Không thể đặt toàn bộ gánh nặng lên vai ngân hàng
Tại hội thảo công bố Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2023 có chủ đề: Liên kết và phát triển doanh nghiệp hướng tới nền kinh tế tự chủ do Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) và Viện Friedrich Naumann Foundation (FNF) tổ chức ngày 22/6, các chuyên gia đều cho rằng, chưa khi nào doanh nghiệp khó khăn như hiện nay do sức cầu hàng hóa toàn cầu suy giảm.
- 23-06-2023Nhiều ngân hàng chuẩn bị trả cổ tức
- 23-06-2023Lãi suất tại các “ông lớn” ngân hàng Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank hiện nay ra sao?
- 22-06-2023Chứng khoán tạo đáy theo lãi suất, cổ phiếu ngân hàng sẽ lên cao?
Từ đầu năm đến nay NHNN đã liên tiếp 4 lần giảm các mức lãi suất điều hành để hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế, song các chuyên gia cho rằng, chỉ một mình chính sách tiền tệ thì không làm tăng ngay được tổng cầu, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, mà cần khơi dậy các động năng khác.
Lực cầu yếu, tăng trưởng kém khả quan
Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2023 cho thấy, dù đã đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế năm 2022 cũng như những nỗ lực nhằm ổn định kinh tế vĩ mô và phục hồi tăng trưởng trong những tháng đầu 2023, song nền kinh tế đã và đang bộc lộ những thách thức và vấn đề nội tại. Khu vực công nghiệp và xây dựng luôn được coi là động lực dẫn dắt tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, lại giảm tốc từ quý III/2022. Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, chỉ số IIP ước tính giảm 2% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số PMI mặc dù đã tăng lên 51,2 (tháng 2), tuy nhiên lại tiếp tục suy giảm trong những tháng tiếp theo và tụt xa so với mức trung bình 50 điểm, phản ánh khả năng tăng trưởng sản xuất của Việt Nam trong nửa đầu năm 2023 không mấy khả quan. Khu vực sản xuất trong nước, nhất là sản xuất công nghiệp đang bị thu hẹp, tính chung 5 tháng đầu năm kim ngạch xuất nhập khẩu tiếp tục giảm 13,95% so với cùng kỳ.
Những khó khăn của nền kinh tế phản ánh rõ trong bức tranh doanh nghiệp. 5 tháng đầu năm 2023, với số doanh nghiệp gia nhập thị trường (gồm số thành lập mới và quay lại hoạt động) giảm 3,7% so với cùng kỳ năm 2022. Trong khi số doanh nghiệp rút khỏi thị trường trung bình mỗi tháng 17.600 doanh nghiệp (tăng 22,6% so với cùng kỳ năm 2022), gần bằng 93% số gia nhập thị trường - một tỷ lệ rút khỏi thị trường cao chưa từng có. Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 5 tháng đầu năm 2023 là 1393,7 nghìn tỷ đồng, giảm 43% so với cùng kỳ năm 2022 trong đó, số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập trong 5 tháng đầu năm đạt 568,7 nghìn tỷ đồng, giảm 25,3% so với cùng kỳ năm 2022. “Điều đó phần nào chứng tỏ nhu cầu vốn của khu vực doanh nghiệp đang xuống rất thấp; mặc dù NHNN liên tục giảm lãi suất điều hành”, ông Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng VERP chủ biên Báo cáo chỉ ra.
Cùng với với việc xung đột Nga - Ukraine tiếp tục kéo dài được coi là một ẩn số khó xác định cho kinh tế toàn cầu và thị trường dầu mỏ năm 2023 cùng xuất khẩu của Việt Nam hiện vẫn còn phụ thuộc nhiều vào doanh nghiệp FDI, quý I/2023, GDP của Việt Nam lại tăng trưởng rất thấp chỉ 3,32%. Với kịch bản lạc quan nhất khi tăng trưởng các quý còn lại là rất tốt, và trong điều kiện các nền kinh tế phát triển trên thế giới dần phục hồi trở lại, thì có thể tăng trưởng thực tế của Việt Nam năm 2023 sẽ cán mức mục tiêu 6,5% của Chính phủ đề ra; trường hợp điều kiện vẫn còn rất khó khăn cả trong lẫn ngoài, thì sẽ thấp hơn so với mục tiêu Chính phủ từ 0,5-1%. Vì vậy để hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy tăng trưởng, các chuyên gia cho rằng cần phải khơi thông được các động năng của nền kinh tế.
Khơi thông các động năng phát triển
Nhìn nhận thời gian qua NHNN đã làm khá tốt việc hạ lãi suất điều hành phù hợp bối cảnh trong và ngoài nước, Nhóm nghiên cứu Báo cáo khuyến nghị chính sách tiền tệ cần duy trì trạng thái “thích ứng” với hiện trạng môi trường kinh doanh có nhiều rủi ro nên chúng ta phải tiếp tục cân bằng giữa rủi ro tài chính với hỗ trợ phục hồi kinh tế, khơi thông sự luân chuyển của dòng vốn. Việc điều hành lãi suất, cung tiền và đảm bảo thanh khoản hệ thống cần tiếp tục phát huy để đảm bảo khả năng tiếp cận tín dụng, qua đó từng bước nâng dần tỷ lệ tăng trưởng tín dụng của các NHTM trong các quý còn lại của năm 2023. Bên cạnh đó, cần quản lý thật tốt kỳ vọng lạm phát, chuẩn bị sẵn sàng các biện pháp dự phòng, hành động nhanh chóng và nhất quán nếu rủi ro lạm phát kỳ vọng tăng dần.
Tuy nhiên, TS. Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ tổng hợp Ban kinh tế Trung ương nhìn nhận, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và tăng tổng cầu không thể đặt toàn bộ gánh nặng lên vai ngân hàng. Ông chỉ ra cú huých lớn nhất và kỳ vọng nhất lúc này để hỗ trợ doanh nghiệp tăng tổng cầu là đầu tư công. Việc thực hiện đầu tư công hiệu quả không chỉ tạo việc làm, tăng tổng cầu nền kinh tế mà nó còn tạo áp lực giảm lãi suất, từ đó tăng tiềm năng của nền kinh tế. “Một mình chính sách tiền tệ thì không thể tăng cầu ngay được”, ông Tú Anh cho biết.
Kinh tế quốc tế giảm tốc khiến doanh nghiệp có ít cơ hội hơn, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ hầu như "ngồi chơi" trong quý I/2023. TS. Nguyễn Đình Hoan, Viện Phát triển doanh nghiệp, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, thành viên nhóm nghiên cứu nhận định, đây là thời điểm cần kích cầu đầu tư công. Bên cạnh đó, ông cũng khuyến nghị Việt Nam cũng nên chú trọng khôi phục thị trường trong nước, nhất là phát triển lĩnh vực thị trường dịch vụ - lĩnh vực có thế mạnh rất tiềm ẩn cho các doanh nghiệp nội, trước hết đáp ứng các nhu cầu dịch vụ đã và đang bùng nổ sau đại dịch cũng như khi Việt Nam đã chuyển đổi cấu trúc kinh tế đáp ứng một nền kinh tế của thị trường mới nổi.
TS. Nguyễn Quốc Việt cũng nhấn mạnh, cần tiếp tục triển khai hiệu quả hơn các chính sách tài khóa, đặc biệt các gói hỗ trợ phục hồi cho nền kinh tế, hướng vào các ngành có tác động lan tỏa tích cực. Theo đó, Chính phủ cần thu hẹp đối tượng thụ hưởng, hướng vào các doanh nghiệp có năng lực và khả năng lan toả cao và tập trung vào hai khó khăn lớn với cộng đồng doanh nghiệp hiện nay là đứt gãy chuỗi cung ứng và chi phí sản xuất gia tăng.
Đồng thời cần có những chính sách thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu, thậm chí triển khai như “ngoại giao đơn hàng” như đã từng làm “ngoại giao vắc-xin”, tháo gỡ ách tắc đầu ra xuất khẩu. Đặc biệt trong bối cảnh thu hút FDI đang có dấu hiệu chững lại, điều quan trọng là rà soát các điều kiện và thủ tục để triển khai thuận lợi các dự án, nguồn vốn đầu tư nước ngoài đã đăng ký và đang trong khâu triển khai dự án, cần hoá giải nhanh chóng các khâu thủ tục hành chính, giải tỏa cấp phép về đất đai, các quy chuẩn để thực hiện dự án nhanh chóng, kịp thời ngay trong năm 2023.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng nhấn mạnh tất cả những giải pháp này phát triển được thực hiện trên nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô. “Ổn kinh tế vĩ mô không giúp doanh nghiệp đi nhanh nhưng đảm bảo đi xa”, ông Tú Anh khuyến nghị.
Thời báo ngân hàng