Không sợ "bão" sa thải, chỉ chờ hết Tết để nghỉ việc
Mặc tình trạng “bão” sa thải hay thất nghiệp, nhiều người vẫn quyết định nghỉ việc sau Tết dù chưa có phương án dự phòng.
- 05-02-2023Tại sao nhiều công ty lại sa thải những nhân viên có vẻ chăm chỉ?
- 04-02-2023Bị sa thải: Cơ hội tốt để tạm dừng lại?
- 04-02-2023Có những người trẻ không sợ "bão sa thải"
Sau Tết là khoảng thời gian thị trường tuyển dụng nhộn nhịp nhất. Bởi kết thúc một năm, nhiều người có nhu cầu thay đổi công việc cũng như môi trường làm việc. Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, mọi người đang nói nhiều đến “bão” sa thải, tình hình cắt giảm nhân sự, cho thôi việc hàng loạt đang tăng cao.
Điều này khiến nhiều người cảm thấy hoang mang, lo lắng. Song, vẫn có những người “mặc kệ sự đời”, vẫn lựa chọn xin nghỉ việc thậm chí chưa có phương án tiếp theo cho sự nghiệp.
Chỉ chờ hết Tết để nghỉ việc
Ngay khi vừa kết thúc kì nghỉ Tết, việc làm đầu tiên của nhiều người là viết đơn xin nghỉ việc. Thực tế, họ đã suy nghĩ đến điều này từ thời điểm cuối năm nhưng vì muốn nhận thưởng Tết nên mới quyết định nộp đơn ở thời điểm này. Đây cũng là trường hợp của Thảo Ngọc (25 tuổi) đang làm trong lĩnh vực thiết kế và sản xuất.
“Mình đã định nghỉ việc từ cuối tháng 10 nhưng nghĩ đến lương và thưởng Tết nên mới lùi lại đến ra Tết. Càng làm mình càng cảm thấy bí bách, công việc không phù hợp và bản thân không thể phát triển thêm nữa nên muốn đi tìm một môi trường mới”, Thảo Ngọc chia sẻ.
Cũng theo Thảo Ngọc, vì ảnh hưởng bởi “bão” sa thải cũng như tình hình kinh tế thực tại, công ty của cô phải cắt giảm nhân sự, bỏ bớt một số bộ phận. Do đó, Thảo Ngọc bị điều chuyển công tác khiến cô cảm thấy không thể tiếp tục ở lại. “Mình bị chuyển sang bộ phận mới không đúng chuyên môn nên nếu mình không xin nghỉ trước, cũng có khả năng mình sẽ bị công ty sa thải”, Thảo Ngọc nói.
Ảnh minh họa: Pinterest
Còn đối với Thanh Bình (24 tuổi, TPHCM), lý do khiến cậu bạn quyết định nghỉ việc sau Tết là bởi về vấn đề lương, thưởng của công ty không rõ ràng. Thanh Bình bày tỏ: “Cuối năm công ty mình không có lương tháng 13, còn thưởng Tết lại cực kì thấp. Chưa kể, tiền thưởng còn chi trả thành 2 đợt, 50% sẽ được nhận trước Tết. 50% còn lại thì hiện đến giờ mình cũng chưa nhận được. Điều này gây ảnh hưởng nhiều đến chi tiêu cá nhân nên mình quyết định nghỉ việc”.
Bình cũng tiết lộ bản thân đã nộp đơn xin nghỉ việc ngay trong ngày đầu tiên quay lại công ty sau Tết. Đối với Thanh Bình, là một Gen Z có suy nghĩ cởi mở, hiện đại, cậu bạn cảm thấy dù ở thời điểm nào, việc nhân viên nghỉ việc hết sức bình thường. “Trước Tết hay sau Tết chỉ là mốc thời gian, không thể khẳng định ai vô ơn hay ứng xử không tinh tế. Mối quan hệ giữa mình và công ty là ngang bằng. Đi làm, mình ưu tiên môi trường phù hợp, sau đó đến thu nhập và cuối cùng là cảm xúc của bản thân. Nếu 3 điều đó công ty không thể đáp ứng được thì đã đến lúc phải dừng lại và thay đổi”, Bình nhận định.
Không sợ “bão” sa thải
Cả Thảo Ngọc và Thanh Bình cho hay đều biết đến làn sóng sa thải đang hoành hành, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao. Tuy nhiên, cả hai bạn trẻ đều không quá lo ngại khi bản thân lựa chọn nghỉ việc, thậm chí, chưa tìm được công việc mới.
Thảo Ngọc nói: “Mình không lo lắng quá nhiều, cũng không sợ thất nghiệp. Bởi thực tế vẫn có rất nhiều công ty thiếu người, họ vẫn đăng tuyển mỗi ngày. Ngoài ra, nếu chưa xin được việc, thời gian này mình có thể đi học thêm về lĩnh vực khác để mở rộng cơ hội tìm kiếm việc làm”.
Nói về vấn đề chi tiêu trong khoảng thời gian tạm thời thất nghiệp này, Thảo Ngọc cho biết cô quyết định rời thành phố về quê để tiết kiệm chi phí. “Khi nào có việc làm, mình sẽ trở lại thành phố. Mức lương trước đó của mình là 7,5 triệu/tháng, mỗi tháng mình có tiết kiệm được một chút nên giờ sẽ sử dụng quỹ đó để chi tiêu. Ngoài ra về quê sống, mình sẽ cắt giảm được những khoản chi khác nên cũng không sợ rỗng túi”, cô chia sẻ.
Ảnh minh họa: Pexels
Còn theo Thanh Bình, cậu bạn cũng không mấy sợ hãi khi đối mặt với tình trạng thất nghiệp hay “bão” sa thải ở nhiều nơi. Do tính chất công việc đặc biệt, cơ hội việc làm nhiều, khả năng cạnh tranh không cao nên Thanh Bình khá tự tin nếu đi tìm công ty mới.
Thanh Bình cho hay: “Hiện tại mình chưa tìm việc vì đang giải quyết một số vấn đề cá nhân khác. Mình cũng đã tính đến một số phương án dự phòng khi nghỉ việc. Có thể thời điểm này mình sẽ làm freelancer để duy trì thu nhập. Mình nghĩ cắt giảm nhân sự hay sa thải sẽ áp dụng đối với tùy ngành nghề. Ngoài ra nếu chuyên môn và kỹ năng của bản thân tốt thì cơ hội tìm việc vẫn rất rộng mở. Do vậy mình không quá e dè trước điều này”.
Phụ nữ Việt Nam