Không phải Nga hay Trung Đông, đây mới là quốc gia được lợi nhất từ kế hoạch cắt giảm sản lượng, chuẩn bị bơm hàng triệu thùng dầu ra thị trường để hưởng giá cao
Xuất khẩu dầu thô từ quốc gia này dự kiến sẽ tiếp tục tăng mạnh sau khi đạt kỳ lục 4,5 triệu thùng/ngày.
- 04-06-2023Dầu Nga giành chiến thắng trong cuộc đua giành khách hàng lớn bậc nhất thế giới, xuất khẩu dầu thô thiết lập kỷ lục mới
- 01-06-2023Hãng xe chuẩn bị vào Việt Nam tiếp tục tung bom tấn SUV chỉ hơn 300 triệu đồng, bảo hành 150.000 km, khách hàng chỉ cần trả trước 15% để nhận xe
- 29-05-2023Một loại nông sản cực quan trọng đang khiến châu Âu 'mất ăn mất ngủ': Có khả năng làm giảm lạm phát, Nga là nhà xuất khẩu đứng đầu thế giới
Các nhà phân tích của Reuters mới đây đã chỉ ra rằng Mỹ sẽ là người được hưởng lợi lớn nhất từ việc cắt giảm sản lượng dầu của Saudi Arabia. Trong tháng 3 vừa qua, xuất khẩu dầu thô của Mỹ đã đạt mức kỷ lục và được dự báo sẽ còn tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới.
Vào cuối tuần qua, Saudi Arabia đã thông báo họ sẽ cắt giảm sản lượng dầu thô khoảng 10% - tương ứng với mức cắt giảm 1 triệu thùng dầu thô mỗi ngày xuống mức 9 triệu thùng/ngày. Động thái này được lý giải là nhằm hỗ trợ giá dầu đã sụt giảm trong thời gian qua do lo ngại về suy thoái kinh tế.
Người hưởng lợi lớn nhất từ kế hoạch cắt giảm này không ai khác ngoài Mỹ. Với việc cắt giảm sản lượng từ Saudi Arabia, một lượng lớn dầu thô của Mỹ sẽ được bơm ra thị trường và xuất khẩu sang các quốc gia châu Âu và châu Á - những khu vực đang ghi nhận nhu cầu nhập khẩu cao kỷ lục.
Dữ liệu từ Kpler chỉ ra rằng xuất khẩu dầu của Mỹ đã đạt mức kỷ lục 4,5 triệu thùng/ngày trong tháng 3 với thị trường Trung Quốc tăng mạnh nhập khẩu. Xuất khẩu dầu thô chiếm đến 1/3 sản lượng của Mỹ và các chuyên gia cũng lưu ý nếu tiếp tục tăng cường xuất khẩu, kho dự trữ quốc gia có thể cạn kiệt.
Đây không phải lần đầu tiên Saudi Arabia ra quyết định về việc cắt giảm sản lượng, lần gần đây nhất, quốc gia này đã ra quyết định cắt giảm sản lượng hơn 500.000 thùng/ngày, có hiệu lực kể từ tháng 5.
Ông Paul Sankey, nhà phân tích tại Sankey Research New York, cho biết: "Điều quan trọng là Saudi Arabia cắt giảm vào mùa hè khi nhu cầu nội địa đang ở mức cao nhất. Đối với tôi, điều đó cho thấy họ sẽ cắt giảm xuất khẩu".
Ngay khi tin tức về việc cắt giảm được công bố, giá dầu Brent tiêu chuẩn quốc tế và dầu WTI đã tăng khoảng 1 USD/thùng. Chốt phiên giao dịch ngày 5/6, dầu Brent được giao dịch ở mức khoảng 77,28 USD, thấp hơn mức 80 USD/thùng - mức mà Saudi Arabia cần để đủ tài trợ cho ngân sách Chính phủ của mình.
Về tình hình khai thác của Mỹ, sản lượng dầu đá phiến của quốc gia này đã vượt qua mức của năm 2022 và được dự báo sẽ chạm ngưỡng 5,71 triệu thùng/ngày. Mức tăng trưởng này đã nằm ngoài sự tính toán của OPEC.
Ông Mike Oestmann, Giám đốc điều hành của Tall City Exploration - một công ty dầu đá phiến ở Texas, cho biết: “Quyết định của OPEC đã khiến giá dầu ngay lập tức phản ứng và đà tăng này sẽ còn tăng trong dài hạn. Tuy nhiên tác động đối với hoạt động khoan dầu của Mỹ chỉ ở mức vừa phải.”
Tuy nhiên, sự không chắc chắn xung quanh sản lượng và xuất khẩu của Nga, giá cước vận tải cao và sự chênh lệch giữa giá WTI và Brent đã ảnh hưởng nhiều đến việc xuất khẩu dầu của Mỹ trong những tháng qua, cũng có những ý kiến cho rằng Mỹ có thể sẽ hạn chế xuất khẩu. Tuy nhiên với nguồn cung cắt giảm và nhu cầu tăng cao, đây tiếp tục là một tin tốt cho xuất khẩu dầu thô của Mỹ.
Theo Reuters
Nhịp sống thị trường