MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Không thể đánh bại, Trung Quốc “nuốt chửng” các doanh nghiệp Châu Âu

31-10-2016 - 12:00 PM | Tài chính quốc tế

Theo kế hoạch Made in China 2025 (Sản xuất tại Trung Quốc 2025) được công bố vào năm ngoái, Trung Quốc cần tiến hành nâng cấp sản xuất trong 10 ngành công nghiệp. Nếu không thể đánh bại các công ty tiên tiến tại Đức hay Mỹ, Trung Quốc sẽ thu mua toàn bộ những công ty này.

Trên bàn ăn có 4 món, 1 món súp khai vị và không có đồ uống. Bữa ăn đạm bạc này được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dùng trong chuyến thăm tới tỉnh Hà Bắc năm 2012 và đã trở thành biểu tượng cho nỗ lực chống tham nhũng của Trung Quốc. Sẽ chẳng có sự đón tiếp thân tình hay cơ hội để các quan chức nhận hối lộ, Chủ tịch Tập cảnh báo.

Tuy nhiên bữa ăn đạm bạc và sự tiếp đãi kém phần hồn hậu lại đang là thứ mà các tập đoàn nước ngoài muốn thâu tóm doanh nghiệp Trung Quốc gặp phải. Có quá ít món ăn trong thực đơn và chúng cũng không hề "dễ nuốt" chút nào. Điều này khác xa với "bữa đại tiệc" mà Trung Quốc nhận được ở nước ngoài, theo cách gọi của Jorg Wuttke, Chủ tịch phòng thương mại EU ở Trung Quốc.

Tuy nhiên, trước làn sóng thâu tóm ào ạt, hiện nay các nước Châu Âu đã bắt đầu xem xét lại những đãi ngộ của họ cho Trung Quốc trong các thương vụ thâu tóm doanh nghiệp. Cụ thể, trong tuần này, Đức đã rút lại quyết định bán công ty công nghệ Aixtron cho quỹ đầu tư Fujian Grand Chip của Trung Quốc. Bên cạnh đó, thương vụ thâu tóm công ty Syngenta trị giá 44 tỉ USD của công ty ChemChina cũng đã bị hoãn lại.

Trung Quốc không chỉ nhắm đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Châu Âu. Tập đoàn Dalian Wanda và Tập đoàn HNA (Trung Quốc) đã lần lượt bắt đầu tiến hành thâu tóm một xưởng phim tại Hollywood và 25% cổ phần chuỗi Khách sạn Hilton. Rõ ràng, sản xuất trang phục, đồ chơi và đồ điện tử là chưa đủ để thoả mãn các công ty Trung Quốc.

Trước tình hình này, Đức đã chỉ ra lý do cần phải xem xét kỹ việc Trung Quốc tăng mạnh các khoản đầu tư trực tiếp trong các thương vụ thâu tóm doanh nghiệp.

Trước Aixtron, Trung Quốc đã tiến hành thu mua một loạt các công ty có công nghệ sản xuất tiên tiến tại Đức như Kuka, một công ty sản xuất robot công nghiệp, và nhiều nhà sản xuất bơm bê tông và các linh kiện máy móc.

Lý do đằng sau những động thái này của Trung Quốc là vô cùng rõ ràng. Theo kế hoạch Made in China 2025 (Sản xuất tại Trung Quốc 2025) được công bố vào năm ngoái, Trung Quốc cần tiến hành nâng cấp sản xuất trong 10 ngành công nghiệp, bao gồm sản xuất linh kiện máy móc và robot, hàng không vũ trụ, dược và công nghệ thông tin. Nếu không thể đánh bại các công ty tiên tiến tại Đức hay Mỹ, Trung Quốc sẽ thu mua toàn bộ những công ty này.

So với những chiến thuật trước đây, kế hoạch này của Trung Quốc nhắm đến mục tiêu “đổi mới bản địa” thông qua thành lập các công ty liên doanh với các doanh nghiệp Châu Âu và Mỹ có mong muốn gia nhập thị trường Trung Quốc; đổi lại, những doanh nghiệp này phải dùng công nghệ sản xuất của mình làm “phí vào cửa”. Đồng thời, các công ty Trung Quốc tiến hành thu mua doanh nghiệp Châu Âu và Mỹ cũng sẽ phải trả một khoản phí bảo hiểm khổng lồ cho các công nghệ tinh vi mà họ có được.

Rõ ràng, Trung Quốc không thể chỉ phát triển sản xuất nhẹ. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng không đe doạ đến tình hình an ninh của các nước phương Tây khi mua lại công nghệ sản xuất robot và các linh kiện máy móc tiên tiến.

Tuy nhiên, vấn đề của kế hoạch này chính là dòng vốn đầu tư đang bắt đầu nghiêng về một phía. Đức và nhiều nền kinh tế tiên tiến khác hiện nay đang phải đối mặt với tình trạng mất cân bằng trong các hoạt động thu mua và sát nhập.

Sau khi Trung Quốc gia nhập WTO vào năm 2001, các công ty trên thế giới có thể đầu tư vào thị trường Trung Quốc ở nhiều ngành như sản xuất ô tô. Tuy nhiên, ở một số ngành khác như y tế, logistics hay viễn thông, Trung Quốc lại duy trì nhiều rào cản chính thức và không chính thức về sở hữu nước ngoài.

Trong khi Trung Quốc có thể thuận lợi thâu tóm Genworth Financial, một doanh nghiệp bảo hiểm của Mỹ, với giá khoảng 2,7 tỉ USD; thì ở Trung Quốc, các công ty bảo hiểm nước ngoài lại chỉ nắm giữ một thị phần rất nhỏ.

Các rào cản về quyền sở hữu này hướng tới một mục đích hợp pháp: đề phòng các ngành công nghiệp Trung Quốc lâm vào tình trạng hỗn loạn do dòng vốn đầu tư vào nội địa. Tuy nhiên, sau hơn 15 năm phát triển kinh tế rất nhanh, nền kinh tế Trung Quốc vẫn chưa hoàn toàn tự do. Cụ thể, dù luật đã nới lỏng, nhưng chính quyền và quan chức địa phương vẫn ưu tiên cho các doanh nghiệp trong nước.

Hiện nay, Đức đang vướng phải một tình huống khó khăn, đó là thiếu một cơ chế tổng thể để kiểm soát sự phát triển của Trung Quốc. EU không có cơ quan nào giống như Uỷ ban Đầu tư Nước ngoài của Mỹ làm nhiệm vụ điều tra các thương vụ mua bán nhạy cảm.

EU chỉ có thể tạo sức ép buộc Trung Quốc tạo điều kiện cho các công ty Châu Âu dễ dàng tiến vào thị trường nội địa; tuy nhiên, Trung Quốc lại khá cứng rắn trong vấn đề này, chưa kể, việc mất cân bằng cũng đem lại lợi ích cho quốc gia này.

Tình huống này khó có thể kết thúc trong thời gian ngắn. Hoặc Trung Quốc phải nới lỏng các quy định và rào cản; hoặc Mỹ và Châu Âu phải giảm bớt những ưu đãi cho Trung Quốc. Các quy định sẽ được điều chỉnh và các thương vụ có thể sẽ bị bác bỏ. Và khi đó, tổn thất là không thể tránh khỏi cho cả hai bên.

Quỳnh Mai

FT

Trở lên trên