Không phải NEU hay FTU, trường ĐH này mới là “bệ phóng” giúp ông Phạm Nhật Vượng trở thành tỷ phú đô la: Học phí không quá 15 triệu/năm, từng đào tạo hơn 85.000 kỹ sư, cử nhân
Không chỉ tỷ phú Phạm Nhật Vượng, nhiều “con hổ kinh tế” của Việt Nam cũng từng theo học ngôi trường này.
- 20-03-2024Choáng ngợp với cơ sở vật chất của trường tư đang dính nhiều tai tiếng: Rộng 6,5 ha, các toà nhà to như lâu đài!
- 10-09-2023Khai trường, học sinh nội trú TH School Hòa Lạc trở lại ký túc xá “thân thương như về nhà”
- 05-09-2023Một trường đại học ở Hà Nội có tòa nhà đẹp như các trường học ở phương Tây: Ngắm mà thích mê
- 21-08-2023Một trường học ở TPHCM "flex" về câu lạc bộ: Hoành tráng ra sao mà năm nào tỷ lệ chọi cũng "sứt đầu mẻ trán"
Ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup đang nắm giữ vị trí tỷ phú giàu nhất Việt Nam với khối tài sản ròng lên tới 4,5 tỷ USD, theo Forbes. Hiện ông cũng đứng thứ 687 trên bảng xếp hạng những người giàu nhất thế giới.
Để có được thành công vang dội trên thương trường, tỷ phú Phạm Nhật Vượng vốn là người có học vấn khủng và từng theo học tại các trường đại học danh giá trong nước và quốc tế. Theo đó, trước khi du học ngành học kinh tế địa chất ở Moskva (Nga), chủ tịch Vingroup từng thi đỗ Đại học Mỏ Địa chất - ngôi trường được mệnh danh là "mảnh đất dành cho những con người nghiên cứu về trái đất". Từ “bệ phóng” này và nhờ những thành tích học tập xuất sắc, ông được trường chọn sang Nga du học vào năm 1987.
Để rồi khi bắt đầu khởi nghiệp với thương hiệu mỳ Mivina khi học tập tại Nga, doanh nhân Phạm Nhật Vượng đã tăng tốc mở rộng quy mô doanh nghiệp một cách nhanh chóng. Đến năm 2000, song song với việc điều hành công việc kinh doanh ở nước ngoài, ông Vượng mở 2 công ty tại Việt Nam và từ đó liên tục xây dựng nên hàng loạt công ty thuộc nhiều lĩnh vực, tạo nên một hệ sinh thái VinGroup lớn mạnh như hiện nay, mang thương hiệu Việt Nam sánh tầm với thế giới.
Không chỉ riêng tỷ phú Phạm Nhật Vượng, Trường Đại học Mỏ - Địa chất cũng là ngôi trường mà Chủ tịch Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch FECON Phạm Việt Khoa,...từng theo học. Ngôi trường này được thành lập năm 1966 trên cơ sở Khoa Mỏ - Địa chất của Trường Đại học Bách khoa. Từ 4 khoa khi mới thành lập, nhà trường đã từng bước lớn mạnh và trở thành một trường đại học kỹ thuật đa ngành.
Bên cạnh đó, nhà trường còn là trung tâm đào tạo quốc tế uy tín với hàng trăm thực tập sinh, kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ từ nhiều quốc gia như Lào, Campuchia, Mông Cổ, Pháp, Ba Lan, Thái Lan, Mỹ và nhiều quốc gia khác tham gia học tập. Đội ngũ cán bộ, giảng viên của Trường không ngừng được xây dựng và lớn mạnh. Sau 57 năm xây dựng và phát triển, Trường Đại học Mỏ - Địa chất đã đào tạo được hơn 85.000 kỹ sư và cử nhân; gần 11.000 thạc sĩ; và gần 500 tiến sĩ. Ngoài ra, hàng ngàn người đã được bổ túc nghề nghiệp, nâng cao trình độ thông qua nhiều chương trình đào tạo khác.
Điểm chuẩn và học phí “dễ thở”
Là đơn vị "cờ đầu" trong đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao khoa học thuộc lĩnh vực Mỏ, Địa chất, Trắc địa – Bản đồ, Dầu khí... của cả nước, song điểm chuẩn của ĐH Mỏ - Địa chất khá “dễ thở”. Theo thông tin tuyển sinh năm 2023, trường công bố mức điểm sàn xét tuyển bằng theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2023 dao động từ 15 - 22 điểm. Ngành có điểm sàn cao nhất là ngành Công nghệ thông tin.
Ở kỳ tuyển sinh năm 2022, mức điểm chuẩn của trường cũng tương tự khi dao động từ 15-23,5 điểm. Ngành Công nghệ thông tin vẫn là ngành có điểm chuẩn cao nhất trường. Có 12/42 ngành đào tạo có điểm chuẩn chỉ ở mức 15 điểm.
Năm 2023, Trường Đại học Mỏ - Địa chất tuyển sinh theo 5 phương thức: Xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2023; xét tuyển học bạ; Xét tuyển thẳng học sinh giỏi theo kết quả học THPT cấp tỉnh, cấp quốc gia, quốc tế; xét tuyển thí sinh có chứng chỉ quốc tế kết hợp học bạ THPT.
Hiện tại, Trường Đại học Mỏ - Địa chất đang áp dụng mức học phí 383 ngàn đồng/tín chỉ, tương đương 12-15 triệu đồng/năm học đối với khối ngành Kỹ thuật. Ở khối ngành Kinh tế mức học phí là 350 ngàn đồng/tín chỉ, tương đương 9-12 triệu đồng/năm học, tùy vào số tín chỉ mà sinh viên đăng ký.
Dù Nghị định 97 mới đây cho phép tăng học phí từ năm học 2023-2024 nhưng theo ông Lê Xuân Thành, Trưởng phòng Công tác chính trị - Sinh viên, trường Đại học Mỏ - Địa chất, vì Hội đồng trường phê duyệt học phí theo năm nên nhà trường đang giữ mức học phí ổn định so với học kỳ 1. Tuy nhiên, bắt đầu từ năm học tới nhà trường sẽ điều chỉnh học phí ở mức vừa phải theo lộ trình bám sát Nghị định 97 nhưng về cơ bản cân nhắc không tăng kịch như 97.
Về tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp, hiện chưa thấy Báo cáo ba công khai năm học 2022-2023 trên trang website của nhà trường. Tuy nhiên theo nội dung báo cáo ba công khai năm học 2021-2022, trường có 1.893 sinh viên tốt nghiệp (khối ngành III: 461; khối ngành V: 1.403), trong đó tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc khối ngành III là 0,2%; loại giỏi: 11,5%; khá: 77,7%; với khối ngành V, sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc đạt 0,4%; loại giỏi: 7,9% và khá: 64,9%.
Cơ sở vật chất được đầu tư
Để phục vụ tốt việc đào tạo ra các đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật có trình độ đại học và trên đại học về các lĩnh vực điều tra, khai thác tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường, xây dựng, dầu khí, đo đạc lãnh thổ, lãnh hải và quản lý đất đai, công nghệ thông tin, kinh tế, quản lý, kế toán,... trường Đại học Mỏ - Địa chất đã xây dựng được một cơ sở phục vụ giảng dạy, học tập, sinh hoạt, làm việc rộng rãi và thoáng mát.
Theo đó, khu A có diện tích 10.666m2 gồm 61 giảng đường, phòng học. Khu B có diện tích 9.050m2 51 giảng đường, phòng học. Khu C (Nghĩa Tân có diện tích 897m2 với 11 phòng học. Khu Lạng Sơn có diện tích: 950m2 với 2 phòng học lý thuyết và cơ sở đào tạo tại Vũng Tàu có diện tích 1.535m2 gồm 11 phòng học.
Theo quá trình hình thành và phát triển, nhà trường đã từng bước đầu tư chiều sâu về trang thiết bị thí nghiệm với kinh phí hàng trăm tỷ đồng. Ngoài ra các khu ký túc xá sinh viên cũng được đầu tư xây dựng khang trang, sạch đẹp với 2 nhà ở năm tầng và 1 nhà ăn hai tầng với tổng diện tích 5.500 m2 và hoàn thành 2 công trình là nhà thí nghiệm: Khu lớp học 5 tầng và giảng đường 300 chỗ.
Không những vậy, mới đây nhất, nhà trường cũng đã thúc đẩy việc triển khai dự án Đầu tư xây dựng khu giảng đường tại khu A1 - Khu đô thị đại học với tổng diện tích sàn là 5.001 m2; tổng mức đầu tư dự kiến là 73 tỷ đồng. Dự án dự kiến xây dựng hoàn thành vào cuối năm 2024.
Với khát vọng phát triển, vươn cao, Trường Đại học Mỏ - Địa chất đang ngày càng khẳng định uy tín, vị thế, tiến những bước vững chắc trên lộ trình phát triển trở thành Đại học định hướng nghiên cứu vào năm 2030 theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực, đạt trình độ ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực, góp phần đưa hệ thống giáo dục đại học Việt Nam hội nhập quốc tế.
(Tổng hợp)