MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Không tốn đồng nào mà lại được học tại 1 trong những nước đẹp nhất châu Âu: Nữ sinh Ams hé lộ hết bí quyết

10-01-2024 - 18:50 PM | Sống

Thành tích học tập của nữ sinh này cũng rất đáng nể với GPA cao ngất.

Đặng Hoàng Khánh Linh, cựu học sinh chuyên Văn trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam nhận được Học bổng Hiệp định Hungary (Stipendium Hungaricum - SH) và hiện đang là sinh viên Đại học Eötvös Loránd (ELTE).

SH là học bổng danh giá nhất của chính phủ Hungary, được trao dựa trên các thỏa thuận hợp tác giáo dục song phương với các quốc gia trên khắp thế giới. Người nhận học bổng sẽ có quyền lợi: Được miễn học phí; Được miễn tiền ở kí túc xá (nếu không ở kí túc thì được nhận 40000 forint hỗ trợ thuê nhà); Được cấp tiền sinh hoạt hàng tháng (43700 forint, ~120 euro); Bảo hiểm y tế.

Không tốn đồng nào mà lại được học tại 1 trong những nước đẹp nhất châu Âu: Nữ sinh Ams hé lộ hết bí quyết- Ảnh 1.

Linh đảm nhận vai trò Phó trưởng ban Truyền thông, Hội Sinh viên Việt Nam tại Hungary nhiệm kì 2023 - 2025; Đại sứ Sinh viên Quốc tế của trường Đại học Eötvös Loránd, năm học 2023 - 2024. Thành tích học tập của nữ sinh này cũng rất đáng nể với GPA năm nhất ở Hungary là 5/5.

Một vài thông tin profile của Linh:

Cựu học sinh chuyên Văn trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam (GPA 9.1/10).

Sinh viên năm nhất ngành Quan hệ Quốc tế, Học viện Ngoại giao Việt Nam (GPA kì I năm nhất 3.79/4).

IELTS: 8.0 (thi vào tháng 12/2021).

GPA năm nhất ở Hungary: 5/5.

Hoạt động ngoại khóa:

Thành viên ban Truyền thông IVMUN 2019, 2020; ban Nội dung IVMUN 2019; ban Nhân sự IVMUN 2022.

Phó ban Chuyên môn & Biên tập viên Tập san Minutia, dự án Le Retour Nostalgique nhiệm kì 2020 - 2021 (dự án về lịch sử).

Chủ nhiệm Nhóm Humans of DAV nhiệm kì 2021 - 2022.

Phó Chủ nhiệm CLB Classical Jukebox of DAV nhiệm kì 2022 - 2023 (CLB về nhạc cổ điển phương Tây của Học viện Ngoại giao).

Phó trưởng ban Truyền thông, Hội Sinh viên Việt Nam tại Hungary nhiệm kì 2023 - 2025.

Đại sứ Sinh viên Quốc tế của trường Đại học Eötvös Loránd, năm học 2023 - 2024.

Đồng sáng lập ELTE MUN Club - dự án về Hội nghị Mô phỏng Liên hợp quốc dành cho sinh viên tại Đại học Eötvös Loránd.

Thành viên dàn hợp xướng đại học ELTE mang tên Béla Bartók.

Thực tập tại Bảo tàng Auschwitz-Birkenau tại Cộng hoà Ba Lan.

"Rớt" từ vòng gửi xe nếu không lưu ý điều này

"Nhắm" đến học bổng SH từ sớm, Linh đã dành thời gian tìm hiểu rất kĩ. Học bổng thường sẽ bắt đầu mở vào giữa tháng 11 hàng năm và đóng vào ngày 15/1 năm sau, vậy nên Linh có khoảng hai tháng để hoàn thiện hồ sơ apply của mình. Sẽ có tối đa hai nguyện vọng để đăng kí. Vì SH là học bổng Hiệp định, nên Linh nộp hồ sơ cho cả hai bên - Việt Nam và Hungary.

Nữ sinh này lưu ý: Có một số người lầm tưởng rằng vì mình không thuộc diện được bên Việt Nam cấp bù hay vì lí do nào đó mà chủ quan chỉ nộp cho bên Hungary, trong khi trên thực tế xuyên suốt quá trình apply, cả hai bên sẽ double-check hồ sơ của các ứng viên.

Nếu thông tin của bạn không nằm trong danh sách được đề cử của Việt Nam sang bên phía Hungary thì hồ sơ của bạn sẽ bị từ chối ngay lập tức từ vòng gửi xe. Ngoài ra, bạn cũng không thể apply vào các ngành và các trường mà bên Hungary không cung cấp cho bên Việt Nam.

Hai bên sẽ cần hai bộ hồ sơ khác nhau. Bên Việt Nam sẽ yêu cầu Linh điền thông tin theo hướng dẫn trên trang tuyensinh.vied.vn (bao gồm cả scan các loại giấy tờ), cũng như gửi các loại giấy tờ bằng tiếng Việt về địa chỉ của Cục. Hạn nộp hồ sơ tính theo dấu bưu điện. Với phía Hungary thì cần scan giấy tờ và tải lên form trên apply.stipendiumhungaricum.hu. Về cơ bản, bên đó cũng sẽ có một vài loại giấy tờ người ta yêu cầu khá giống với Việt Nam, nhưng nếu các loại giấy tờ đó không phải bằng tiếng Anh hoặc tiếng Hungary thì cần dịch thuật công chứng.

Một số loại giấy tờ mà Linh khuyên các bạn nên chuẩn bị trước cho việc làm hồ sơ (scan bản gốc, công chứng và/hoặc dịch thuật công chứng) - chủ yếu được áp dụng cho các bạn apply bậc Cử nhân theo diện sinh viên năm nhất: Học bạ cấp 3/ĐH; Bảng điểm năm nhất Đại học (cái này bên VN cần); Giấy xác nhận mình đang là sinh viên tại trường ở VN; Chứng chỉ ngoại ngữ; Hộ chiếu, CMT, CCCD; Bằng tốt nghiệp THPT; Phiếu báo điểm thi ĐH.

Ngoài ra, nếu bạn có bất cứ hoạt động nghiên cứu khoa học, ngoại khóa hay giải thưởng nào có chứng nhận hay bằng chứng nói chung, đặc biệt nếu nó liên quan đến ngành mà bạn apply thì nên scan và tải lên cả hai trang web.

Đối với bên Việt Nam, hãy đọc thật kỹ các giấy tờ phụ lục được yêu cầu (Sơ yếu lý lịch, Mẫu Giấy khám sức khỏe, Giấy cam kết, etc.). Đối với bên Hungary, hãy kiểm tra phần mẫu giấy khám sức khỏe. Khi đã điền xong thông tin (đặc biệt là trên trang của bên Hungary), đừng quên kiểm tra lại trước khi nhấn nút submit!

Trước ngày 15/1, bạn vẫn có thể thoải mái thay đổi thông tin và re-submit lại hồ sơ, nhưng sau ngày này hệ thống sẽ không cho phép bạn thực hiện bất cứ thao tác chỉnh sửa nào nữa. Tuy nhiên, bạn có thể bổ sung các giấy tờ còn thiếu ở phần Checklist (tùy vào từng giai đoạn mà bạn sẽ nhận được thông tin cụ thể từ quỹ học bổng và/hoặc từ các trường mà bạn chọn).

Ngoài ra, giấy tờ và hồ sơ là điều kiện cần, nhưng một chìa khóa quan trọng không kém là thư bày tỏ nguyện vọng xin học bổng (Motivation Letter).

"Vào năm của mình thì cả bên Việt Nam và Hungary đều yêu cầu phải có bức thư này, các bạn nên chú ý và thực sự đầu tư công sức bởi nó đóng vai trò rất lớn trong việc liệu bạn có thể giành được học bổng này hay không.

Những gợi ý cho việc viết thư bày tỏ nguyện vọng có thể được tìm thấy trong Application Guide của SH cũng như trên Internet, nên đọc thật kĩ hướng dẫn để hiểu rõ những yêu cầu của Quỹ và các trường cho bức thư này. Ngoài ra, một số trường và ngành có thể sẽ yêu cầu bạn phải có thêm thư giới thiệu (Letter of Recommendation) nữa", Linh nói.

Chuẩn bị thật cẩn thận trong vòng 1 - 2 tiếng trước và sau thời gian phỏng vấn/kiểm tra dự kiến

Sau khi hạn nộp hồ sơ đã qua, danh sách các ứng viên được đề cử cho học bổng từ các nước sẽ được gửi sang Hungary. Tùy vào tình hình cụ thể mà bạn có thể rơi vào diện "Nominated" (được đề cử chính thức) hoặc "Reserved List" (dự bị). Nếu bạn thuộc diện dự bị thì bạn có khả năng cao hơn bị loại khỏi danh sách học bổng kể cả khi đã được các trường chấp nhận. Sau đó, quỹ Tempus sẽ tiến hành lọc các ứng viên và chọn ra những người đủ điều kiện để gửi thông tin về các trường.

Tầm khoảng giữa tháng 3 trở đi, các trường sẽ bắt đầu gửi email cho các ứng viên để thông báo và hướng dẫn về quá trình kiểm tra/phỏng vấn. Mỗi trường, mỗi ngành cụ thể sẽ có yêu cầu rất khác nhau về việc kiểm tra và phỏng vấn nên Linh khuyên các bạn hãy đọc thật cẩn thận các yêu cầu cũng như lịch trình các phần thi của từng nguyện vọng để tránh mọi sai sót và sơ sẩy trong giai đoạn quan trọng này.

Về cơ bản thì phần kiểm tra với bên trường có thể bao gồm một hoặc một vài hình thức dưới đây: Phỏng vấn qua nền tảng online (MS Teams, Skype, etc.); Quay video trả lời câu hỏi (Trên trang DreamApply sẽ hiện phần để bạn quay video này); Làm bài kiểm tra về kiến thức và kỹ năng (ví dụ như bài kiểm tra toán, tư duy logic, sinh học, vật lý, etc.)

Email từ các trường có thể sẽ nhắc các bạn về một số loại sách hay tài liệu nên đọc để phục vụ cho buổi phỏng vấn. Thời gian không có nhiều nên các bạn thật chủ động trong việc nghiên cứu tài liệu, trau dồi kiến thức thật tốt cho các vòng kiểm tra. Bên cạnh đó, hãy bồi dưỡng sức khỏe và chuẩn bị tâm thế thật tốt cho vòng trường. Ngoài ra, các bạn cũng nên đọc lại Motivation Letter của mình và chiêm nghiệm về việc tại sao mình muốn đăng kí học bổng SH bởi trong quá trình phỏng vấn, rất có thể các thầy cô sẽ hỏi bạn những câu hỏi liên quan đến chúng.

Trong khoảng tháng 4 - tháng 5, các bạn sẽ bắt đầu làm các bài phỏng vấn (và kiểm tra) với các trường. Đối với Linh, cả hai nguyện vọng đều chỉ cần phỏng vấn tầm 10 - 15 phút với các thầy cô, lịch có thể do mình tự hẹn hoặc bên trường sẽ thông báo luôn. Thường thì các trường NV1 sẽ gửi thông tin và tiến hành kiểm tra, phỏng vấn trước, nhưng Linh phải phỏng vấn với trường NV2 đầu tiên.

"Trong buổi phỏng vấn với trường NV2, mình đã gặp phải một vài sự cố không đáng có và đã phải rút kinh nghiệm vô cùng sâu sắc. Lời khuyên vô cùng quan trọng cho tất cả các bạn là chuẩn bị setup tất cả mọi thứ thật cẩn thận trong vòng 1 - 2 tiếng trước và sau thời gian phỏng vấn/kiểm tra dự kiến, từ vấn đề trang phục đến kỹ thuật.

Thêm nữa, nếu bạn cảm thấy chưa đủ tự tin trước "giờ G" thì thử tập hít thở sâu và tìm đến vài hoạt động có thể giúp bạn thư giãn, đạt được trạng thái tinh thần thoải mái nhất (ví dụ như mình hay nghe nhạc và xem video tiếng Anh trên Youtube). Sau buổi phỏng vấn/kiểm tra, hãy mua cho mình một cốc trà sữa, một tấm vé đi xem phim hoặc bất cứ phần thưởng nho nhỏ nào đó nhé! Bạn sẽ cảm thấy tốt hơn và sẵn sàng cho những công việc tiếp theo đó", Linh khuyên.

Không tốn đồng nào mà lại được học tại 1 trong những nước đẹp nhất châu Âu: Nữ sinh Ams hé lộ hết bí quyết- Ảnh 2.

Sau khi kết thúc các bài phỏng vấn và kiểm tra, các bạn sẽ nhận được kết quả phỏng vấn từ trường trong vòng hai đến ba tuần. Tầm khoảng cuối tháng 5, các trường sẽ bắt đầu gửi kết quả này về cho quỹ học bổng Tempus và đến đầu tháng 7 sẽ có quyết định cuối cùng.

Trong thời gian chờ đợi thông báo chính thức từ quỹ, các bạn có thể vẫn được yêu cầu hoàn thành một số loại giấy tờ nhất định (ví dụ như hợp pháp hóa lãnh sự bằng tốt nghiệp) như một yêu cầu đảm bảo. Vì vậy, các bạn vẫn nên theo dõi email và thông báo ở trên trang DreamApply để được cập nhật thông tin và biết mình cần phải hoàn thành nốt những task nào nhé.

"Tuy nhiên, kết quả thông báo từ trường mới là kết quả ban đầu chứ chưa phải kết quả chính thức, bởi điều đó sẽ còn phụ thuộc vào tình hình thực tế và quyết định cuối cùng từ quỹ Tempus. Vì vậy, nó cũng không thể đảm bảo hoàn toàn liệu các bạn đã chắc chắn đỗ học bổng hay chưa. Thực tế cho thấy, năm nay đã có rất nhiều bạn ở các nước (chứ không phải chỉ riêng VN) đã không nhận được học bổng kể cả khi đã thể hiện tương đối tốt trong quá trình phỏng vấn, kiểm tra và được cả hai nguyện vọng chấp nhận. Đây là một điều các bạn cần hết sức lưu ý", nữ sinh chia sẻ.

Khi bạn đã nhận được thông báo đỗ học bổng, hãy nhanh chóng lên trang DreamApply để chấp nhận học bổng trước hạn được quy định. Nếu không muốn nhận học bổng thì bạn có thể để nguyện vọng từ chối và suất của bạn sẽ được chuyển cho một người khác.

Sau khi hết hạn được quy định, quỹ sẽ gửi Letter of Award và trường sẽ gửi Letter of Acceptance (có thể kèm theo một vài hướng dẫn khác) cho bạn. Một số bạn nhận được thông báo "Conditionally Awarded" sẽ cần phải bổ sung các loại giấy tờ cần thiết trước ngày 1/8 để nhận được hai bức thư trên nên hãy chủ động liên lạc với trường về vấn đề này.

Cục Hợp tác Quốc tế sẽ gửi các thông báo, hướng dẫn về việc bổ sung, chuẩn bị giấy tờ và làm visa đến các bạn đỗ học bổng vài ngày sau khi có kết quả chính thức. Lúc này, Linh khuyên các bạn cần đọc kĩ mọi tài liệu hướng dẫn từ cục và Đại sứ quán Hungary về visa để chuẩn bị tốt nhất cho quá trình phỏng vấn visa. Đồng thời, hãy giữ liên lạc với trường của bạn để có thể nắm được thông tin về ngày nhập học và một số thủ tục cần phải hoàn thành cũng như giấy tờ cần mang theo sang trời Âu.

Theo Hiểu Đan

Phụ nữ số

Trở lên trên