Không thể đổ lỗi hoàn toàn cho phim ảnh làm gia tăng tội phạm "xã hội đen"
Trước ý kiến của Thiếu tướng Lê Tấn Tới, nhiều khán giả cho rằng dẫn chứng bộ phim "Người phán xử" có phần chủ quan, thiếu căn cứ nhưng cũng có ý kiến ủng hộ cần có chế tài nghiêm khắc đối với những bộ phim có yếu tố bạo lực.
Ngày 14/9, tại phiên họp thứ 3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi). Tại phiên họp này, Thiếu tướng Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội cho rằng cần quy định rõ, chi tiết hơn về nội dung và hành vi nghiêm cấm trong hoạt động điện ảnh. Ông đề nghị nghiêm cấm phim có tình tiết cổ xúy cho hành vi vi phạm pháp luật, như phạm tội nhưng không bị xử lý, sống ích kỷ.
Đáng chú ý, Thiếu tướng Lê Tấn Tới dẫn chứng bộ phim “Người phán xử” được chiếu trên VTV. “Sau khi VTV chiếu phim “Người phán xử” thì tình hình các băng ổ nhóm tội phạm "xã hội đen" xảy ra rất nhiều. Đất nước chúng ta quản lý xã hội bằng pháp luật, nhưng trong phim thì pháp luật không giải quyết được, mà đưa cho ông trùm làm người phán xử, kể cả phán xử lực lượng công an. Phán xử tất cả. Mà phim đó chiếu trên giờ vàng thì ai chịu trách nhiệm về vấn đề này?".
Ý kiến của ông Lê Tấn Tới đã làm bùng nổ nhiều tranh luận trên các diễn đàn, mạng xã hội. Dư luận chia làm 2 luồng ý kiến. Một số cho rằng việc chỉ đích danh bộ phim “Người phán xử” có phần thiếu căn cứ và phiến diện, cùng với đó, nguyên nhân dẫn đến việc gia tăng tội phạm không hoàn toàn bắt nguồn từ phim ảnh. Một bộ phận khác ủng hộ đề xuất này và khẳng định cần chế tài nghiêm khắc đối với các bộ phim có yếu tố bạo lực và cần giới hạn độ tuổi người xem và khung giờ phát sóng dòng phim này.
“Tội phạm gia tăng không hoàn toàn bắt nguồn từ phim ảnh”
“Người phán xử” là bộ phim truyền hình thành công về chủ đề tội phạm của Việt Nam, công chiếu khung giờ vàng trên VTV vào tháng 3/2017. Phim thuộc thể loại hình sự và dài 46 tập. Kịch bản phim được kế thừa từ bộ phim cùng tên của nền điện ảnh truyền hình Israel, khai thác bức tranh đa chiều về đời sống, suy nghĩ, tình cảm, các mối quan hệ phức tạp và cuộc chiến giành quyền lực trong giới giang hồ hiện đại.
Đi sâu vào những vấn đề nóng, buôn lậu, thế giới ngầm, “Người phán xử” tái hiện cuộc chiến cam go giữa hai thế lực thiện, ác, sau cùng đều đề cao vẻ đẹp chính nghĩa. Bộ phim thu hút công chúng và tạo được hiệu ứng lớn trên mạng xã hội.
Trước ý kiến của Thiếu tướng Lê Tấn Tới, nhiều khán giả phản đối, cho rằng việc chỉ đích danh phim “Người phán xử” làm gia tăng tội phạm xã hội đen có phần chủ quan và hơi thiên cưỡng. Sự xuất hiện của các nhân vật phản diện, yếu tố hành động trong phim để tăng sự hấp dẫn cho tác phẩm.
Khán giả A.T chia sẻ: “Phim trở lên gay cấn, hộp hộp và đáng xem hơn khi xuất hiện nhân vật phản diện, và sự đấu tranh giữa Thiện và Ác. Phải có cái Ác xuất hiện thì cái Thiện mới lên ngôi, phải có cái sai mới nhận ra được cái đúng chứ..... Tóm lại là mọi thứ đều có 2 mặt đối lập”.
Cùng với đó, một bộ phận người xem cho rằng việc tội phạm gia tăng không hoàn toàn bắt nguồn từ phim ảnh mà còn từ nhiều yếu tố khác. “Việc tội phạm gia tăng không bắt nguồn từ phim ảnh. Nếu chỉ 1 bộ phim mà thật sự có tác dụng ghê gớm như vậy thì có lẽ từ khi điện ảnh ra đời đến nay với hàng trăm, hàng ngàn bộ phim hành động được sản xuất thì thế giới phải có đến hàng triệu, hàng triệu tên tội phạm, thế lực đen tối...”, khán giả H.H bày tỏ.
Đồng tình với quan điểm này, tài khoản L.P.V.T bình luận: “Tội phạm nhiều hay ít liên quan rất nhiều thứ như: giáo dục, xã hội, văn hóa, an sinh đời sống, luật pháp, cơ quan thực thi luật pháp... Cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng mới có giải pháp hữu hiệu. Nếu nói như lời phát biểu, có phải trước khi công chiếu "Người phán xử" thì tội phạm, xã hội đen rất ít không? Tôi không đồng tình...".
Khán giả D.A đặt câu hỏi: “Phim ảnh thể hiện đời sống đa dạng của xã hội. Vậy có chắc là nếu không có dạng phim hình sự thì tội phạm sẽ giảm. Kéo giảm tội phạm cần nhiều chính sách an sinh xã hội, giáo dục, đạo đức gia đình đâu thể đổ lỗi cho phim ảnh…”.
“Tôi nghĩ phim ảnh có một chút ảnh hưởng nhưng không phải là nguyên nhân chính để tình trạng bạo lực hay tội phạm gia tăng trong nhiều năm gần đây. Dù sao đây cũng là sự nhìn nhận để siết chặt kỷ cương của các lĩnh vực trong xã hội ta hiện nay, nhất là giáo dục, giám sát và thực thi pháp luật”, người xem V.V có ý kiến.
Cần kiểm soát, phân loại phim theo độ tuổi
Đề xuất của Thiếu tướng Lê Tấn Tới cũng nhận được sự ủng hộ của một bộ phận khán giả rằng cần chế tài nghiêm khắc đối với các phim có yếu tố bạo lực. Bởi yếu tố hành động, bạo lực là một phần của bộ phim và cần phải được cân đối liều lượng thích hợp bởi tác động của phim ảnh đối với đời sống là rất lớn.
Người xem T.Q chia sẻ: “Cái gì cũng có 2 mặt của nó, phim cổ xúy cho tội phạm mà không có cách giải quyết thỏa đáng cho hành động đó thì đó là một trong những nguồn giáo dục nhân cách xấu cho khán giả. Các nhà làm phim chỉ nêu vấn đề, không nêu cách giải quyết để khán giả tự giải quyết thì thực sự phim đã là nguyên nhân làm gia tăng tội phạm”.
Còn khán giả H.T cho rằng: “Phim ảnh và diễn viên điện ảnh dù không cố tình cổ xuý cho bạo lực, tiêu cực và bất công. Nhưng rõ ràng nó ảnh hưởng khá lớn đến một bộ phận công chúng mà tiêu biểu là giới trẻ và thành phần văn hoá thấp. Càng ảnh hưởng lớn hơn khi các cá nhân và những người làm mạng xã hội chỉ đăng tải các đoạn phim, cảnh phim để cổ xuý cho những mục đích cá nhân. Cho nên luật hoá nền điện ảnh để góp sức xây dựng xã hội văn minh và định hướng văn hoá là cần thiết”.
Một số ý kiến cho rằng cần phải có sự kiểm duyệt và phân loại phim theo độ tuổi, đặc biệt là các bộ phim chiếu trên khung giờ vàng của các đài truyền hình Trung ương và địa phương. Bởi người xem, đặc biệt là trẻ nhỏ nhận thức chưa đầy đủ thì sẽ dễ bị tác động bởi phim ảnh. Khán giả T.B chia sẻ: “Phim chiếu trên các kênh chính thống cần phải sàng lọc và có tính định hướng”.
Tài khoản K.T bình luận: “Vấn đề chính ở đây là phim có yếu tố bạo lực, xã hội đen lại được chiếu ở khung giờ vàng cho tất cả các đối tượng ở mọi độ tuổi xem phim. Nên chăng học tập theo nước ngoài là họ có quy định rõ xếp loại độ tuổi: P, 13+, 18+... thì sẽ tốt hơn. Vì vậy ý kiến nêu ra về việc "phim có ảnh hưởng xấu đến trẻ nhỏ" không phải là không xác đáng”.
Bên cạnh đó, một số ý kiến cũng cho rằng cần nâng cao vai trò của các bậc phụ huynh trong việc kiểm soát nhu cầu giải trí của trẻ nhỏ. “Trẻ em có thể bị lôi kéo, ảnh hưởng nhưng người trưởng thành thì phải biết tự biết phân biệt đúng sai” là ý kiến của khán giả L.K.
Sản xuất phim phản ánh thực tế xã hội là cần thiết
Từ 2 luồng ý kiến của khán giả có thể thấy rõ tính 2 mặt trong phim ảnh luôn hiện hữu và không thể phủ nhận. Chuyên gia giáo dục, TS Vũ Việt Anh cho rằng việc sản xuất những bộ phim phản ánh thực tế xã hội là cần thiết để công chúng có thể thấy rõ được những góc khuất, những vấn đề nổi cộm.
"Không thể đổ lỗi hoàn toàn cho phim ảnh. Việc sản xuất những bộ phim phản ánh thực tế xã hội, phục vụ đa dạng nhu cầu của khán giả là điều cần thiết. Dĩ nhiên những phim này phải phù hợp với quy định pháp luật và thuần phong mỹ tục của người Việt.
Việc một bộ phim có thể gây ảnh hưởng tốt hoặc xấu đến xã hội là hoàn toàn có thể xảy ra. Nhiều khi nằm ngoài sự chủ ý của đạo diễn. Các nhà khoa học giáo dục cũng đã nghiên cứu các ảnh hưởng khác đến xã hội như bắt chước hành vi, xu hướng trở nên bạo lực hơn, sống trong thế giới ảo tưởng...”.
TS Vũ Việt Anh cho rằng không thể phủ nhận những ảnh hưởng tích cực của phim ảnh đối với con người. như truyền cảm hứng từ lối sống tốt đẹp, thúc đẩy hành động, sống tử tế và mạnh mẽ hơn. Trong nghiên cứu của Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam, điểm nổi bật mà các bạn trẻ học được qua phim ảnh là ý chí vươn lên (18,5%), cách thể hiện tình yêu lãng mạn (56,2%), cách sống tự lập (39%), sự say mê trong công việc (23,4%), cách giữ tôn ti trật tự tại gia đình, công sở (20,5%) và sự nhẫn nại, chịu đựng (22,5%)
Đạo diễn, NSND Nguyễn Hữu Phần đề xuất các nhà làm phim cần có sự cân nhắc mức độ phản ánh hiện thực trong tác phẩm cũng như cần có sự quản lý, kiểm duyệt kĩ lưỡng, phân loại các bộ phim và khung giờ phát sóng phù hợp: “Để hạn chế khán giả nhỏ tuổi, ở nước ngoài, ngay cả phim phát sóng trên truyền hình người ta cũng có những khung giờ khác nhau. Ví dụ, trẻ dưới 13 tuổi thì không được xem phim thể loại này, trẻ dưới 16 tuổi thì không được xem phim kia. Phim dành cho khán giả lớn tuổi có thể chiếu sau 10h đêm…”./.
VOV