Không thu phí ô tô đại trà
Dự án thu phí sử dụng đường bộ đối với ô tô lưu thông vào trung tâm TP HCM không thực hiện đại trà mà chỉ tập trung vào những nơi thường xảy ra ùn tắc.
- 24-12-2016Đề xuất thu phí ô tô vào trung tâm TP.HCM gây tranh cãi
- 22-12-2016Thu phí ô tô vào trung tâm từ 30.000 đến 50.000 đồng?
UBND TP HCM vừa đồng ý chủ trương cho phép nghiên cứu lập đề xuất dự án thu phí đường bộ đối với ô tô lưu thông vào trung tâm, góp phần giảm ùn tắc giao thông. Công ty CP Công nghệ Tiên Phong (ITD) là đơn vị được phép tự cân đối kinh phí để tiếp tục nghiên cứu đề án này, bảo đảm đúng các quy định hiện hành về đầu tư theo hình thức đối tác công - tư.
Sẽ lựa chọn nhà đầu tư
Theo UBND TP, việc đề xuất hợp đồng dự án phải phù hợp và giảm tối đa sự tham gia từ ngân sách. Thời hạn lập và trình đề xuất dự án tối đa là 3 tháng, kể từ ngày 4-4-2017. Nếu đề xuất dự án không khả thi, không được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt hoặc quá thời hạn được giao mà chưa hoàn thành hoặc ITD không được chọn là nhà đầu tư thực hiện dự án thì xem như ITD từ chối, không tham gia tiếp tục đầu tư và chịu mọi khoản chi phí nghiên cứu đề xuất dự án đã thực hiện. UBND TP cũng nêu rõ việc giao nghiên cứu lập đề xuất dự án không ràng buộc chỉ định ITD làm nhà đầu tư thực hiện. Các nhà đầu tư khác vẫn có quyền tham gia nghiên cứu lập đề xuất dự án theo quy định. TP sẽ tổ chức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án theo quy định hiện hành.
Trước yêu cầu của UBND TP về việc tiếp tục nghiên cứu đề án thu phí ô tô lưu thông vào khu trung tâm, ông Lâm Thiếu Quân, Tổng Giám đốc ITD, cho biết so với đề án cũ, đề án mới không có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, do dự án này đã được lập cách đây nhiều năm nên một số nội dung không còn phù hợp. Ông Quân cho biết có 4 vấn đề cần bổ sung trong giai đoạn hiện nay là nghiên cứu lại mô hình giao thông chung của TP, bao gồm các loại hình giao thông công cộng như xe buýt, taxi… và hệ thống metro sắp được đưa vào hoạt động. Song song đó, mô hình đầu tư, mức thu phí và chế tài xử phạt cũng phải xem xét kỹ theo đúng pháp lý nhằm tạo sự công bằng và minh bạch.
Ô tô lưu thông trên đường Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh, TP HCM Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Theo ông Quân, bản chất của dự án này là thu phí sử dụng đường bộ của ô tô nhằm hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông, không phải thu phí đại trà mà chỉ tập trung vào những nơi thường xảy ra ùn tắc. Tên dự án hiện cũng đã được điều chỉnh thành “Thu phí sử dụng đường bộ đối với ô tô lưu thông vào trung tâm TP, góp phần giảm ùn tắc giao thông”. “Xe máy hiện là phương tiện đi lại của phần lớn người dân TP nên giải pháp để hạn chế và thu phí loại xe này trong thời điểm hiện nay rất khó khả thi. Trong khi đó, nguồn ngân sách TP sử dụng cho việc bảo trì hệ thống giao thông đường bộ quá hạn hẹp nên phương án thu phí đường bộ đối với ô tô vào các nơi thường xảy ra kẹt xe tại khu trung tâm là hoàn toàn hợp lý. Điều này đồng nghĩa với việc phương tiện nào sử dụng đường bộ càng nhiều thì mức phí phải đóng cũng nhiều lên, qua đó hạn chế các phương tiện dồn đến những điểm thường xuyên xảy ra ùn tắc. Trong việc nghiên cứu, lập đề xuất dự án nêu trên, chúng tôi sẽ xem xét lại vành đai thu phí, công nghệ thu phí, mức thu phí giờ cao điểm, giờ thấp điểm, tổng mức đầu tư dự án cũng như các phương án hoàn vốn. Bên cạnh đó, có thể xây dựng các cơ chế như chỉ cần đóng phí ở những điểm thu trên đường, còn một số loại phí khác thì được giảm” - ông Quân nói.
Nghiên cứu kỹ, bổ sung nhiều vấn đề
Dự án thu phí đường bộ đối với ô tô lưu thông vào trung tâm TP đã được triển khai gần 7 năm. Trước đó, năm 2010, UBND TP chấp thuận đề xuất của ITD về dự án tổ chức thu phí ô tô vào khu trung tâm. Tuy nhiên, 2 năm sau, đề án chính thức được trình UBND TP và lấy ý kiến các sở - ngành như Tư pháp, Khoa học - Công nghệ, Kế hoạch - Đầu tư. Sau nhiều cuộc họp, đề án bị ngưng. Tổng mức đầu tư của toàn dự án khoảng 1.200 tỉ đồng, trong đó mua sắm thiết bị là hơn 1.000 tỉ đồng.
Diễn biến mới nhất là cuối năm 2016, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP đã làm việc với ITD để khởi động dự án này. Đây là một trong số các giải pháp cấp bách trong năm 2017 nhằm kéo giảm tình trạng ùn tắc giao thông. Theo đại diện Sở GTVT TP, do đề án đã thực hiện cách nay nhiều năm nên lãnh đạo TP yêu cầu phải bổ sung, hoàn chỉnh lại để sớm trình UBND TP xem xét. Đây là dự án đầu tư theo hình thức PPP (hợp tác công - tư). Với dự án này, nhà nước không bỏ vốn mà do doanh nghiệp đầu tư. Ông Ngô Hải Đường - Trưởng Phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ Sở GTVT TP - cho biết UBND TP đã giao ITD nghiên cứu, lập đề xuất dự án nên sở sẽ phối hợp đánh giá, bổ sung những điểm chưa khả thi.
Theo một số chuyên gia giao thông, phương án thu phí đường bộ đối với ô tô vào khu vực trung tâm cũng là một giải pháp góp phần hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, dự án suốt nhiều năm phải bàn ra tính vào thì chắc chắn có nhiều vấn đề không phù hợp, khó khả thi. Do đó, nếu tái khởi động dự án này, các đơn vị cần nghiên cứu kỹ, bổ sung nhiều vấn đề và có thể dựa vào những ý kiến phản biện từ các năm trước để làm cơ sở đánh giá. Các chuyên gia cũng cho rằng đơn vị nghiên cứu đề xuất dự án phải có thống kê cụ thể về tình hình giao thông ở từng khu vực, bao gồm lưu lượng phương tiện, các điểm trung chuyển, hệ thống xe buýt… Từ đó, đưa ra dự báo cũng như mô phỏng hiện trạng thì mới có thể kết luận sát với thực tế. Đồng thời, dự án nếu được triển khai phải có đánh giá về sự ảnh hưởng đối với kinh tế - xã hội, đặc biệt là đối tượng bị ảnh hưởng lớn như các doanh nghiệp có phương tiện thường xuyên ra vào trung tâm TP.
Tổ chức lấy ý kiến
Sau khi đề xuất dự án được nghiên cứu hoàn thành và giao nộp, Ủy ban MTTQ TP HCM sẽ mời các nhà khoa học chuyên ngành, các chuyên gia góp ý, phản biện nội dung để hoàn thiện trước khi thẩm định, phê duyệt. Ông Ngô Hải Đường cho biết ngoài việc nhờ các nhà khoa học chuyên ngành, chuyên gia góp ý, còn có thể tổ chức lấy ý kiến từ người dân và doanh nghiệp.
Người lao động