MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Không thể làm mãi 1 nghề rồi nghỉ hưu

15-02-2023 - 19:22 PM | Lifestyle

Làm nhiều công việc một lúc giúp người trẻ nhanh chóng đạt được mục tiêu tài chính.

Thế hệ trước, chẳng hạn như bố mẹ chúng ta thường sẽ gắn bó với 1 công việc từ khi mới đi làm cho đến tuổi về hưu, hiếm khi nghĩ đến câu chuyện làm nhiều công việc cùng lúc. Họ làm việc trong gần 40 năm rồi nghỉ hưu ở tuổi 60 và dùng lương hưu để chi trả cho các chi phí sinh hoạt.

Tuy nhiên, với giới trẻ ngày nay, điều này đã không còn phù hợp. Một số bạn trẻ mong muốn được nghỉ hưu sớm, không ngần ngại làm nhiều công việc một lúc để nhanh chóng đạt được ngưỡng tự do tài chính ở tuổi 40. Một vài người khác mong muốn đa dạng nguồn thu nhập để có được cảm giác an toàn tài chính trong thời điểm nền kinh tế nhiều biến động.

Từng nghĩ sẽ gắn bó với 1 công việc

Nguyễn Huy (28 tuổi) hiện đang là nhân viên của 1 công ty có vốn nước ngoài và có nghề tay trái là đầu tư. Cách đây vài năm khi mới tốt nghiệp đại học, cậu bạn từng mong muốn sẽ có một công việc ổn định và gắn bó tới khi nghỉ hưu. Tuy nhiên, trải qua đợt dịch Covid, suy nghĩ về sự ổn định đã bị lung lay. “Khi công việc chính bị trì trệ đi một vài phần, mình đã tìm kiếm một vài công việc khác để làm khi có thời gian rảnh. Qua gần 2 năm bắt đầu đầu tư, mình cảm thấy nhiều điều khiến mình thay đổi, cuộc sống cũng không đơn điệu như trước, có thêm nhiều mối quan hệ. Về khía cạnh tài chính, đây cũng là một nguồn thu nhập tương đối tốt với một người cũng đã và đang ở độ tuổi có thể lập gia đình”.

Theo Nguyễn Huy, việc đầu tư ngoài ưu điểm là có nguồn thu nhập bổ sung giúp giảm rủi ro mất việc và áp lực tài chính. Trung bình hàng tháng, cậu bạn sẽ kiếm được một số tiền từ công việc phụ bằng khoảng ⅓-½ mức lương từ công việc chính. Tuy nhiên, đầu tư là công việc có mức độ rủi ro thua lỗ khá lớn từ những biến động khó lường trên thị trường cho đến quyết định sai lầm của bản thân.

Khó để luôn “thắng” trong các khoản đầu tư, Nguyễn Huy cũng đã từng có những thua lỗ ảnh hướng đến dòng tiền hàng tháng. Cách để có thể kiểm soát những rủi ro, tránh xung đột giữa 2 công việc và 2 nguồn thu nhập đó là trích lập dự phòng cho khoản đầu tư. Như vậy, cậu bạn sẽ không phải dùng chính nguồn thu nhập từ công việc chính để bù khoản thua lỗ mà sẽ dùng khoản tiền tiết kiệm. Đây là con số được trích ra tích lũy từ các khoản lời trước đó.

“Đầu tư đi kèm với rủi ro, những lúc thua lỗ, tâm trạng không tốt cũng sẽ ảnh hưởng đến hiệu suất công việc chính. Tuy nhiên trước khi đầu tư mình cũng đã có tìm hiểu và đã chuẩn bị trước có tình huống đó rồi nên mình cũng không để nhiều cảm xúc đó chi phối trong quá trình thực hiện công việc chính của mình”.

Không thể làm mãi 1 nghề rồi nghỉ hưu - Ảnh 1.

Nguyễn Huy

Kiếm một công việc để “lấp” thời gian trống

Thuỳ Anh (33 tuổi) có công việc chính là kế toán ngân hàng. Bên cạnh đó, cô còn làm cộng tác viên quản lý sale ô tô, chủ yếu là chạy quảng cáo và làm việc với đại lý hỗ trợ đặt phòng vé khách sạn cho các khách hàng lẻ.

Cô muốn trải nghiệm và không muốn để trống khoảng thời gian quá nhiều nên đã quyết định tìm công việc làm thêm. Dĩ nhiên việc có thêm nhiều công việc dẫn tới thu nhập tăng, có thêm 1 khoản tiền dư giả để tiết kiệm cho tương lai.

Đối với Thuỳ Anh, làm việc chính là cách giúp cô bạn đỡ bị áp lực căng thẳng đặc biệt trong câu chuyện tài chính. Lựa chọn 1 công việc sẽ thường không bị “quá tải”, song nó cũng có nghĩa là ít trải nghiệm cũng như thu nhập thấp. Làm nhiều việc sẽ giúp giảm rủi ro trong câu chuyện không phù hợp với một môi trường nào đó dẫn đến muốn nghỉ việc. Như vậy vẫn còn có công việc khác mà không quá ảnh hưởng đến thu nhập.

“Đúng là lúc công việc chính và công việc phụ cùng bận sẽ làm mọi việc trở nên chèn ép nhau, nhưng bình tĩnh xử lý từng cái sẽ giúp mình không loạn khi làm việc. Sau khoảng 3 năm làm cùng lúc, mình nghĩ rằng luôn có cách giải quyết mọi vấn đề, đặc biệt là chuyện quá tải trong công việc”.

Không thể làm mãi 1 nghề rồi nghỉ hưu - Ảnh 2.

Thuỳ Anh

Đa dạng thu nhập trong năm 2023

Năm 2023 được dự báo là một năm khá nhiều biến động trong nền kinh tế nói chung và thị trường lao động nói riêng khi “bão” sa thải đang “đổ bộ”. Tuy nhiên, luôn có những cách để hạn chế rủi ro đặc biệt trong tài chính cá nhân.

Theo Thuỳ Anh, đầu tiên mọi người nên học cách tiết kiệm, tránh chi tiêu lãng phí để tương lai có đủ nguồn tiền, để ví dụ có dư giả đầu tư vào một mảng nào đó. Ngoài ra, cô dự định sẽ tìm hiểu, thậm chí nhận thêm việc ngoài nữa. “Không nên cho rằng đây là một năm biến động mà không thử sức. Hãy biết trân trọng thời gian, sẽ có năm xấu và năm đẹp nhưng thời gian là vàng bạc. Nếu chưa đủ sức khỏe thì đầu tư sức khỏe, rồi nhận thêm nhiều việc tạo động lực làm cũng như tăng thu nhập cho chính bản thân”.

Còn đối với Nguyễn Huy, cậu bạn cho rằng năm 2023 sẽ là một năm đầy khó khăn. “Cá nhân mình cho rằng mọi người nên cân bằng các công việc, cũng đừng lơ là công việc chủ đạo mình đang có - song hành với đó hãy cố gắng theo đuổi mục tiêu của bản thân”.

Theo Tô Diệp

Phụ nữ Việt Nam

Trở lên trên