Không phải là người thân hay bạn bè, chính người bán hàng mới là kênh tham khảo lớn nhất của khách hàng
Kết quả khảo sát về nguồn thông tin người tiêu dùng (NTD) thường tham khảo, cho thấy, nếu như hai năm trước, người thân, bạn bè là kênh thông tin được NTD tham khảo nhiều nhất, thì đến nay kênh thông tin tham khảo từ người bán hàng lại vượt lên vị trí số 1, là kênh thông tin hiện nay được NTD tham khảo nhiều hơn cả (22,4%).
Đó là kết quả điều tra của Hội Doanh nghiệp HVNCLC 2018 vừa công bố mới đây.
Mua sản phẩm: tham khảo nhiều nhất từ người bán hàng
Bên cạnh chính sách bán hàng thì một số công ty đã đầu tư phần mềm quản lý kho với tính năng và thao tác khá đơn giản cho những đại lý thân thiết, để gia tăng lợi ích của thương hiệu đối với người bán.
Quảng bá sản phẩm trực tiếp tới NTD thông qua người bán, hình thức trưng bày tại điểm bán vẫn là chiến lược ưu tiên của các doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, vì diện tích cửa hàng hạn chế, mặt tiền cửa hàng có giới hạn, lại là nơi “chung sống” của quá nhiều nhãn hiệu sản phẩm nên DN phải đầu tư trưng bày sản phẩm mới, nổi bật.
Có thể nói, người bán hàng chính là những cầu nối truyền tải hình ảnh thương hiệu của doanh nghiệp đến NTD. Vì vậy, quảng bá sản phẩm trực tiếp tới NTD thông qua người bán, và thông qua cách trưng bày tại điểm bán (kích hoạt tại điểm bán), ngày càng trở nên quan trọng đối với chiến lược phát triển của mỗi DN.
Bán hàng là mắt xích có quan hệ mật thiết tạo tác dụng lôi kéo khách hàng, tác động trực tiếp tới niềm tin, và tái tạo nhu cầu NTD đối với sản phẩm của DN. Do vậy, Trade Marketing là một trong những điểm mấu chốt tạo lợi thế cạnh tranh của DN trên thị trường hiện nay.
Các yếu tố chọn mua: coi trọng tính an toàn
Xu hướng ưu tiên lựa chọn sản phẩm an toàn sẽ vẫn là xu hướng “hot” trong bức tranh tiêu dùng thực phẩm, đồ uống và nông sản năm 2018.
Kết quả cuộc khảo sát Hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) 2018 cũng cho thấy bốn nguy cơ vệ sinh an toàn thực phẩm mà người tiêu dùng hiện nay đang lo ngại hơn cả, là sử dụng chất cấm; nguyên liệu; quy trình sản xuất không hợp vệ sinh; dư lượng hoá chất độc hại trong sản phẩm chiếm tỷ lệ hơn 62% về những lo ngại của người tiêu dùng khi chọn mua sản phẩm thực phẩm, nông sản tươi, bánh kẹo, đồ uống, tỷ lệ này vượt xa những lo ngại còn lại như hàng giả hay tự ý thay đổi hạn sử dụng,…
Rõ ràng, vấn đề “thực phẩm sạch và an toàn” hiện là mối quan tâm bậc nhất của người tiêu dùng. Kết quả khảo sát HVNCLC 2018 về yếu tố chọn mua sản phẩm đối với sản phẩm tính riêng các ngành bánh kẹo, sữa và các sản phẩm từ sữa, đồ uống, thực phẩm và nông sản tươi, cho thấy đa số người tiêu dùng được khảo sát chọn mua dựa trên yếu tố an toàn vệ sinh thực phẩm (từ 71 - 87%), tuỳ thuộc sản phẩm từng ngành hàng.
Kết quả khảo sát về top 5 yếu tố ảnh hưởng đến quyết định của người tiêu dùng Việt do công ty nghiên cứu thị trường Nielsen thực hiện, cũng cho thấy, hai yếu tố chọn mua sản phẩm có lợi cho sức khoẻ hay chọn mua sản phẩm hữu cơ/tự nhiên được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn cao nhất (77%), rồi mới đến các yếu tố khác. Kết quả khảo sát HVNCLC 2018 về xuất xứ sản phẩm người tiêu dùng yêu thích hay mua dùng, cũng cho thấy xu hướng người tiêu dùng rất e dè trong lựa chọn sản phẩm có xuất xứ từ những quốc gia có nhiều scandal tai tiếng về an toàn vệ sinh thực phẩm (tỷ lệ chọn mua hàng Trung Quốc chỉ chiếm 0,6%, trong khi người tiêu dùng chọn mua sản phẩm có xuất xứ từ Thái, Nhật,… chiếm tỷ lệ tới 10%).
Thực tế thị trường cho thấy, khi thu nhập tăng lên, người tiêu dùng sẵn sàng chi trả mức chi tiêu cao hơn cho các sản phẩm nói chung, nhưng cũng đồng thời quan tâm hơn những giá trị mà nó mang lại, và đặc biệt quan tâm các sản phẩm thực phẩm, đồ uống… có lợi cho sức khoẻ.
Việt Nam là một trong những nước dẫn đầu về xuất khẩu sản phẩm nông sản, thuỷ sản, nhưng các dòng sản phẩm chế biến sẵn, đặc biệt là sản phẩm sạch được chế biến an toàn và tinh tế, vẫn chưa được khai thác hiệu quả. Một trong những nguyên nhân chính yếu là do chênh lệch về trình độ công nghệ, trang thiết bị và nguồn nhân lực. Ðây là một trong những yếu điểm cần được cộng đồng doanh nghiệp Việt quan tâm cải thiện, khi cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài trong xu thế hội nhập hiện nay.
Về cuộc điều tra HVNCLC 2018:
Cuộc điều tra bình chọn (thường niên) Hàng Việt Nam Chất Lượng Cao (HVNCLC) năm thứ 22 do Hội Doanh nghiệp HVNCLC chủ trì thực hiện đã khép lại sau 3,5 tháng, với 17.300 phiếu đạt chuẩn.
380 phỏng vấn viên trên toàn quốc đã thực hiện phỏng vấn trực tiếp 13.000 hộ gia đình và 3.000 điểm bán tại 12 tỉnh, thành phố là những trung tâm kinh tế trọng điểm của cả nước (miền Bắc, miền Trung – Tây Nguyên, Đông Nam bộ và Tây Nam bộ). Ngoài ra, cuộc điều tra năm nay còn thực hiện ghi nhận ý kiến bình chọn đánh giá của người tiêu dùng (NTD) thông qua kênh trực tuyến (online), đây là căn cứ đối chiếu với kết quả điều tra trực tiếp nhằm đảm bảo tính khách quan và độ tin cậy của kết quả bình chọn.