MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Không thể trì hoãn tăng giá điện

Giá điện nhiều khả năng sẽ được điều chỉnh tăng trong thời gian tới, tuy nhiên mức tăng cần được tính toán phù hợp.

Mới đây, tại Nghị quyết phiên họp thường kỳ của Chính phủ tháng 3, Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương hoàn thiện phương án điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân phù hợp với khung giá bán lẻ điện bình quân mới, đánh giá kỹ tác động để trình cấp có thẩm quyền xem xét.

Áp lực tăng giá điện

Áp lực tăng giá điện xuất hiện khi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đối mặt với khó khăn về tài chính từ năm 2022. "Ông lớn" ngành điện ghi nhận số lỗ kỷ lục gần 36.300 tỉ đồng vào năm 2022 từ sản xuất điện, nếu trừ thu nhập tài chính khác, số lỗ giảm còn 26.236 tỉ đồng. Chi phí đầu vào sản xuất tăng khiến áp lực tăng giá điện cận kề. Cùng với đó, lần điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân gần nhất diễn ra vào tháng 3-2019, cách thời điểm hiện tại hơn 4 năm.

Bộ Công Thương hồi cuối tháng 3 cũng đã công bố kết quả kiểm tra chi phí sản xuất - kinh doanh điện năm 2022 của EVN, cho thấy áp lực về điều chỉnh giá điện là rất lớn. Theo đó, giá thành sản xuất - kinh doanh điện năm 2022 là 2.032,26 đồng/KWh, tăng 9,27% so với năm 2021. Như vậy, giá thành sản xuất - kinh doanh điện năm 2022 của EVN cao hơn giá bán lẻ điện bình quân theo Quyết định 648 ngày 20-3-2019 của Bộ Công Thương gần 168 đồng/KWh. Theo Quyết định 648, giá bán lẻ điện bình quân áp dụng từ năm 2019 đến nay là 1.864,44 đồng/KWh. Có thể hiểu, mỗi KWh EVN bán ra đang lỗ 168 đồng.

Không thể trì hoãn tăng giá điện - Ảnh 1.

Cần tính toán, cân nhắc kỹ tác động khi tăng giá điện. Ảnh: MINH PHONG

Vì vậy, EVN đã đề xuất tăng giá điện và xây dựng phương án điều chỉnh giá điện, báo cáo cấp có thẩm quyền. Ông Nguyễn Xuân Nam, Phó Tổng Giám đốc EVN, tại buổi công bố giá thành sản xuất cho biết do khoản lỗ lớn từ năm 2022 nên tình hình tài chính của tập đoàn rất khó khăn trong những tháng đầu năm 2023. Do đó, EVN đã đề xuất, trình Bộ Công Thương và cấp có thẩm quyền phương án điều chỉnh giá điện năm nay. Về phía Bộ Công Thương, ông Trần Việt Hòa, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, cho hay phương án điều chỉnh giá điện đang được Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng, với cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng bảo đảm hài hòa lợi ích nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Dù phương án tăng giá điện chưa được công bố ở mức nào, tuy nhiên phải nằm trong khung giá bán lẻ điện bình quân do Chính phủ ban hành vào ngày 3-2-2023. Cụ thể, theo quyết định của Chính phủ, khung giá bán lẻ điện bình quân (chưa gồm thuế GTGT) tối thiểu là 1.826,22 đồng/KWh và giá tối đa là 2.444,09 đồng/KWh. So với mức khung cũ được quy định tại Quyết định 34/2017, giá tối thiểu tăng 220 đồng, giá tối đa tăng 538 đồng/KWh. Với khung giá bán lẻ điện bình quân này, giá bán lẻ điện bình quân đang áp dụng (từ tháng 3-2019) hiện thấp hơn mức trần là 579,65 đồng và cao hơn mức sàn 38,22 đồng.

Chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng mức tăng cần phù hợp với khung giá bán lẻ điện bình quân và tính toán kỹ lưỡng, đánh giá tác động lên đời sống người dân, sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp.

Tăng giá theo lộ trình

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động ngày 3-5, TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cũng nhận định kết quả kiểm tra chi phí sản xuất - kinh doanh điện năm 2021, 2022 của EVN đã được công bố cho thấy ngành điện khó khăn rất lớn về tài chính trong việc tái đầu tư, sản xuất, bảo đảm cung ứng điện cho nhu cầu của nền kinh tế.

Theo TS Ngô Trí Long, với các chi phí tăng hiện nay, để bảo đảm bù đắp chi phí sản xuất - kinh doanh của ngành điện, mức tăng có thể ở khoảng 10% so với hiện hành. Tuy nhiên, mức tăng cụ thể cần phải tính toán kỹ lưỡng. Trước một số ý kiến cho rằng mức tăng có thể là 3%, ông Ngô Trí Long lo ngại mức này không đủ để bù đắp chi phí sản xuất - kinh doanh trong bối cảnh EVN đã lỗ kỷ lục vào năm 2022. Trong trường hợp tăng 3%, ông Long dự báo có thể đây là phương án tăng "có lộ trình" để tránh cú sốc về giá điện cho người dân và các ngành sản xuất.

Theo ông Long, có thể chia ra các đợt tăng giá theo lộ trình để người dân, doanh nghiệp tiếp cận dần với mức giá điện mới một cách phù hợp. Chẳng hạn, cần tăng từ 8%-10%, thay vì tăng 1 lần thì có thể chia làm các đợt tăng. Tuy nhiên, TS Ngô Trí Long lưu ý theo Quyết định 24/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu là 6 tháng kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất. Tại lần điều chỉnh tăng gần nhất vào tháng 3-2019, giá bán lẻ điện bình quân tăng từ 1.720,65 đồng/KWh lên 1.864,44 đồng/KWh (tăng 8,36%).

TS Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho rằng nếu giá bán lẻ điện bình quân không được điều chỉnh kịp thời ở mức phù hợp, EVN đối mặt với khoản lỗ lũy kế lớn, ảnh hưởng đến khả năng cung cấp đủ điện cho nền kinh tế. Tuy nhiên, ông Lâm cũng nhìn nhận tăng giá điện sẽ gây áp lực khá lớn lên lạm phát và làm giảm tăng trưởng kinh tế. Cụ thể, nếu giá điện tăng 8% làm GDP giảm 0,36% và lạm phát tăng 0,5%; giá điện tăng 10% sẽ làm GDP giảm 0,45% và lạm phát tăng 0,61%. Theo TS Nguyễn Bích Lâm, với các phân tích về ảnh hưởng đến tăng trưởng, gia tăng lạm phát như trên, trong năm 2023 giá bán lẻ điện nên xem xét tăng khoảng 8%. 

Mức tăng phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt

Theo TS Lê Đăng Doanh, trên cơ sở Quyết định 24 của Thủ tướng về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, nếu giá bán điện bình quân tăng 3%-5% so với mức giá hiện hành, EVN được quyết định điều chỉnh giá; mức giá bán lẻ bình quân tăng từ 5% đến dưới 10% thì thẩm quyền thuộc Bộ Công Thương và tăng từ 10% trở lên thì sẽ báo cáo Chính phủ xin ý kiến. Tuy nhiên, theo ông Doanh, mức tăng phải báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, vì điện là mặt hàng quan trọng, là đầu vào của nhiều ngành sản xuất.

Theo Hà Minh

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên