Khu công nghệ cao hút hơn 4 tỷ USD vốn đầu tư, tập hợp toàn ông lớn ở Hà Nội
Ảnh: FPT Software
Vingroup, Viettel, FPT, Hanwha Aero là những cái tên tiêu biểu đặt nhà máy, trụ sở tại nơi được quy hoạch làm thành phố thông minh.
Khu Công nghệ cao (CNC) Hoà Lạc được thành lập năm 1998, thuộc đô thị vệ tinh Hoà Lạc nằm ở hai phía của Đại lộ Thăng Long trên địa bàn huyện Quốc Oai và huyện Thạch Thất, phía Tây Hà Nội. Khu CNC Hòa Lạc có diện tích khoảng 1.586 ha. Tính đến đầu năm 2022, khu công nghệ cao Hoà Lạc đã thu hút được 100 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký gần 95.000 tỷ đồng, tính ra trung bình mỗi ha được đầu tư gần 60 tỷ.
Trọng tâm phát triển của khu CNC Hòa Lạc là các ngành công nghệ cao như công nghệ thông tin, viễn thông, điện tử, sinh học, chế tạo máy, vật liệu mới. Khu CNC Hòa Lạc có tầm nhìn trở thành trung tâm nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ cao cấp Quốc gia, ươm mầm doanh nghiệp công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, sản xuất, dịch vụ, kinh doanh sản phẩm công nghệ cao.
Được kỳ vọng trở thành hình mẫu kinh tế thu nhỏ của Việt nam trong tương lai, một thành phố khoa học và công nghệ sinh thái thông minh, Khu CNC Hòa Lạc trang bị hệ thống hạ tầng hiện đại, tiêu chuẩn cao và đồng bộ theo xu hướng khu đô thị mở, xanh và phát triển bền vững. Dự báo đến năm 2030, khu công nghệ cao có 229.000 người lao động. Trong đó chủ yếu là người tạm trú, dân số thường trú khoảng 99.300 người tương ứng 40 - 50%.
Khu CNC Hòa Lạc bao gồm các Khu chức năng: Khu Giáo Dục và Đào Tạo, Khu Nghiên cứu và Triển khai, Khu Phần mềm, Khu Công nghiệp Công nghệ cao, Khu Trung Tâm, Khu Hỗn hợp, Khu Nhà ở, Khu Giải trí và Thể dục Thể thao.
Khu trung tâm có diện tích 43,14 ha, là nơi tập trung các công trình, dịch vụ công cộng cho toàn Khu CNC Hòa Lạc như: Các tòa nhà hành chính, văn phòng làm việc kết hợp nhà ở, trung tâm hội nghị, trung tâm thông tin, trung tâm trưng bày giới thiệu sản phẩm, bảo tàng, bưu điện, khách sạn, nhà hàng, ngân hàng, công viên, quảng trường. Trong ảnh là tòa nhà Trung tâm Dịch vụ Tài chính (Bộ Tài chính) có 5 tầng, là Trung tâm dữ liệu phục vụ trao đổi dữ liệu, truy cập ứng dụng từ tất cả các đơn vị trong ngành Tài chính.
Khu Nghiên cứu và Phát triển có diện tích 263,15 ha là nơi tập trung các cơ sở nghiên cứu phát triển, hỗ trợ nghiên cứu phát triển, ứng dụng công nghệ cao, đồng thời là nơi đào tạo và thu hút các chuyên gia trong các ngành công nghệ cao và những người có trình độ cao làm công tác nghiên cứu và ứng dụng. Khu R&D sẽ là cầu nối giữa nghiên cứu và thực tiễn, nơi ươm mầm các phát minh. Trong ảnh là tòa nhà Trung tâm Vũ trụ Việt Nam thuộc Viện Hàn Lâm Khoa học công nghệ Việt Nam, có trách nhiệm nghiên cứu, triển khai, đào tạo và ứng dụng công nghệ vũ trụ và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực công nghiệp vũ trụ.
Nằm trên diện tích 55,93 ha, khu phần mềm là nơi tập trung các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh phần mềm, cung cấp các dịch vụ sản xuất kinh doanh liên quan đến công nghệ thông tin. Trong ảnh là Làng phần mềm FPT F-Ville, dự án có quy mô lớn nhất và triển khai đầu tiên trong tổng số 7 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư tại Khu phần mềm thuộc Khu Công nghệ cao Hòa Lạc. Dự án gồm tổ hợp văn phòng, khuôn viên cây xanh, các khu chức năng, giải trí trên tổng diện tích 6,4 ha đảm bảo nơi làm việc cho 5.000 CBNV. Làng phần mềm được xây dựng qua 3 giai đoạn, đến nay đã đưa vào sử dụng 2 giai đoạn.
Bên trong tòa nhà F-Ville 2 thuộc Làng phần mềm FPT.
Khu Công nghiệp công nghệ cao có diện tích 391 ha. Đây là nơi tập trung các nhà máy sản xuất sản phẩm công nghệ cao. Trong ảnh là nhà máy VinSmart của Tập đoàn Vingroup có diện tích gần 14,8 ha, tổng công suất 125 triệu thiết bị/năm.
Khu Giáo dục Đào tạo có diện tích 123,53 ha, là nơi tập trung các trường đại học, các cơ sở đào tạo, dạy nghề, là nơi cung cấp đội ngũ nhân lực có chuyên môn, tay nghề cao. Trong ảnh là trường nội trú TH School rộng gần 25.000 mét vuông, giảng dạy học sinh từ lớp 6 đến lớp 12. Năm học 2022-2023, trường có hơn 100 học sinh chủ yếu là học sinh nội trú.
Khu CNC Hòa Lạc cũng là nơi đặt trụ sở của nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Việt Nam như Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông quân đội Viettel, Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn FPT, Tập đoàn VNPT. Trong ảnh là trụ sở Tập đoàn Viettel, tòa nhà quy mô 25 tầng, đảm bảo chỗ làm việc cho 2.000 CBNV.
Khu CNC Hòa Lạc cũng thu hút các tập đoàn lớn trên thế giới như Tập đoàn Nidec (Nhật Bản), Tập đoàn Hanwha Aero (Hàn Quốc). Các dự án đầu tư trong Khu Công nghệ cao Hòa Lạc có tỷ lệ nghiên cứu và phát triển khá cao, bước đầu lan tỏa và đóng góp vào nền kinh tế trong giai đoạn vừa qua. Trong ảnh là nhà máy Hanwha Aero Engines với diện tích 9,68 ha. Nhà máy sản xuất các bộ phận và linh kiện động cơ máy bay và động cơ gas tuabin công nghiệp.
Ngoài ra, Khu CNC Hòa Lạc còn có các khu chức năng khác như: khu Hỗn hợp, khu Nhà ở, khu Giải trí và thể dục thể thao và các khu vực: hồ Tân Xã và vùng đệm, giao thông và các công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật, cây xanh. Trong ảnh là hồ Tân Xã rộng 125 ha. Khu vực xung quanh hồ đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của cư dân lân cận.
Tại Khu CNC Hòa Lạc, nhiều dự án mới hiện đang được triển khai. Trong ảnh, Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) đang xây dựng với cơ sở hạ tầng, thiết kế hiện đại. Sau khi hoàn thành, nơi đây được kỳ vọng sẽ là những vườn ươm công nghệ cao, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp.
Vị trí chỉ cách trung tâm Hà Nội khoảng 30 phút di chuyển qua đại lộ Thăng Long, các tuyến đường nội khu rộng rãi, khu CNC Hòa Lạc có nhiều lợi thế thu thu nguồn nhân lực và đầu tư phát triển.
Ảnh phối cảnh tổng thể khu công nghệ cao Hoà Lạc.
Theo quy hoạch xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, Hòa Lạc nằm trong số các địa phương được đặt mục tiêu lên thành phố mới, bên cạnh ba huyện Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn.
Nhịp sống thị trường