Không phải SoftBank, công ty này mới là yếu tố khiến Thung lũng Silicon khiếp sợ khi 'nuốt chửng' các startup hot nhất
Một đối thủ sừng sỏ với SoftBank đã xuất hiện. Theo Crunchbase, từ tháng 1 đến tháng 5, Tiger Global Management - một quỹ đầu tư tại New York, cũng đầu tư vào các công ty công nghệ tư nhân, rót tiền vào 118 startup, cao gấp 10 lần số tiền họ chi vào cùng kỳ năm 2020.
- 29-06-2021Trung Quốc: Hàng triệu lao động nhập cư bỏ phố về quê để... livestream bán hàng
- 24-06-2021Cỗ máy kiếm tiền 'hot' nhất Phố Wall: Nắm trong tay những chiêu bài lạ, các ông chủ 'đút túi' hàng triệu USD dù nhà đầu tư thua lỗ
Cách đây vài năm, sự tỏa sáng của SoftBank đã viết lại các quy tắc về đầu tư mạo hiểm (VC), khi rót nhiều tiền cho nhà sáng lập của các startup. Các nhà đầu tư mạo hiểm đã tổ chức những buổi hội nghị để thảo luận về việc lĩnh vực của họ sẽ tồn tại như thế nào sau cuộc "tấn công" dữ dội của SoftBank.
Khi một số khoản đầu tư lớn nhất của SoftBank được tiết lộ, đỉnh điểm là đợt IPO của WeWork năm 2019 bị trì hoãn, các nhà đầu tư sừng sỏ của Thung lũng Silicon cảm thấy rất hả hê. Họ cho rằng, SoftBank chỉ là một "nhà đầu tư đi du lịch" khác, một "hiệp sĩ" lĩnh vực VC đi ngang qua Thung lũng Silicon để tìm kiếm những startup tiềm năng.
Nhưng giờ đây, một đối thủ sừng sỏ với SoftBank đã xuất hiện. Theo Crunchbase, từ tháng 1 đến tháng 5, Tiger Global Management - một quỹ đầu tư tại New York, cũng đầu tư vào các công ty công nghệ tư nhân, rót tiền vào 118 startup, cao gấp 10 lần số tiền họ chi vào cùng kỳ năm 2020. Danh mục đầu tư của quỹ này hiện có hơn 400 công ty, trong đó có một số công ty đã thực hiện những đợt IPO "hot" nhất Phố Wall như Coinbase và Roblox.
Như đã trình bày với các nhà đầu tư hồi tháng 2, Tiger Global đang tìm kiếm những cách thức để "vòng xoay đầu tư quay nhanh hơn". Bộ phận mới của họ đang tìm cách huy động thêm 10 tỷ USD. Con số này có thể vẫn thấp hơn 100 tỷ USD của Quỹ Vision, nhưng vẫn là rất lớn theo tiêu chuẩn của VC. Hơn nữa, quỹ đến từ New York có thể sẽ để lại dấu ấn lâu dài hơn ở Thung lũng Silicon so với đối thủ Nhật Bản.
Có thể dễ dàng nhận thấy những điểm tương đồng giữa Tiger và SoftBank. Cả 2 đều đầu tư vào Alibaba từ trước khi công ty thương mại điện tử này niêm yết và trở thành một gã khổng lồ quy mô toàn cầu. Trong giới VC, 2 công ty này thường được miêu tả là "hung hăng", thậm chí là "điên rồ". Một khi xác định được mục tiêu, họ sẽ lao tới, hợp đồng đầu tư được ký kết ngay trong ngày, bỏ qua quá trình thẩm định dài dòng và thường đề xuất mức định giá cao hơn nhiều so với các thương vụ VC thông thường.
Đôi khi, SoftBank sẽ ký tấm séc 10 con số để "chốt deal", Tiger cũng không kém cạnh với 8 hoặc 9 con số. Công ty này có những thời điểm còn đề nghị các startup nhạn tiền mặt. Một nhà sáng lập gần đây nhận được sự hậu thuẫn của Tiger cho biết: "Ngay cả sau khi đầu tư, họ vẫn gửi tin nhắn hỏi xem liệu họ có nên rót thêm tiền hay không."
Song, Tiger lại không thích sự so sánh này, họ cũng thực sự khác biệt với tập đoàn Nhật Bản khi xét đến những khía cạnh quan trọng. SoftBank chỉ mới bắt đầu nghiêm túc đầu tư vào lĩnh vực công nghệ trong vài năm gần đây, họ khởi đầu với việc bán phần mềm sau đó chuyển sang dịch vụ trực tuyến và viễn thông.
Ngược lại, Tiger lại đầu tư vào công nghệ từ rất lâu. Nguồn gốc của quỹ này là Tiger Management – được sáng lập bởi huyền thoại quỹ phòng hộ Julian Robertson. Công ty này đã đầu tư vào những công ty công nghệ lớn trong gần 20 năm qua, cả ở Trung Quốc và Mỹ.
Trong khoảng thời gian đó, các quỹ của Tiger đã ghi nhận tỷ suất hoàn vốn nội bộ (IRR) trung bình 26%/năm, gấp đôi so với các quỹ VC tương tự. Trong khi Masayoshi Son "nhúng tay" vào hầu hết các thương vụ đầu tư của SoftBank, thì Tiger lại không phải là màn tỏa sáng của riêng 1 người. Bộ phận lãnh đạo của Tiger cũng không ủng hộ việc đầu tư dựa theo cảm tính như Masa, mà xét đến những chiến lược có kỷ luật, tập trung vào nhóm các doanh nghiệp tiềm năng.
Một sự khác biệt khác đó là, trong khi sự xuất hiện của Masa khiến Thung lũng Silicon hoảng sợ, thì Tiger lại làm cho họ bối rối. Dù cạnh tranh với Tiger ở giai đoạn đầu tư sớm, nhiều VC coi đó một động lực tốt đối với họ. Khoản đầu tư đó sẽ là nguồn vốn, giúp các công ty trong danh mục đầu tư của họ phát triển nhanh hơn hoặc thực hiện các dự án mà có thể họ đã đóng lại.
Theo Economist, có 3 yếu tố chính làm nên sự thành công của Tiger. Đó là tốc độ thực hiện các thương vụ. Trước đại dịch Covid-19, các cuộc đàm phán chủ yếu diễn ra online, mọi cuộc trò chuyện giữa nhà sáng lập và nhà đầu tư chỉ kéo dài trong vài cú click chuột.
Ngoài ra, Tiger đã nỗ lực một cách có hệ thống hơn trong việc đánh giá các startup. Dù công ty không có hội đồng quản trị, nhưng vẫn nắm rõ về các khoản đầu tư nhờ một loạt các chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động. Ngoài ra, quỹ cũng tạo ra mạng lưới cảnh báo sớm để xác định những mục tiêu tiềm năng.
Yếu tố cuối cùng có thể đóng vai trò quan trọng nhất. Tiger phản ánh sự thay đổi của các cân quyền lực giữa nhà đầu tư và doanh nhân. Theo truyền thống, nhà đầu tư thường chiếm ưu thế hơn. Sự cạnh tranh của Tiger và các "nhà đầu tư du lịch" khác đã buộc các VC của California phải đưa ra những điều khoản hào phóng hơn. Chính điều này đã giúp các nhà sáng lập trở nên tự tin hơn.
Tham khảo Economist