MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bị giục đàm phán về giá điện, EVN ‘gõ cửa’ Bộ Công Thương

Bị giục đàm phán về giá điện, EVN ‘gõ cửa’ Bộ Công Thương

Liên quan đến những vướng mắc trong đàm phán giá điện các dự án nhà máy điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp, Tập đoàn Điện lực Việt Nam vừa có văn bản gửi Bộ trưởng Công Thương nêu loạt vướng mắc cần gỡ khó do không có hướng dẫn từ Bộ này.

Trong văn bản gửi Bộ trưởng Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, ngày 9/3, Công ty Mua bán điện (EPTC) có văn bản số gửi 85 nhà đầu tư nhà máy điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp đề nghị gửi hồ sơ đàm phán giá điện theo đúng yêu cầu của Bộ Công Thương. Hai tuần sau đó, EVN cũng đã tổ chức hội nghị các chủ đầu tư dự án chuyển tiếp để thảo luận về cách thức thực hiện việc đàm phán giá điện và hợp đồng mua bán điện. Tuy nhiên, đến hết ngày 29/3, chỉ có 4/85 chủ đầu tư đã gửi hồ sơ đề nghị đàm phán giá điện.

Theo EVN, trong quá trình đàm phán, tập đoàn gặp hàng loạt các vướng mắc cần Bộ Công Thương gỡ khó. Cụ thể, về thời hạn hợp đồng, do Thông tư 01 đã bãi bỏ thời hạn hợp đồng mua bán điện (PPA) 20 năm trong hợp đồng của nhà máy điện mặt trời nhưng vẫn giữ nguyên với nhà máy điện gió nên EVN và các chủ đầu tư rất khó có thể thống nhất thời hạn của nhà máy điện mặt trời.

Cùng đó, phương pháp xác định giá đàm phán theo các thông số đầu vào và Nguyên tắc xác định giá điện với các nhà máy điện gió, nhà máy điện mặt trời chuyển tiếp, Bộ Công Thương vẫn chưa có hướng dẫn như các dự án điện truyền thống nên tập đoàn không thực hiện được.

Cụ thể, với dự án truyền thống, Bộ Công Thương quy định đời sống kinh tế dự án thủy điện là 40 năm, nhiệt điện than là 30 năm, nhiệt điện khí là 25 năm. Nhưng với các nhà máy điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp, Bộ chưa có hướng dẫn nên EVN và các chủ đầu tư chưa có cơ sở thực hiện.

Bị giục đàm phán về giá điện, EVN ‘gõ cửa’ Bộ Công Thương - Ảnh 1.

Bị giục sớm đàm phán giá điện chuyển tiếp, EVN nêu loạt vướng mắc nhờ Bộ Công Thương gỡ khó.

Việc hướng dẫn với sản lượng điện dùng để tính toán giá điện, mức giá trần, tỷ lệ vốn chủ sở hữu, lãi vay, tỷ suất lợi nhuận trên vốn… cũng chưa có khiến EVN và các chủ đầu tư gặp khó khăn trong thống nhất sử dụng một nguyên tắc để thực hiện chung cho tất cả các dự án.

Ngoài ra, EVN cho hay việc đang tồn tại hai nguyên tắc xác định giá điện từ thông số đầu vào là theo hệ số chiết khấu tài chính bình quân và xác định giá điện theo dòng tiền từng năm cũng không có hướng dẫn khiến tập đoàn ‘bó tay’.

EVN cũng nêu thêm một vướng mắc khác là theo quy định của Thông tư 15 về phương pháp xây dựng khung giá phát điện cho nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp, các nhà máy phải tuyệt đối tuân thủ quy định về đầu tư, xây dựng; bám sát khả năng hấp thụ của hệ thống, khả năng giải tỏa công suất của lưới điện. Trường hợp thanh, kiểm tra phát hiện vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định và có thể rút giấy phép, đình chỉ dự án nếu vi phạm nghiêm trọng về đầu tư xây dựng.

“Quy định trên thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư, EVN không có thẩm quyền kiểm tra xác nhận các vấn đề này. Song do quy định trên là điều kiện để áp dụng giá chuyển tiếp, nên EVN và chủ đầu tư gặp khó khăn trong thực hiện đầu tư dự án, đàm phán, ký kết PPA, công nhận COD và đưa công trình vận hành”, EVN cho hay.

EVN cho rằng, với việc hiện có tới 81/85 chủ đầu tư chưa nộp hồ sơ đàm phán cho EPTC và các vướng mắc trong quá trình triển khai nêu trên, EVN đề nghị Bộ Công Thương sớm ban hành phương pháp xác định giá đàm phán để tập đoàn có thể thực hiện.

Trước đó, ngày 22/3, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên ký văn bản yêu cầu EVN khẩn trương phối hợp với chủ đầu tư các nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp thỏa thuận, thống nhất, đàm phán giá điện trước ngày 31/3/2023 để sớm đưa các nhà máy vào vận hành, tránh gây lãng phí tài nguyên.

Theo Phạm Tuyên

Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên