Vượt dự đoán: Việt Nam thành 'người chơi lớn' trong lĩnh vực tạo địa chấn toàn cầu, có khả năng định hình cục diện
Shell cho biết họ đã chứng kiến "sự tăng trưởng vượt bậc" trên thị trường này trong 2 tháng qua và một trong những động lực chính cho bước tiến đó đến từ Việt Nam.
- 05-10-2023Rộng gấp 22 lần quận Hoàn Kiếm, huyện sắp "hóa rồng" có gì đặc biệt bậc nhất thủ đô?
- 04-10-2023Có đến 28% hộ gia đình đang gặp khó khăn về tài chính
- 04-10-2023Bộ Công Thương phê duyệt khung giá phát điện năm 2023
'Người chơi lớn' với sức ảnh hưởng mạnh
Bất chấp những dự đoán không mấy khả quan và những nghi ngại do rào cản về giá cả, cũng như khả năng ký hợp đồng mua bán dài hạn, Việt Nam đang trên đà trở thành "người chơi lớn" trên thị trường Khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) toàn cầu.
Chuyên gia phân tích James Hyerczyk của Fxempire (cổng thông tin tài chính toàn cầu có trụ sở tại Israel) cho biết, ông tin tưởng vào khả năng trên do quy hoạch Điện VIII được chính phủ Việt Nam phê duyệt gần đây đã đặt ra các mục tiêu đầy tham vọng nhằm tăng cường năng lượng điện gió và khí đốt.
Trước đó, vào ngày 18/7 năm nay, Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) đã hoàn thành việc tiếp nhận gần 70.000 tấn khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) đầu tiên về kho cảng Thị Vải, cho thấy bước tiến quan trọng đối với ngành công nghiệp khí tại Việt Nam nói riêng và ngành công nghiệp năng lượng nói chung.
Với lô hàng này, Việt Nam đã chính thức hòa mình vào xu hướng LNG của thế giới. LNG đang là cái tên gây "địa chấn" trên khắp các châu lục với sức hút được ví như "cơn sốt vàng".
Ông Hyerczyk nhận định, việc Việt Nam thay đổi chiến lược, hướng tới nguồn năng lượng sạch hơn, đồng thời có các cam kết tài chính bền vững để thực hiện mục tiêu này, đã nhấn mạnh vai trò mới nổi của Việt Nam với tư cách là nhà nhập khẩu LNG.
Đáng nói, trong quá trình trở thành nhà nhập khẩu LNG lớn, nhu cầu ngày càng tăng của Việt Nam về khí hóa lỏng có thể trở thành yếu tố thúc đẩy hoặc củng cố cơ cấu giá của LNG trong các khung thời gian khác nhau.
Cụ thể, trong ngắn hạn, sự tập trung trước mắt của Việt Nam vào LNG phần nào phản ánh nhu cầu đối với loại khí này đang gia tăng đáng kể trên toàn cầu. Dự kiến tới năm 2030, LNG sẽ chiếm một phần đáng kể trong chương trình năng lượng của Việt Nam và thay đổi này có thể đẩy giá LNG tăng cao.
Tới năm 2030, các nguồn năng lượng tái tạo như gió và mặt trời dự kiến sẽ đáp ứng gần 31% nhu cầu năng lượng của Việt Nam. Tuy nhiên, vai trò của LNG tiếp tục được duy trì. Nhu cầu LNG trong dài hạn, cùng với các khoản đầu tư lớn của Việt Nam, có khả năng sẽ góp phần thúc đẩy giá LNG toàn cầu ở mức cao trong trung hạn.
Vào năm 2025, ngay cả khi Việt Nam đầu tư mạnh vào các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng gió, LNG vẫn được kỳ vọng sẽ đóng vai trò là nguồn thay thế đáng tin cậy, sạch hơn than, từ đó duy trì vai trò quan trọng trong động lực năng lượng toàn cầu và giữ giá ổn định trong dài hạn.
Điểm sáng trên thị trường LNG
CNBC dẫn lời chuyên gia nhận định, các nước Đông Nam Á dự kiến sẽ là động lực chính cho thị trường LNG vào năm 2030.
Giao dịch thương mại khí tự nhiên hóa lỏng trên toàn cầu đã tăng lên mức kỷ lục trong năm 2022, chủ yếu do nhu cầu tăng vọt từ châu Âu nhằm giảm phụ thuộc vào nguồn cung từ Nga. Tuy nhiên, nhu cầu LNG của châu Âu dự kiến sẽ sụt giảm trong vài năm tới.
Ông Tony Regan, trưởng bộ phận khí đốt châu Á-Thái Bình Dương của NexantECA (công ty tư vấn về năng lượng và lọc dầu) cho biết, nhu cầu LNG từ châu Âu dự kiến sẽ đạt đỉnh vào năm 2027, trước khi giảm vào năm 2030. Và khi đó, "Đông Nam Á, nhất là Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, sẽ là động lực tăng trưởng".
Dự báo tới năm 2033, nhu cầu LNG ở Đông Nam Á là 73 triệu tấn/năm, chiếm 12% thị trường LNG toàn cầu và tăng gấp 4 lần so với năm 2022.
Đặc biệt, theo ông Regan, Việt Nam là điểm sáng trên thị trường LNG. Đồng quan điểm với ông Hyerczyk , ông Regan cũng dự đoán nhu cầu LNG của Việt Nam sẽ tăng mạnh trong vài năm tới sau Quy hoạch điện VIII.
Trung tâm Chính sách Năng lượng Toàn cầu của Đại học Columbia cho biết, Việt Nam được coi là thị trường tăng trưởng LNG quan trọng, do có mức gia tăng dân số và phát triển kinh tế mạnh mẽ. Hai yếu tố này dự kiến sẽ thúc đẩy nhu cầu năng lượng của Việt Nam.
S&P Global ước tính GDP của Việt Nam sẽ tăng từ 327 tỷ USD vào năm 2022 lên 760 tỷ USD vào năm 2030.
Theo dự báo của công ty phân tích và tư vấn Mordor Intelligence, thị trường LNG toàn cầu được sẽ tăng giá trị từ 74,60 tỷ USD vào năm 2023 lên 103,41 tỷ USD vào năm 2028.
Tập đoàn năng lượng khổng lồ Shell cho biết họ đã chứng kiến "sự tăng trưởng vượt bậc" trên thị trường LNG trong 2 tháng qua và nhấn mạnh có 3 quốc gia là động lực chính cho sự tăng trưởng này, hai trong số đó đến từ Đông Nam Á.
Tại hội nghị Gastech gần đây được tổ chức tại Singapore, Phó chủ tịch điều hành của Shell Energy, Steve Hill cho biết: "Chúng tôi đã cung cấp sản phẩm cho ba quốc gia mới là Đức, Việt Nam và Philippines, tất cả đều là những thị trường LNG rất tiềm năng ".
"Các thị trường này đã phá vỡ thách thức trong việc nhập khẩu LNG và hiện nắm giữ tiềm năng tăng trưởng lớn này" , ông Hill nói, đồng thời nhấn mạnh rằng các quốc gia này gần đây đã nhận được lô hàng LNG đầu tiên, củng cố thêm bước tiến cho tham vọng LNG của họ.
Trước đó, hãng tin Reuters cho rằng Việt Nam đang 'đánh cược vào LNG' và đưa ra nhận định không mấy lạc quan về khả năng Việt Nam có thể duy trì mục tiêu đề ra do những thách thức về giá cả, cũng như việc thiếu hợp đồng cung cấp dài hạn.
Tuy nhiên, hãng tin Sputnik cho rằng Việt Nam đang trở thành thị trường màu mỡ và đầy tiềm năng cho các nhà cung cấp khí. Việt Nam hoàn toàn có khả năng nhập khẩu LNG từ Mỹ, Australia, Qatar. Về dài hạn, Việt Nam có thể cân nhắc nhập khẩu thêm LNG từ Nga và các nước Trung Đông để đảm bảo nguồn cung.
Hiện tại, ít nhất 2 tập đoàn lớn, bao gồm NOVATEK (Nga) và ExxonMobil (Mỹ) đã làm việc với Tổng công ty Khí Việt Nam (PV Gas) để tìm kiếm cơ hội cung cấp LNG cho Việt Nam.
Nhịp sống thị trường