MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khu công nghiệp lâu đời nhất Việt Nam "lột xác", hạ tầng, giao thông của tỉnh miền Nam này sẽ lên tầm cao mới

Một phần khu công nghiệp lâu đời nhất Việt Nam - KCN Biên Hòa 1 được chuyển sang xây dựng trung tâm chính trị - hành chính hiện đại quy mô 44ha.

Khu công nghiệp lâu đời nhất Việt Nam "lột xác", hạ tầng, giao thông của tỉnh miền Nam này sẽ lên tầm cao mới - Ảnh 1.

Mới đây, UBND tỉnh Đồng Nai đã có quyết định triển khai thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về chủ trương di dời, xây dựng mới khu trung tâm chính trị - hành chính của tỉnh .

Theo đó, khu trung tâm chính trị - hành chính mới của tỉnh sẽ có quy mô khoảng 44ha, vị trí này thuộc Khu công nghiệp (KCN) Biên Hòa 1, sau đó được chuyển đổi công năng thành khu đô thị - thương mại dịch vụ.

Phía Bắc giáp tuyến đường điện 110Kv và tuyến đường số 9; phía Nam giáp đường số 1 và đường số 12; phía Đông giáp công viên cây xanh và đường số 15; phía Tây giáp sông Cái.

Như vậy, khu trung tâm chính trị - hành chính mới sẽ nằm tại trung tâm TP Biên Hòa hiện hữu, thuận lợi kết nối với hệ thống giao thông đô thị như: quốc lộ 1 (Xa lộ Hà Nội), quốc lộ 51, tuyến metro kết nối với trung tâm TP HCM, gần với tuyến đường sắt nhẹ của TP Biên Hòa. Hiện nay, Đồng Nai cũng đang phối hợp với TP HCM và Bình Dương triển khai phương án kéo dài tuyến metro số 1, trong đó sẽ có khu nhà ga đặt tại KCN Biên Hòa 1.

Đồng thời, UBND tỉnh tập trung đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án trọng điểm, như đường ven sông Cái, trục trung tâm hành chính TP Biên Hòa, cầu Thống Nhất để gắn kết không gian cảnh quan với trung tâm hành chính – chính trị mới của tỉnh.

Cùng với đó, khu vực này cũng có sẵn hệ thống hạ tầng kỹ thuật thuận lợi kết nối khu vực trung tâm chính trị - hành chính mới với trung tâm hành chính hiện hữu của tỉnh là cầu An Hảo. Từ đó, tạo thuận lợi cho việc di dời, đi lại làm việc của các cơ quan hành chính và người dân.

Đáng chú ý, trong dự thảo quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Sở GT-VT tỉnh Đồng Nai đề xuất quy hoạch xây dựng quảng trường nhà ga tại KCN Biên Hòa 1 để kết nối các loại hình giao thông đường bộ, đường sắt, đường sắt đô thị… Ngoài ra, tuyến đường sắt đô thị có điểm đầu tại nhà ga KCN Biên Hòa 1 và đi qua khu vực cù lao Hiệp Hòa nối với khu vực trung tâm TP Biên Hòa cũng được đề xuất đưa vào quy hoạch.

KCN Biên Hòa 1 ra đời năm 1963 với quy mô 335 ha, là khu công nghiệp lâu đời nhất Việt Nam . Khi mới thành lập khu công nghiệp được coi là hình mẫu, tạo tiền đề cho sự hình thành, phát triển mô hình các khu công nghiệp trên cả nước.

Năm 2008, UBND tỉnh Đồng Nai có đề xuất lên Chính phủ thực hiện chuyển đổi công năng của KCN Biên Hòa 1 nhằm mục tiêu bảo vệ môi trường nước sông Đồng Nai. Một năm sau, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1 thành khu đô thị - thương mại - dịch vụ.

Cuối tháng 1/2021, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chấp thuận đưa KCN Biên Hòa 1 ra khỏi quy hoạch phát triển các KCN Việt Nam, khép lại hành trình nửa thế kỷ giữ vai trò “đầu tiên” trong việc hình thành các khu công nghiệp (KCN) trên cả nước.

Ngay sau đó, Đồng Nai đã gấp rút thực hiện đề án chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1 thành Khu đô thị - thương mại - dịch vụ Biên Hòa 1.

Đến tháng 6/2022, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh đã có công văn giao UBND tỉnh triển khai công việc liên quan đến phương án di dời trung tâm chính trị - hành chính của tỉnh và dự án tại Khu đô thị dịch vụ Biên Hòa 1.

Liên quan đến tình hình các KCN tại Đồng Nai, theo số liệu thống kê của Ban Quản lý các KCN tỉnh này, đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 32 KCN được thành lập với diện tích hơn 10.200 ha, trong đó 31 KCN đang hoạt động và 1 KCN đang trong quá trình bồi thường, thu hồi đất và xây dựng hạ tầng. Các KCN đã thu hút hơn 1.430 dự án FDI đến từ 43 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng vốn đầu tư trên 29 tỷ USD.

Một số KCN có quy mô lớn như KCN Nhơn Trạch III (697,49 ha) do Công ty CP Tổng Công ty Tín Nghĩa đầu tư hạ tầng; KCN Lộc An – Bình Sơn (497,77 ha) do Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển V.R.G Long Thành đầu tư; KCN công nghệ cao Long Thành (410,31 ha) do Công ty CP Đô thị Amata Long Thành đầu tư;

Trong 8 tháng đầu năm 2023, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh thu hút FDI được hơn 800 triệu USD, vượt kế hoạch năm 14% (tương đương hơn 100 triệu USD). Trong đó, cấp mới 44 dự án với vốn đăng ký hơn 240 triệu USD và 66 dự án tăng vốn thêm gần 568 triệu USD.

Đơn cử như dự án của Công ty Kingfa Science & Technology Vietnam, vốn đăng ký 80 triệu USD; dự án sản xuất của Công ty TNHH Evertie Lighting Việt Nam ở KCN Nhơn Trạch VI có vốn đăng ký 27 triệu USD; dự án Nhà máy Asia Blending thuộc KCN An Phước 12 triệu USD; Dự án Nhà máy APVN Sealing tại KCN Hố Nai hơn 10 triệu USD;...

Nhật Minh

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên