong khi đó, Việt Nam là nước có nguồn dược liệu phong phú, nhưng chưa được khai thác và ứng dụng hiệu quả. Ngoài ra, các doanh nghiệp dược mỹ phẩm Việt Nam cũng cần nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu uy tín và khác biệt, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về an toàn và hiệu quả của sản phẩm.

Như Quỳnh

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên