MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Không thể để môi giới BĐS bán hàng kiểu chụp giật, bán xong là mệnh ai nấy lo

14-01-2020 - 19:28 PM | Bất động sản

“Môi giới BĐS cần phải có mã số hành nghề, phải chịu trách nhiệm đến cùng với dự án mà mình đã bán. Tránh trường hợp môi giới bán hàng xong thì tìm cách né tránh khách hàng, khiến nhiều nhà đầu tư mất niềm tin với thị trường BĐS”, ông Phạm Lâm, Chủ tịch DKRA Vietnam nhấn mạnh tại sự kiện mới đây.

Theo ông Lâm, cần phải có quy định cụ thể về việc gắn mã số cho các môi giới khi hành nghề. Môi giới cần phải có mã số cụ thể, có số điện thoại, tên tuổi gắn với mã số và phải chịu trách nhiệm đến cùng với một sản phẩm bán ra. Chứ không thể bán hàng kiểu chụp giật, bán xong thì mệnh ai nấy lo. Cách thức này theo ông Lâm sẽ nâng cấp vai trò của cộng đồng môi giới và giúp thị trường phát triển theo hướng lành mạnh hơn.

Thời gian qua, bên cạnh những khó khăn về chính sách, nguồn cung khan hiếm thì chính những môi giới hoạt động bát nháo, làm việc cẩu thả, sau khi bán hàng thì tìm cách né tránh khách hàng đã khiến nhiều nhà đầu tư mất niềm tin với thị trường.

Theo Lâm, môi giới nếu không hiểu đúng về nghề nghiệp mà họ đang làm thì rất nguy hại cho thị trường. Do đó, cần phải gắn mã số cho họ để sàng lọc bớt những môi giới làm việc thiếu trách nhiệm, cẩu thả.

Cách làm này cũng là tạo cơ hội cho những công ty điều chỉnh chính sách, cơ chế bán hàng, sàng lọc lại nhân sự. Giữa lúc thị trường đang ở giai đoạn điều chỉnh theo hướng tốt lên, các công ty cùng cần rà soát thị trường để chọn lọc những nhân sự giỏi, môi giới tốt để tạo ra được giá trị cho công ty. Ngoài ra, theo ông Lâm các công ty môi giới cũng phải giải quyết bài toán công nghệ… nếu không sẽ vô cùng khó khăn trong những năm tới.

Theo thống kê của Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS), hiện nay trên cả nước có tổng cộng khoảng 300.000 người hoạt động trong lĩnh vực môi giới BĐS. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 100.000 người là môi giới chuyên nghiệp, tức là hoạt động thường xuyên tại các sàn, còn lại đa số là nghiệp dư.

Đại diện VARS cũng cho rằng, việc nâng tầm chuẩn mực chuyên nghiệp môi giới BĐS sớm muộn cũng phải thực hiện. Bởi khi thị trường bước sang giai đoạn phát triển mới, khách hàng sẽ khó tính hơn buộc môi giới phải chuyên nghiệp hơn. Khi đó, những người môi giới bán chuyên, tự do, kỹ năng yếu sẽ bị đào thải dần dần và sẽ chỉ còn những người môi giới thực sự chuyên nghiệp, được đào tạo một cách bài bản.

Thực tế, BĐS là lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng ấn tượng những năm gần đây. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 11 tháng đầu năm 2018, số doanh nghiệp được thành lập mới là 11.637 doanh nghiệp, tăng 6,5%. Trong đó, lĩnh vực BĐS áp đảo với 6.423 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 41,7%. 

Riêng 3 tháng đầu năm 2019, lĩnh vực kinh doanh BĐS tăng trưởng 26,3% với 1.548 doanh nghiệp mới được thành lập. Đáng chú ý, trong số hàng ngàn doanh nghiệp BĐS thành lập mới mỗi năm, số doanh nghiệp môi giới đang chiếm một lượng đông đảo. Trong vòng 3 năm gần đây, mức độ tăng trưởng của môi giới BĐS trên thị trường đạt trung bình khoảng 15%.

Tuy vậy, thời gian qua hàng loạt công ty BĐS bị phanh phui về những chiêu trò câu kéo khách hàng trái luật, hàng nghìn nhà đầu tư, khách hàng bị lừa mua phải dự án chưa được cấp phép gây hoang mang cho cả thị trường. Đáng nói, một trong những nhân tố đẩy khách hàng đến rủi ro không ai khác chính là môi giới BĐS.

Do đó, theo các chuyên gia nếu trong năm 2020 có quy định cụ thể về việc gắn mã số môi giới thì nhiều người sẽ phải nhìn nhận lại bản chất thật sự của nghề, từ đó thị trường sẽ loại bớt được những thành phần môi giới chụp giật.

Hạ Vy

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên