MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Không phải xung đột Mỹ - Trung, trật tự thế giới mới sẽ được quyết định bởi kết quả cuộc xung đột giữa 3 hệ thống này

11-07-2019 - 11:59 AM | Tài chính quốc tế

Nhiều CEO đặt cược rằng các công ty chứ không phải là các quốc gia sẽ dẫn dắt trật tự thế giới mới, bởi vì những ông lớn công nghệ giờ đã có quy mô và quyền lực nhiều hơn cả 1 quốc gia.

Sau khi cuộc gặp bên lề hội nghị G20 giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump phát đi những tín hiệu tích cực, thị trường tài chính quốc tế đã mong chờ một thỏa thuận thương mại để kết thúc cuộc thương chiến đã kéo dài hơn 1 năm qua. Tuy nhiên, dường như các doanh nghiệp không tin vào điều đó. Họ đang bận rộn chuẩn bị cho một trật tự thế giới mới, mà nhiều người tin rằng trong đó sẽ không chỉ có xung đột giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới mà là sự xung đột của 3 hệ thống: hệ thống dân chủ phương Tây, hệ thống chủ nghĩa tư bản nhà nước và hệ thống tự do trực tuyến (cyber – libertarianism).

Nói theo cách dễ hiểu hơn, đó là "đồng thuận Washington", "đồng thuận Bắc Kinh" và "đồng thuận Zuckerberg" (đặt tên theo nhà sáng lập của mạng xã hội Facebook). Thuật ngữ "đồng thuận Bắc Kinh" xuất hiện lần đầu tiên trong cuốn sách The Beijing Concensus xuất bản năm 2004 của tác giả Joshua Cooper Ramos, một nhà khoa học trẻ tại Trung tâm Chính sách đối ngoại ở Anh. Cụm từ này ám chỉ mô hình phát triển của Trung Quốc, trong đó nhà nước đóng vai trò chủ đạo trong cả việc sở hữu và thử nghiệm các định chế nhưng cũng không ghét bỏ sở hữu tư nhân mà còn ủng hộ thị trường tự do.

Ngược lại, "đồng thuận Washington" đại diện cho mô hình phát triển của Mỹ, cho rằng sở hữu tư nhân, mở cửa kinh tế, cải cách (tự do hoá) hệ thống tài chính, ổn định vĩ mô, và tự do hoá chính trị là cốt yếu để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; nói cách khác nhà nước can thiệp ở mức ít nhất có thể vào nền kinh tế.

Mới mẻ hơn cả, hệ thống "đồng thuận Zuckerberg" thể hiện tầm ảnh hưởng sâu sắc của công nghệ lên đời sống xã hội hiện đại.

Những chủ doanh nghiệp tham dự một hội thảo do công ty tư vấn AT Kearney tổ chức gần đây đều đồng ý rằng "đồng thuận Washington" đang bị đe dọa, và phần lớn thế giới đang đổ lỗi cho các doanh nghiệp lớn, với những chính trị gia thường xuyên chỉ trích các doanh nghiệp lớn để ghi điểm trong mắt cử tri trong lúc làn sóng chủ nghĩa dân túy dâng cao. Và họ nhất trí rằng cần phải có 1 mô hình ưu việt hơn để có thể thay đổi tình hình.

Tất nhiên chúng ta sẽ không quay trở lại với mô hình thị trường tự do của những năm 1990. Xung đột thương mại Mỹ - Trung chỉ là khởi đầu của 1 cuộc chạm trán giữa hai hệ tư tưởng, với quy mô lớn hơn nhiều, được dự báo sẽ kéo dài hàng chục năm và sẽ chia đôi thế giới. Mô hình mà Trung Quốc đang áp dụng mang đến cả sự hoài nghi và ghen tị. Trái với tầm nhìn xa của Bắc Kinh, nhiều CEO phương Tây than phiền về những áp lực họ phải đối mặt từ kết quả kinh doanh quý yếu kém và sức ép ngày càng tăng từ các nhà đầu tư chủ động.

Tuy nhiên, cũng có một số CEO ở các nước đang phát triển bày tỏ sự lo ngại về cái giá mà họ phải trả nếu muốn độc lập với chủ nghĩa trọng thương của Bắc Kinh. Ngay cả các CEO của châu Á cũng có những quan điểm trái ngược. Một số cảm thấy việc nhà nước can thiệp quá mạnh tay vào thị trường sẽ khiến nền kinh tế méo mó và sớm đổ vỡ, trong khi một số khác tin rằng sáng kiến Một vành đai một con đường của ông Tập Cận Bình sẽ là nền tảng của một trật tự thế giới hoàn toàn mới có lợi cho cả phương Đông và phương Tây. Dẫu vậy, gần như tất cả mọi người đều nhận thấy sự cần thiết phải hiểu về Trung Quốc rõ hơn nữa.

Sự kiện Facebook ra mắt đồng tiền kỹ thuật số Libra đã trở thành một chủ đề nóng. Nhiều CEO đặt cược rằng các công ty chứ không phải là các quốc gia sẽ dẫn dắt trật tự thế giới mới, bởi vì những ông lớn công nghệ giờ đã có quy mô và quyền lực nhiều hơn cả 1 quốc gia và có thể sử dụng những yếu tố này để tác động mạnh đến các "công dân" vốn phần đa là những người trẻ thành thạo công nghệ không còn dành nhiều niềm tin cho các định chế truyền thống.

Trong khi một số người đưa ra những số liệu thống kê cụ thể để chứng minh rằng không ít người trẻ tin vào tiền số nhiều hơn là những sàn giao dịch chứng khoán truyền thống, Ngân hàng Thanh toán quốc tế và Giám đốc IMF Christine Lagarde (người vừa được đề cử vào vị trí Chủ tịch NHTW Châu Âu ECB) lại lo ngại về mối đe dọa mà fintech đem đến cho hệ thống tài chính toàn cầu. Những người làm việc trong lĩnh vực công nghệ cho rằng Libra chỉ là bước đi đầu tiên vào những lĩnh vực mà các chính phủ (ít nhất là ở phương Tây) không thể tác động. Một vị CEO chỉ ra rằng các chính phủ tự do dân chủ ở phương Tây đơn giản là không thể chuyển động đủ nhanh để bắt kịp với công nghệ.

Số liệu thống kê cho thấy Mỹ vẫn đang chiếm thế thượng phong trong ngành công nghệ, với các công ty công nghệ Mỹ chiếm 70% tổng vốn hóa thị trường của giới công nghệ. Các công ty châu Á chiếm 27%, trong khi tỷ lệ của châu Âu chỉ ở mức khiêm tốn 3%. Nhìn vào con số này, có thể nói Mỹ mạnh hơn Trung Quốc. Nhưng giống như 1 CEO phát biểu tại hội nghị: "quốc gia chỉ liên quan nếu như họ có thể đánh thuế công ty đó". Và tất nhiên là không dễ đánh thuế đầy đủ các công ty công nghệ.

Thu Hương

FT

Trở lên trên