MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Không phải New York hay Paris, một thành phố châu Á lần đầu lọt top đắt đỏ nhất hành tinh

02-12-2021 - 10:05 AM | Tài chính quốc tế

Không phải New York hay Paris, một thành phố châu Á lần đầu lọt top đắt đỏ nhất hành tinh

Năm 2021 là một năm khó khăn đối với tất cả các thành phố trên toàn thế giới, đặc biệt là về vấn đề giá cả.

Theo nghiên cứu mới được công bố ngày 1/12, đứt gãy chuỗi cung ứng và nhu cầu tiêu dùng thay đổi đã đẩy chi phí sinh hoạt ở nhiều thành phố lớn nhất lên cao. Theo đó, mức độ lạm phát tăng nhanh kỷ lục trong vòng 5 năm qua.

Một thành phố đã có sự thay đổi nhanh "chóng mặt", vượt qua hàng loạt "ứng cử viên sáng giá", nhảy từ vị trí thứ năm lên đứng thứ nhất trong chỉ số Chi phí Sinh hoạt Toàn cầu năm nay do Cơ quan Tình báo Kinh tế (EIU) công bố.

Đó chính là Tel Aviv của Israel, thành phố này lần đầu tiên đứng đầu bảng xếp hạng, "vượt mặt" quán quân của năm ngoái là Paris, hiện đang xếp ở vị trí thứ hai cùng Singapore. EIU cho rằng Tel Aviv đột ngột nắm vị trí cao do chi phí hàng hóa và vận tải tăng cao, cũng như đồng Shekel của Israel tăng giá mạnh so với USD.

Hàng hóa và dịch vụ hàng ngày

Chỉ số Chi phí Sinh hoạt Toàn cầu năm 2021 theo dõi chi phí sinh hoạt tại 173 thành phố trên toàn thế giới - nhiều hơn 40 nơi so với năm ngoái - và so sánh giá cả của hơn 200 sản phẩm và dịch vụ hàng ngày.

Dữ liệu cho cuộc khảo sát này đã được thu thập trong hơn ba thập kỷ và được nhóm các nhà nghiên cứu toàn cầu của EIU tổng hợp vào mỗi tháng 3 và tháng 9. Chỉ số này lấy giá cả ở Thành phố New York làm tiêu chuẩn để so sánh, do đó các thành phố ở những quốc gia có đồng tiền mạnh hơn so với USD sẽ có khả năng xuất hiện cao hơn trong bảng xếp hạng.

Zurich và Hong Kong lần lượt đứng ở vị trí thứ 4 và thứ 5, đã giữ những vị trí đầu bảng vào năm ngoái cùng với Paris. Bên cạnh đó, New York, Geneva, Copenhagen, Los Angeles và Osaka chiếm các vị trí còn lại trong top 10.

Không phải New York hay Paris, một thành phố châu Á lần đầu lọt top đắt đỏ nhất hành tinh - Ảnh 1.

Kinh đô Ánh sáng đã "hạ cánh" ở vị trí thứ hai trong bảng xếp hạng năm 2021

Các thứ hạng trên tiếp tục được thống trị bởi các thành phố châu Âu và châu Á phát triển. Các thành phố có thứ hạng thấp nhất chủ yếu ở Trung Đông, Châu Phi và các khu vực kém giàu có hơn ở Châu Á.

Vấn đề về đại dịch

Theo báo cáo của EIU, trung bình, giá hàng hóa và dịch vụ được đề cập trong chỉ số này đã tăng 3,5% so với năm trước tính theo nội tệ, so với mức tăng chỉ 1,9% vào cùng thời điểm này năm ngoái. Theo EIU, việc giá dầu tăng khiến giá xăng tăng 21% cũng tạo ra những đợt tăng giá lớn trong các ngành hàng giải trí, thuốc lá và các sản phẩm chăm sóc cá nhân. 

Những vấn đề về chuỗi cung ứng toàn cầu đã góp phần làm tăng giá cả và đại dịch Covid-19 cũng như các hạn chế xã hội khác góp phần ảnh hưởng đến sản xuất và thương mại trên khắp thế giới. Cùng với đó, biến thể Omicron mới xuất hiện gây ra cảnh báo rộng rãi khiến những vấn đề này sẽ không nhanh chóng biến mất.

Không phải New York hay Paris, một thành phố châu Á lần đầu lọt top đắt đỏ nhất hành tinh - Ảnh 2.

Singapore đã giảm một vị trí so với năm ngoái.

Thành phố có giá cả tăng cao nhất năm 2021 là Tehran của Iran, tăng 50 bậc từ vị trí thứ 79 lên đứng thứ 29 do các lệnh trừng phạt của Mỹ dẫn đến tình trạng thiếu hụt và giá cả cao hơn. Trái lại, thành phố Damascus của Syria một lần nữa được xếp hạng là thành phố có giá cả sinh hoạt rẻ nhất trên thế giới, khi nền kinh tế bị tàn phá bởi chiến tranh và liên tiếp gặp khó khăn. Ngoài Damascus và Tehran bị lạm phát rất cao vào năm 2021, Caracas ở Venezuela và Buenos Aires ở Argentina cũng gặp tình trạng tương tự.

Nhiều cơ hội sẽ đến trong tương lai

Upasana Dutt, người phụ trách mảng phí sinh hoạt toàn cầu tại EIU, cho biết trong một tuyên bố: "Mặc dù hầu hết các nền kinh tế trên thế giới hiện đang phục hồi khi vắc xin Covid-19 được triển khai, nhiều thành phố lớn vẫn có số ca mắc tăng đột biến, dẫn đến các hạn chế xã hội. Những điều này đã làm gián đoạn nguồn cung cấp hàng hóa, dẫn đến tình trạng khan hiếm và giá cả cao hơn".

Bà cho biết tác động của chỉ số năm nay có thể được thấy rõ qua việc giá xăng dầu tăng đặc biệt nghiêm trọng. Tuy nhiên, không phải tất cả các thành phố đều tăng giá. Nhiều thành phố ở cuối bảng xếp hạng có ​​giá cả trì trệ hoặc thậm chí giảm, một phần là do đồng tiền của họ suy yếu so với USD.

Không phải New York hay Paris, một thành phố châu Á lần đầu lọt top đắt đỏ nhất hành tinh - Ảnh 3.

Los Angeles là một trong hai thành phố của Hoa Kỳ lọt vào danh sách.

Trong năm tới, ai cũng hy vọng chi phí sinh hoạt sẽ tăng hơn nữa ở nhiều thành phố khi mức lương tăng trong nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, các ngân hàng trung ương cũng được kỳ vọng sẽ tăng lãi suất một cách thận trọng để ngăn chặn lạm phát. Vì vậy, việc tăng giá nên bắt đầu ở mức vừa phải so với mức của năm nay.

Tham khảo CNN 

Linh Chi

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên