MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Không phải là doanh nghiệp nhưng có doanh thu nghìn tỷ, gấp chục lần công ty đã lên sàn

Đơn vị có doanh thu lớn nhất trong số này thu đến gần 1.800 tỷ đồng trong năm ngoái.

Mới đây, vào dịp đầu năm học mới, hầu hết trường đại học đã công khai tài chính năm 2022 thông qua báo cáo ba công khai theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Theo đó, 9 đại học có doanh thu đạt mốc nghìn tỷ, tăng 4 so với báo cáo số liệu năm 2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Danh sách này có 5 trường công lập: Bách khoa Hà Nội, Kinh tế TP HCM, Tôn Đức Thắng, Kinh tế quốc dân và Cần Thơ. Và 4 cơ sở giáo dục tư thục gia nhập “CLB nghìn tỷ”: Đại học Văn Lang, FPT, Nguyễn Tất Thành và Công nghệ TP HCM.

Trường Đại học Văn Lang có doanh thu lớn nhất trong danh sách này, 1.758 tỷ đồng. Trong vòng 5 năm, doanh thu của trường tăng hơn 4 lần. Đáng chú ý là doanh thu năm 2022 tăng hơn 700 tỷ đồng so với năm trước đó. Đây là mức tăng "khủng" nhất trong số các trường.

Kế đến là Đại học Kinh tế TP HCM là hơn 1.443 tỷ đồng. Trường Đại học FPT báo cáo 1.300 tỷ đồng doanh thu. Kinh tế quốc dân chưa công khai con số chính thức, dự tính 1.061 tỷ đồng.

Bên ngoài một cơ sở của trường ĐH Văn Lang, nơi có doanh thu cao nhất trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam.

Để so sánh, cả năm 2022, Công ty Cổ phần Bệnh viện Tim Tâm Đức (UPCoM: TTD) tại TP HCM ghi nhận doanh thu lũy kế trong năm ngoái đạt hơn 723 tỷ đồng, lợi nhuận gộp đạt hơn 174 tỷ đồng. Như vậy, doanh thu tại Văn Lang cao gấp gần 2,3 lần so với Bệnh viện Tim Tâm Đức.

Hay CTCP Phục vụ mai táng Hải Phòng (mã CPH) ghi nhận doanh thu thuần đạt 152 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ. Doanh thu của Văn Lang gấp 11,5 lần so với Phục vụ mai táng Hải Phòng.

Doanh thu tiệm cận nghìn tỷ gồm các trường Đại học Y Dược TP HCM (985 tỷ đồng), Hoa Sen (hơn 918 tỷ đồng), Quốc tế Hồng Bàng (886 tỷ đồng), Sư phạm kỹ thuật TP HCM (785 tỷ đồng), Công nghiệp Hà Nội (hơn 751 tỷ đồng), Ngoại thương (hơn 750 tỷ đồng)...

Doanh thu của các trường đại học đến từ bốn nguồn: ngân sách, học phí và lệ phí, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ và nguồn khác (tài trợ từ doanh nghiệp, mạnh thường quân...). Điểm chung của các trường là học phí đóng góp tỷ lệ lớn nhất trong tổng thu.

Tại Trường Đại học Tôn Đức Thắng, học phí chiếm khoảng 90,3% tổng nguồn thu. Con số này ở Đại học Bách khoa Hà Nội là 79,5% và Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh là 66,6%.

Với các trường tư thục, doanh thu đến từ nghiên cứu, chuyển giao và nguồn khác không đáng kể. Đơn cử như Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, nguồn thu học phí chiếm đến 98,2% doanh thu. Trong khi đó, các trường công lập tự chủ vẫn nhận được ngân sách từ Nhà nước.

Báo cáo tại một hội nghị về tự chủ đại học hồi tháng 4, nhóm chuyên gia của World Bank đưa ra số liệu về đóng góp của hộ gia đình cho giáo dục đại học sau khi khảo sát một số trường.

Kết quả cho thấy năm 2017, ngân sách nhà nước chiếm 24% tổng nguồn thu các trường công lập được khảo sát; đóng góp của người học (học phí) là 57%. Nhưng đến năm 2021, học phí chiếm tới 77%, nguồn ngân sách chỉ còn 9%.

Nguồn thu của các trường công lập ngày càng lệ thuộc vào học phí trong bối cảnh ngân sách chi cho giáo dục đại học thấp (năm 2020 là khoảng 0,27% GDP). Thực tế này trái ngược với các nước có giáo dục đại học phát triển.

Ở các quốc gia như Mỹ, New Zealand, nhiều trường có nguồn thu lớn từ các hoạt động xã hội hóa, doanh nghiệp, mạnh thường quân tài trợ, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ…

Tính đến tháng 8/2022, cả nước có 141/232 trường đủ điều kiện tự chủ theo quy định của Luật Giáo dục đại học. Tùy mức độ tự chủ, các trường bị cắt một phần hoặc hoàn toàn đầu tư từ ngân sách, khiến học phí chiếm 50-90% tổng nguồn thu.

(Tổng hợp)

PV

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên