Không thể xem nhẹ việc dự án điện mua đi bán lại
Việc mua đi, bán lại giữa các nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài trong các dự án điện mặt trời đã được duyệt quy hoạch, hoàn thành đàm phán giá mua bán điện…đến nay không thể xem nhẹ, đó là ý kiến của nhiều chuyên gia đưa ra tại Diễn đàn Năng lượng Việt Nam 2020: Phát triển năng lượng sạch xu thế và thách thức, do Bộ Công Thương tổ chức ngày 18/6.
- 17-06-2020Nở rộ dự án điện gió: Cần công khai, minh bạch quy hoạch
- 16-06-2020Thực hư đại gia Thái Lan mua lại dự án điện mặt trời ở Bình Phước
- 26-05-2020Gấp rút hoàn thành dự án điện mặt trời lớn nhất Việt Nam
Lo quá tải, mất an toàn
Chia sẻ tại diễn đàn, đại diện nhiều địa phương, chuyên gia và cả doanh nghiệp cho rằng, ngành năng lượng Việt Nam đã đi đúng hướng trong việc phát triển và sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, việc phát triển quá ồ ạt kéo theo những khó khăn, vướng mắc.
Ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho hay, dù có sự phát triển mạnh mẽ, song việc phát triển năng lượng tái tạo quy mô lớn còn hạn chế. Các chủ đầu tư chưa có đủ nguồn dự phòng, hệ thống tích trữ năng lượng để tích hợp năng lượng tái tạo ở quy mô lớn. Cùng với việc chưa có cơ chế thu hút vốn đầu tư phát triển năng lượng tái tạo thông qua cơ chế đấu thầu chính là việc chưa có nghiên cứu tổng thể phát triển các dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam.
Theo ông Dũng, đầu năm 2020 có tổng cộng 92 dự án điện mặt trời với hơn 4.600 MW đi vào vận hành. Cũng đã có thêm 135 dự án được bổ sung vào quy hoạch tương đương 10.000 MW. Với điện gió, có 370 MW đã được đưa vào vận hành và tiếp tục có chủ trương bổ sung thêm 7.000 MW, với mục tiêu đến năm 2025 đạt 11.600 MW.
“Sự phát triển nhanh và nhiều của năng lượng tái tạo đặt ra thách thức, lưới truyền tải phát triển chưa đồng bộ với tốc độ phát triển nguồn năng lượng tái tạo. Hiện nguồn điện chỉ đủ cung cấp, đáp ứng nhu cầu phụ tải, chưa có dự phòng để đảm bảo thay đổi bất ngờ với nguồn năng lượng tái tạo”, ông Dũng cho hay.
“Thị trường năng lượng tái tạo ở Việt Nam đang là mảnh đất tiềm năng đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Cộng đồng DN, các địa phương cần tăng cường đối thoại, chia sẻ thông tin, giải pháp, và hợp tác cùng hành động tháo gỡ khó khăn, hóa giải điểm nghẽn cho phát triển năng lượng sạch của Việt Nam”.Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng
Theo ông Nguyễn Hải Vinh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Năng lượng tái tạo BIM, để phát triển năng lượng tái tạo, cần có chính sách đột phá. “Không phải mức giá đột phá là bao nhiêu mà có chính sách mới như mua điện trực tiếp, chính sách đấu giá cụ thể rõ ràng".
Cảnh báo dự án mua đi bán lại
Chia sẻ về việc bùng nổ các dự án năng lượng mặt trời ở các địa phương thời gian qua, PGS.TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng, cần đặc biệt lưu ý về việc đang có nhiều dự án điện gió, điện mặt trời đã bổ sung quy hoạch, hoàn thành đàm phán giá bán điện được bán lại cho các nhà đầu tư nước ngoài. Theo ông Thiên, những dự án năng lượng này đều nằm tập trung ở vùng biên hoặc vùng biển, những vùng nhạy cảm an ninh quốc gia nên cũng cần sự chú ý đặc biệt.
“Những dự án này nếu người Việt Nam đầu tư có lẽ không có chuyện gì, đối tác tin cậy cũng không có chuyện gì nhưng có phải đối tác nước ngoài nào cũng tin cậy không? Nếu họ có ý đồ thì sao, ai đảm bảo rằng họ không có ý đồ. Những dự án này đúng quy trình đầu tư nhưng nếu sơ suất không tính đến an ninh năng lượng quốc gia, an ninh quốc gia để xây dựng những điều kiện đảm bảo ràng buộc, hậu quả sẽ rất khó lường”, ông Thiên nói.
Dẫn câu chuyện nhiều dự án, công trình ở Philippines thời gian qua, khi nước này đang phụ thuộc lớn vào Trung Quốc, ông Thiên cho rằng, cần rà soát lại các điều kiện đầu tư của những dự án năng lượng nằm ở các vị trí nhạy cảm. Cùng đó, cần có kế hoạch ngăn chặn ngay việc nhà đầu tư không đủ năng lực, các chủ đầu tư xí chỗ, làm thủ tục dự án xong là bán. “Thực chất, đầu tư với mục đích chuyển giao dự án cho nước ngoài sẽ gây ra rủi ro rất lớn”, ông Thiên nói.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho hay, những đề xuất, kiến nghị được nêu tại diễn đàn sẽ được Bộ Công Thương nghiên cứu và sớm đề xuất, tham mưu cho Chính phủ ban hành các chính sách tháo gỡ các “điểm nghẽn” để phát triển ngành năng lượng sạch. Bộ Công Thương cũng đang tích cực chỉ đạo EVN giải quyết vấn đề quá tải nguồn ở các địa phương có nhiều dự án điện.
Theo ông Vượng, cuộc chơi trong thời gian tới sẽ tập trung vào những nhà đầu tư có đủ năng lực trong bối cảnh những vấn đề về không ổn định của năng lượng tái tạo đang là thách thức lớn trong vận hành hệ thống điện quốc gia.
Tiền phong