MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Không phải HPG, NKG hay KDC, đây mới là cổ phiếu "béo bở" nhất trong 1 tháng qua

Giá cổ phiếu tăng hơn 120%. Tổng tỷ lệ cổ tức bằng cổ phiếu và cổ phiếu thưởng là 100%. Những cổ đông sở hữu cổ phiếu này có thể hài lòng với mức lợi nhuận trong 1 tháng qua.

Từ 11/08 đến nay, cổ phiếu SIC của CTCP Đầu tư – Phát triển sông Đà đã tăng 123% (tính theo giá điều chỉnh), đóng cửa phiên giao dịch ngày 9/9 với giá 20.100 đồng. Bên cạnh đó, vào ngày 16/08, công ty đã chốt quyền trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 15% và thưởng cổ phiếu tỷ lệ 85%, tổng cộng 100%.

Từ một cổ phiếu có khối lượng giao dịch “lẹt đẹt” vài nghìn đơn vị/phiên, SIC đã vụt lên mức hàng chục nghìn, thậm chí có phiên giao dịch hàng trăm đơn vị/phiên. Điều gì đã làm nên sự lột xác của cổ phiếu này? Câu chuyện không chỉ gói gọn trong tháng 8 năm nay.


Cổ phiếu SIC tăng vọt trong tháng qua

Cổ phiếu SIC tăng vọt trong tháng qua

Sông Đà thoái vốn, SIC về tay chủ mới

CTCP Đầu tư – Phát triển sông Đà (Songdaidc) tiền thân là chi nhánh của Tổng công ty Sông Đà tại thành phố Hồ Chí Minh, hoạt động chính trong ngành đầu tư, kinh doanh các công trình thủy điện vừa và nhỏ; khai thác dịch vụ nhà ở và đô thị; xây lắp công trình.

Trước đây, cổ đông lớn của SIC là Tổng công ty sông Đà nắm 36,72% vốn cổ phần. Sau nhiều lần thoái vốn bất thành, đến cuối năm 2015, Tổng công ty sông Đà đã tìm được đối tác để chuyển nhượng toàn bộ phần vốn tại SIC bằng phương thức thỏa thuận với giá 11.500 đồng/cp.

Đợt thoái vốn này từng tạo nên “game thoái vốn” cho SIC hồi tháng 11/2015, đẩy giá cổ phiếu từ 6.000 đồng lên 10.500 đồng. Sau khi Sông Đà rút lui, SIC cũng lột xác với một cuộc họp ĐHCĐ bất thường để thay đổi toàn bộ HĐQT, sửa đổi điều lệ và xây dựng bộ máy điều hành mới.

Hiện nay, lãnh đạo SIC là anh em ông Đặng Quang Đạt và Đặng Tất Thành, trong đó Chủ tịch HĐQT là ông Đặng Quang Đạt và Tổng giám đốc là ông Đặng Tất Thành. Cổ đông lớn tổ chức là công ty TNHH ANZA nắm hơn 22,7%.

ANZA còn có tên là Công ty TNHH Fistin Việt Nam, hoạt động trong ngành lắp đặt hệ thống điện, có trụ sở tại số 5 Phùng Chí Kiên – Hà Nội, cùng địa chỉ nhà của ông Thành và ông Đạt.

Có thể cho rằng mức tăng giá hơn 120% trong tháng qua của SIC đến từ quyết định trả cổ tức bằng cổ phiếu và thưởng cổ phiếu với tổng tỷ lệ 100%, tăng vốn điều lệ lên gấp đôi, dạt 160 tỷ đồng. Bên cạnh đó có thể còn là kỳ vọng của nhà đầu tư đối với cuộc tái cơ cấu doanh nghiệp dưới bàn tay những người chủ mới.

Sẽ có một cuộc tái cơ cấu mạnh mẽ…

Giống như nhiều doanh nghiệp thuộc dòng họ Sông Đà khác, CTCP Đầu tư – Phát triển sông Đà ngoài đầu tư các công trình thủy điện thì còn đầu tư cả bất động sản. Tuy nhiên, cho đến nay, chỉ có dự án Thủy điện K.rông Kmar là dự án đem lại doanh thu chính cho SIC. Còn các dự án bất động sản của doanh nghiệp vẫn đang dang dở. Hàng loạt dự án BĐS đã phải ngừng triển khai.

Báo cáo thường niên 2015 cho biết khó khăn của công ty là chi phí tài chính cao do dư nợ tại Maritime Bank chịu lãi suất cao hơn so với mặt bằng chung của thị trường (12%) trong khi đó, giá trị tồn kho bất động sản tại dự án Sông Đà IDC Tower Gò Vấp và Sông Hồng Riverside (Q. Thủ Đức) lên tới 450 tỷ đồng khiến công ty bị ứ đọng vốn, mất cân đối dòng tiền.

Thời vàng son dưới danh tiếng của “con cháu” dòng họ sông Đà với doanh thu ngót nghét cả trăm tỷ đồng và lợi nhuận ròng gần chục tỷ đồng đã chấm dứt với SIC từ sau năm 2012. Trong 3 năm 2013 - 2015, công ty chỉ đạt lợi nhuận lần lượt là 2,3 tỷ đồng; 356 triệu đồng và gần 1,5 tỷ đồng. SIC nợ cổ tức suốt từ năm 2010, 2011 đến 2012, đến năm nay mới dùng hình thức trả cổ tức bằng cổ phiếu để “trả nợ” cổ đông.

Với sự thay đổi của cổ đông mới, bộ máy điều hành mới, SIC sẽ lột xác hoàn toàn khi quyết định chuyển nhượng nồi cơm chính của mình - Dự án Thủy điện K.rông Kmar – để tập trung vào lĩnh vực bất động sản với Sông Đà IDC Tower Gò Vấp và Sông Hồng Riverside. Ngoài dự án này, nhà máy thủy điện ĐamB’ri 1 được xếp vào trạng thái chờ nguồn vốn để triển khai tiếp hoặc chuyển nhượng.

… nhưng giá 20.000 đồng có đắt?

Như lãnh đạo mới đã chia sẻ, việc tăng vốn điều lệ lên gấp đôi sẽ phù hợp hơn với lĩnh vực kinh doanh bất động sản và dòng tiền từ việc chuyển nhượng dự án giúp công ty cấu trúc lại cơ cấu tài chính, cân đối dòng tiền. Không những thế, Maritime bank có thể sẽ xem xét miễn giảm lãi khi công ty thu xếp được tài chính tất toán toàn bộ dư nợ gốc và lãi. 6 tháng đầu năm 2016, kết quả kinh doanh có phần khả quan hơn khi doanh thu dù sụt giảm nhưng SIC có lãi 921 triệu đồng thay vì lỗ hơn 4 tỷ như năm trước.

Những thông tin tích cực đã phản ánh vào giá cổ phiếu để tạo nên cơn sốt từ 11/8. Dù đà tăng đã chững lại trong 5 phiên gần đây nhưng với mức giá hiện tại, P/E của SIC đã lên đến gần 50.

Với việc chuyển nhượng dự án Thủy điện K.rông Kmar cho CTCP Đầu tư ANZEN với giá 261 tỷ đồng, người ta kỳ vọng SIC có một khoản lợi nhuận kha khá trong quý 3/2016 và tiếp tục cải thiện các chỉ số tài chính. Tuy nhiên đó đây vẫn có những e ngại khi thấy SIC – một doanh nghiệp có cổ đông lớn là ANZA – bán dự án cho một công ty có tên là CTCP Đầu tư ANZEN mới thành lập vào ngày 28/04/2016.

Minh Châu

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên