MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khu chế xuất đầu tiên của Việt Nam bây giờ ra sao?

Tân Thuận là khu chế xuất (KCX) đầu tiên của cả nước, được thành lập vào năm 1991. Sau hơn 30 năm, nơi đây tập trung 236 xí nghiệp của 21 quốc gia, vốn đầu tư đăng ký khoảng 2,1 tỷ USD; trong đó có 1,6 tỷ USD đến từ dự án FDI.

‏Khu chế xuất đầu tiên của Việt Nam bây giờ ra sao? - Ảnh 1.

KCX là khu công nghiệp chuyên sản xuất hàng xuất khẩu, cung ứng dịch vụ cho sản xuất hàng xuất khẩu và hoạt động xuất khẩu. Khu KCX đầu tiên được thành lập vào ngày 25/11/1991 (KCX Tân Thuận). Đây là giai đoạn thí điểm thực hiện phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, mở cửa, thu hút nguồn lực theo chính sách Đổi Mới (1986). KCX nằm trên mảnh đất 3 km2 dọc sông Sài Gòn thuộc phường Tân Thuận Đông, Quận 7, TP.HCM bởi Công ty TNHH Tân Thuận. Trong đó có 1,95 km2 được phân bổ cho xây dựng nhà máy, nhà kho; hiện đã xây dựng và sử dụng khoảng 80%.‏

‏Khu chế xuất đầu tiên của Việt Nam bây giờ ra sao? - Ảnh 2.

Sau hơn 30 năm, KCX Tân Thuận đã trở thành nơi tập trung 236 xí nghiệp của 21 quốc gia, với khoảng 60.000 lao động. Đến nay, vốn đầu tư đăng ký vào KCX này khoảng 2,1 tỷ USD; trong đó có 170 dự án FDI, vốn đầu tư đăng ký khoảng 1,6 tỷ USD. Ngoài ra, doanh số xuất nhập khẩu hằng năm vào khoảng 2 tỷ USD. Đây cũng là dự án tiên phong áp dụng cơ chế “một cửa tại chỗ” khi lần đầu tiên trong phạm vi cả nước, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Ban Quản lý các khu chế xuất TP. HCM con dấu quốc huy và chỉ đạo các Bộ ủy quyền cho Ban Quản lý để xử lý tại chỗ những vấn đề phát sinh tại KCX. Cơ chế này giúp rút ngắn 1/3 thời gian thực hiện các thủ tục hành chính của các dự án đầu tư so với thực hiện ngoài KCX. ‏

‏Khu chế xuất đầu tiên của Việt Nam bây giờ ra sao? - Ảnh 3.

Nơi đây tập trung chủ yếu các doanh nghiệp chế xuất, sản xuất, cung cấp dịch vụ cho mặt hàng xuất khẩu. Trong đó, ngành dệt, may mặc chiếm 20%; cơ khí, máy móc chính xác chiếm 14%; điện, điện tử và công nghệ cao, phần mềm lần lượt chiếm 11%; ngoài ra còn các ngành khác như thực phẩm, bao bì, thương mại… Trong ảnh là Công ty TNHH một thành viên Công nghiệp Tàu thủy Sài Gòn (SSIC) - một trong những đơn vị nổi bật trong ngành đóng tàu Việt Nam. ‏

‏Khu chế xuất đầu tiên của Việt Nam bây giờ ra sao? - Ảnh 4.

KCX Tân Thuận đi vào hoạt động đã mở ra hướng phát triển tiến ra biển Đông, cũng như là tiền đề để xây các KCX, khu công nghiệp khác. Chỉ sau 5 năm từ ngày khởi công xây dựng KCX Tân Thuận, nhiều công trình tiếp theo là đại lộ Nguyễn Văn Linh, đề án xây dựng đô thị Nam TP.HCM, khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng, nhà máy điện Hiệp Phước, Khu công nghiệp - cảng Hiệp Phước lần lượt được triển khai. Trong ảnh là đại lộ Nguyễn Văn Linh dài 17,8 km nối KCX Tân Thuận với QL1A, giúp vận chuyển hàng hóa từ phía Nam TP. HCM đi các tỉnh ĐBSCL. ‏

‏Khu chế xuất đầu tiên của Việt Nam bây giờ ra sao? - Ảnh 5.

Cách đó chỉ 3 km, cầu Phú Mỹ nối trục giao thông KCX Tân Thuận nói riêng và khu vực phía Nam nói chung với vành đai phía Đông thành phố. Từ đây, hàng hoá có thể được dễ dàng vận chuyển đến hệ thống cảng Cát Lái thông qua đường Võ Chí Công, Đồng Văn Cống, giúp giảm lưu lượng xe trên tuyến QL1A. Phú Mỹ cũng là cầu dây văng lớn nhất TP. HCM, thuộc dự án đường Vành đai 2, có tổng mức đầu tư 2.076 tỷ đồng. Cầu có chiều dài hơn 2 km, rộng 27,5 m với 6 làn xe; độ tĩnh không thông thuyền 37 m và tổng chiều cao 160 m tính từ đỉnh tháp trụ dây văng đến mực nước sông.‏

‏Khu chế xuất đầu tiên của Việt Nam bây giờ ra sao? - Ảnh 6.

Ngoài ra, bến cảng Container Quốc tế Việt Nam (VICT) nằm trong KCX Tân Thuận giúp các doanh nghiệp tiết kiệm chi phí vận chuyển nội địa và không bị ảnh hưởng bởi tắc nghẽn giao thông trong giờ cao điểm. ‏

‏Khu chế xuất đầu tiên của Việt Nam bây giờ ra sao? - Ảnh 7.

Công tác bảo vệ môi trường cũng được đặc biệt chú trọng ở KCX Tân Thuận. Tổng số vốn đầu tư cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường chiếm tỉ trọng gần 20% vốn đầu tư cho KCX. Trong đó, trạm xử lý nước thải tập trung có công suất 15.000 m3/ngày với dây chuyền xử lý vi sinh, giảm thiểu sử dụng hóa chất, đạt tiêu chuẩn xả thải quy định. ‏

‏Khu chế xuất đầu tiên của Việt Nam bây giờ ra sao? - Ảnh 8.

Với khoảng 60.000 lao động đang làm việc, KCX Tân Thuận sẽ được đầu tư xây dựng thêm nhà lưu trú cho công nhân, dự kiến có khoảng 900 phòng đáp ứng chỗ cho khoảng 3.600 người. Hiện KCX Tân thuận có một khu lưu trú công nhân được xây dựng bởi Công ty cổ phần Phát triển Nam Sài Gòn (SADECO). Công trình có quy mô khoảng 14.800 m2, có thể tiếp nhận trên 5.000 công nhân lưu trú. ‏

‏Khu chế xuất đầu tiên của Việt Nam bây giờ ra sao? - Ảnh 9.

KCX Tân Thuận sẽ hết hạn thuê đất vào năm 2041. Vì vậy, nơi đây được đề xuất chuyển đổi công năng. Đáng chú ý, chính quyền Quận 7 đề xuất thành phố cho chuyển đổi ngành công nghiệp truyền thống tại khu chế xuất sang phát triển công nghệ cao, xen kẽ đất ở, dịch vụ thương mại… Một số doanh nghiệp công nghệ cao đang đặt trụ sở tại đây là VNG, CMC, FPT, Vinasat… Trong ảnh là VNG Campus rộng hơn 52.000 m2. Ngoài ra còn có VNG Data Center - một trong những trung tâm dữ liệu có quy mô tủ rack lớn nhất Việt Nam. Ảnh: VNG. ‏

‏Khu chế xuất đầu tiên của Việt Nam bây giờ ra sao? - Ảnh 10.

Ở một góc nhìn khác, ông Phan Chánh Dưỡng - một trong những người tham gia thành lập Khu chế xuất Tân Thuận, nguyên Phó tổng giám đốc Công ty Liên doanh Khu chế xuất Tân Thuận cho rằng sau khi hết hạn thuê đất, thành phố có thể sử dụng 1/3 diện tích KCX làm quảng trường lớn, tạo không gian công cộng cho người dân. Phần còn lại xây các tòa nhà như các cơ quan hành chính của Trung ương, thành phố, viện bảo tàng... Những tòa nhà này cần được xây dựng mang kiến trúc, văn hoá trong nước, tạo những nét đặc trưng cho thành phố.

Theo Phùng Tiên

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên