Không phải thiếu năng lượng, IEA cảnh báo thế giới sẽ 'ngập' trong 'dầu thừa' chỉ trong vài năm nữa
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo thị trường dầu mỏ toàn cầu đang sắp chứng kiến tình trạng dư thừa lớn trong thập kỷ này. Nguyên nhân là do nguồn cung tăng cao trong khi tăng trưởng nhu cầu chậm lại do các nguồn năng lượng phát thải thấp hơn.
- 11-06-2024Trung Quốc hoàn thành lắp đặt bể chứa dầu nổi hình trụ đầu tiên của châu Á: Xử lý 5.600 tấn dầu thô mỗi ngày, nặng 37.000 tấn, cao bằng toà nhà 30 tầng
- 11-06-2024Giá dầu thế giới tăng cao nhất trong một tuần
- 10-06-2024Trữ lượng dầu mỏ khổng lồ mà Nga vừa phát hiện 'khủng' cỡ nào: Gấp đôi nước xuất khẩu lớn nhất thế giới
IEA nêu chi tiết trong báo cáo thị trường dầu mỏ trong trung hạn, lượng năng lượng dư thừa - không được sử dụng do đã đủ nguồn cung, có thể tăng trong những năm tới đến mức tương đương với thời kỳ đại dịch.
Theo IEA, tăng trưởng nhu cầu dầu sẽ đạt đỉnh vào năm 2029 và bắt đầu giảm vào năm sau đó, đạt 105,4 triệu thùng/ngày vào năm 2030, khi việc triển khai công nghệ khai thác năng lượng sạch đã được tăng tốc. Trong khi đó, công suất sản xuất dầu dự kiến sẽ tăng lên gần 113,8 triệu thùng/ngày, được thúc đẩy bởi các nhà sản xuất ở Mỹ và châu Mỹ.
Tổ chức này cho biết: "Xu hướng này sẽ tạo ra lượng năng lượng dư thừa lớn chưa từng thấy trước đây, tương đương với thời điểm đại dịch vào năm 2020. Lượng dự trữ dầu khổng lồ như vậy có thể sẽ khiến giá dầu sụt giảm, đặt ra những thách thức cho các nhà sản xuất dầu đá phiến ở Mỹ và khối OPEC+."
Dù sụt giảm, nhưng nhu cầu dầu trên toàn cầu vào năm 2030 vẫn được IEA dự báo tăng 3,2 triệu thùng/ngày kể từ năm 2023. Đà tăng này được thúc đẩy bởi nhu cầu lớn từ các nền kinh tế châu Á, đặc biệt là ở Ấn Độ và Trung Quốc. Tuy nhiên, doanh số bán ô tô điện ngày càng tăng, hiệu quả sử dụng nhiên liệu được cải thiện và việc sử dụng năng lượng tái tạo sẽ vượt trội so với xu hướng tăng ở trên.
Ở các nền kinh tế phát triển, nhu cầu được dự báo sẽ giảm từ khoảng 45,7 triệu thùng/ngày vào năm 2023 xuống còn 42,7 triệu thùng/ngày vào năm 2030. Theo IEA, nếu không tính thời kỳ đại dịch, lần gần đây nhất nhu cầu dầu ở mức thấp như vậy là vào năm 1991.
Trong khi đó, tăng trưởng năng lực sản xuất toàn cầu sẽ được dẫn đầu bởi các nhà sản xuất ngoài khối OPEC+, đặc biệt là Mỹ, Brazil, Canada, Argentina và Guyana, được dự báo sẽ chiếm 3/4 mức tăng dự kiến năm 2030.
Công suất sản xuất dầu của OPEC+ được dự báo sẽ tăng 1,4 triệu thùng/ngày từ năm 2023 đến 2030, dẫn đầu là Ả Rập Xê Út, UAE và Iraq. Tổng thị phần dầu của khối này đã giảm xuống 48,5% trong năm nay, mức thấp nhất kể từ khi OPEC+ được thành lập vào năm 2016, do tự cắt giảm sản lượng.
IEA cũng chỉ ra một số rủi ro đối với nhu cầu được dự báo, bao gồm ước tính về tăng trưởng kinh tế, diễn biến giá dầu và tốc độ phủ sóng của xe điện trên toàn thế giới.
Trong ngắn hạn, IEA hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu xuống 960.000 thùng/ngày trong năm nay, trong khi ước tính trước đó là 1,1 triệu thùng/ngày. Nguyên nhân là do nguồn cung ở các nước OECD yếu hơn khiến nhu cầu toàn cầu sụt giảm.
Tăng trưởng nhu cầu dầu trong năm tới được dự báo ở mức 1 triệu thùng/ngày, giảm so với mức 1,2 triệu thùng trước đó, do tăng trưởng kinh tế yếu và xe điện ngày càng phổ biến. Tổng nhu cầu dầu dự kiến đạt trung bình 103,2 triệu thùng/ngày vào năm 2024 và 104,2 triệu thùng/ngày vào năm 2025.
Báo cáo của IEA được công bố khi giá dầu thô Brent giao dịch quanh mức 82 USD/thùng, trong khi dầu WTI là 78 USD/thùng. Giá dầu tăng nhờ kỳ vọng nhu cầu nhiên liệu trong mùa hè cao hơn và việc OPEC+ giảm sản lượng dẫn đến tình trạng thâm hụt trong quý III.
IEA cho biết, tổng nguồn cung dầu hiện nay dự kiến sẽ cao hơn, đạt mức trung bình 102,9 triệu thùng/ngày trong năm nay và 104,7 triệu thùng/ngày vào năm sau. Các quốc gia không thuộc OPEC+ vẫn có khả năng dẫn đầu về nguồn cung toàn cầu, khi sản lượng dự kiến tăng 1,4 triệu thùng/ngày vào năm 2024 và 1,5 triệu thùng/ngày vào năm 2025.
Sản lượng của OPEC+ dự kiến giảm 740.000 thùng/ngày trong năm nay nếu nhóm này tiếp tục cắt giảm sản lượng và sau đó tăng thêm 320.000 thùng vào năm tới.
Trong khi đó, xuất khẩu dầu thô của Nga tăng 100.000 thùng/ngày trong tháng 5, lên 7,7 triệu thùng/ngày, còn doanh thu xuất khẩu giảm 0,6% so với tháng trước xuống 16,8 tỷ USD. Sản lượng dầu của nước này dự kiến giảm 260.000 thùng/ngày trong năm nay xuống còn 10,7 triệu thùng/ngày do Nga cắt giảm sản lượng mạnh hơn OPEC+. Tuy nhiên, nguồn cung vẫn ổn định cho đến năm 2030 nhờ dự án Vostok Oil ở Bắc Cực.
Tham khảo WSJ
Nhịp Sống Thị Trường