Khu công nghiệp 6.600 tỷ đồng mới khởi công cách sân bay 16 tỷ USD chỉ 10km có gì đặc biệt?
Mới đây, Công ty CP đô thị Amata Long Thành đã tổ chức Lễ khởi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp công nghệ cao Long Thành.
Tại lễ khởi công, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng nhấn mạnh, Khu công nghiệp (KCN) công nghệ cao Long Thành sẽ đáp ứng nhu cầu cho các tập đoàn, doanh nghiệp đang có kế hoạch đầu tư vào Đồng Nai trong thời gian tới.
KCN công nghệ cao Long Thành, đặt tại Huyện Long Thành, có tổng diện tích 410ha, tiếp giáp với đường cao tốc TP.HCM - Long Thành- Dầu Giây, cách Sân bay quốc tế Long Thành 10km, kết nối cảng biển - sân bay thông suốt. Chủ đầu tư là Công ty CP đô thị Amata Long Thành (thuộc Tập đoàn Amata). Dự án có tổng vốn 282 triệu USD, tương đương 6663,6 tỷ đồng.
Huyện Long Thành có vị trí chiến lược quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là giao điểm của 3 tuyến cao tốc đã và đang được xây dựng là TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Bến Lức - Long Thành và Biên Hoà - Vũng Tàu.
Trên địa bàn Huyện Long Thành có 5 KCN đang hoạt động với tổng diện tích gần 20 km2 gồm: An Phước, Gò Dầu, Long Đức, Long Thành, Lộc An - Bình Sơn. Trong đó, KCN Lộc An - Bình Sơn có nhiều lợi thế về hạ tầng khi chỉ cách sân bay Long Thành 10 km, nằm gần QL51, cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây. Ngoài ra, trong quy hoạch sử dụng đất cấp huyện đến năm 2030, huyện sẽ tăng thêm gần 49 km2 đất công nghiệp.
KCN công nghệ cao Long Thành sẽ là KCN đầu tiên của Đồng Nai chuyên ưu tiên cho các dự án công nghệ cao, hướng đến nền công nghiệp xanh , đúng định hướng về thu hút đầu tư gắn với phát triển bền vững của tỉnh.
Dự án hướng đến thu hút các nhóm ngành sản xuất công nghệ thế hệ mới, tạo ra giá trị gia tăng về công nghệ kỹ thuật, đóng góp cho sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương và tỉnh.
Trước đó, theo UBND tỉnh Đồng Nai, các KCN của tỉnh đã cho thuê gần hết đất, phần diện tích còn lại chưa bồi thường, giải phóng mặt bằng xong. Điều này đã khiến suốt 3 năm qua, Đồng Nai đã bỏ lỡ nhiều dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn từ vài trăm triệu đến cả tỷ USD, có công nghệ hiện đại, giá trị gia tăng cao.
Cụ thể, thời gian qua, có nhiều đoàn doanh nghiệp của Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu, Đài Loan, Ấn Độ… đến Đồng Nai với dự tính sẽ đăng ký các dự án mới và tăng thêm vốn mở rộng đầu tư vào tỉnh trên lĩnh vực công nghiệp, nhưng đa số đều gặp trở ngại thiếu đất công nghiệp diện tích lớn để thuê.
Các KCN trên đa số lấy vào đất cao su, ít thu hồi đất của các hộ gia đình, cá nhân. Vì thế, Chính phủ sớm chấp thuận triển khai các KCN: Long Đức 3, Bàu Cạn - Tân Hiệp và Xuân Quế - Sông Nhạn thì tỉnh có thể đẩy nhanh việc thành lập KCN, bồi thường giải phóng mặt bằng, chọn doanh nghiệp đầu tư hạ tầng kỹ thuật.
Nhịp sống thị trường