MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Không thể rời mắt khỏi Italy vào đầu năm 2017

27-12-2016 - 07:48 AM | Tài chính quốc tế

Sau một năm đầy biến động kinh tế và chính trị, năm 2017 được dự báo còn nhiều bất ổn đang tiềm ẩn.

Tuy nhiên, với một vị chiến lược gia, sự kiện Anh rời Liên minh Châu Âu (EU) hay việc ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ chưa là gì so với tình trạng tại Italy. Những lo ngại xung quanh quốc gia này sẽ tiếp tục tăng vào đầu năm 2017.

Trong cuộc phỏng vấn với CNBC ngày 20/12, chiến lược gia thị trường toàn cầu Mike Bell của J.P. Morgan Asset Management cho biết ông đang tập trung hoàn toàn vào tòa án hiến pháp diễn ra ngày 24/1/2017 tại Italy. Tại đó, quyết định liên quan tới luật bầu cử 2015 sẽ được đưa ra.

Hồi đầu tháng 12, tòa án hiến pháp Italy tuyên bố sẽ tổ chức một buổi điều trần để xem xét tính hợp pháp của luật bầu cử vào tháng 1/2017. Theo luật bầu cử mới, đảng thắng cử với hơn 40% số phiếu bầu phổ thông sẽ có thêm ghế trong Quốc hội. Luật bầu cử này được áp dụng từ năm 2015 và thường được gọi là “Italicum”.

Sau cuộc trưng cầu dân ý thất bại mới đây, ông Matteo Renzi (phải) tuyên bố từ chức Thủ tướng Italy, nhường lại vị trí cho ông Paolo Gentiloni (trái)
Sau cuộc trưng cầu dân ý thất bại mới đây, ông Matteo Renzi (phải) tuyên bố từ chức Thủ tướng Italy, nhường lại vị trí cho ông Paolo Gentiloni (trái)

Ban đầu, Italicum được tạo ra để bảo đảm ổn định chính trị tại đất nước hình chiếc ủng. Tuy nhiên, những lo ngại ngày càng tăng về việc Phong trào Năm sao - đảng ủng hộ chủ nghĩa dân túy – sẽ lợi dụng điều luật này để chiếm thêm số ghế tại Quốc hội. Phong trào Năm sao từng tuyên bố sẽ đàm phán lại vai trò thành viên của Italy tại EU nếu lên nắm quyền.

Ông Bell cho rằng nếu tòa án hiến pháp Italy không chia lại tỷ lệ ghế trong Quốc hội cân bằng hơn, nguy cơ Phong trào Năm sao lên nắm quyền có thể xảy ra bất kỳ lúc nào.

Theo vị chiến lược gia này, Phong trào Năm sao là một trong những rủi ro lớn nhất vào đầu năm sau. Triển vọng của thị trường chứng khoán châu Âu sẽ sáng sủa hơn rất nhiều nếu chúng ta có thể sớm loại bỏ nó.

Sau khi 51,8% số phiếu bầu tại Anh ủng hộ Brexit, tương lai của EU và đồng Euro bị đặt dấu hỏi lớn. Ông Bell nhận định rằng việc Italy không đi theo Anh là điều quan trọng với khối kinh tế-chính trị quan trọng bậc nhất thế giới này. Quyết định của tòa án hiến pháp có thể giảm bớt những lo ngại về triển vọng của EU.

Ông Bell cho rằng, nếu cuộc trưng cầu dân ý tại Italy diễn ra, kết quả sẽ rất khó đoán. Vậy nên việc ngăn chặn cuộc trưng cầu dân ý diễn ra sẽ giảm bớt nguy cơ thị trường rơi vào tình trạng hỗn loạn.

Nếu phán quyết của tòa án hiến pháp được thông qua, nhiều khả năng Italy sẽ không thể tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý và loại bỏ đi một rủi ro lớn. Do đó, các thị trường cần tập trung vào việc cải thiện các yếu tố cơ bản tại châu Âu để hướng tới việc tăng trưởng lợi nhuận sau gần 6 năm.

Ở các khu vực khác, ông Bell cho rằng tăng trưởng tốt hơn tại Mỹ sẽ kéo nền kinh tế thế giới.

Một khi rủi ro tại Italy được loại bỏ, vị chiến lược gia kỳ cựu này cho rằng các thị trường có thể tập trung vào triển vọng cơ bản khá tốt của nền kinh tế Mỹ. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng sẽ tăng trưởng ở tốc độ tốt mặc dù có dấu hiệu giảm tốc trong năm 2016.

Tóm lại, câu chuyện chính vào năm sau là tăng trưởng toàn cầu và chính trị tại châu Âu. Nếu mọi chuyện diễn biến tích cực, các thị trường tài sản rủi ro sẽ có cơ hội bùng nổ.

Theo Thạch Thảo

Người đồng hành

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên