Khu vực đi sau gần 30 năm trở thành đô thị trọng điểm với loạt dự án nghìn tỷ
Khu Nam Thành phố Hồ Chí Minh (TP. HCM) được phê duyệt quy hoạch vào năm 1994 với diện tích 2.975 ha. Sau gần 30 năm, nơi đây dần trở thành đô thị trọng điểm với loạt dự án nghìn tỷ.
- 21-10-2022Tỉnh có số khu công nghiệp đang hoạt động nhiều nhất cả nước
- 20-10-2022Tỉnh nào có cảng container đứng thứ 11 danh sách cảng tốt nhất thế giới?
- 20-10-2022Thành phố trực thuộc tỉnh đông dân nhất Việt Nam và nút thắt hạ tầng
Đồ hoạ: Tuệ Nhật
Khu đô thị mới Nam TP. HCM được chính quyền phê duyệt quy hoạch vào năm 1994, với quy mô 2.965 ha, gồm phần đất thuộc địa bàn các quận 7, 8 và huyện Bình Chánh dọc theo trục đường Nguyễn Văn Linh. Khu Nam được định hướng trở thành khu đô thị mới đa chức năng gồm trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ, công nghiệp sạch, văn hoá, giáo dục… đồng thời giữ gìn thiên nhiên đặc trưng miền sông nước vốn có. Quy mô dân số dự kiến của khu này đến năm 2020 là 500.000 người.
Là cửa ngõ phía Nam của TP, cơ sở hạ tầng của khu Nam được đầu tư tương đối hoàn chỉnh. Sự phát triển của khu đô thị mới này bắt đầu từ năm 1996, khi tập đoàn Phú Mỹ Hưng đầu tư xây dựng đại lộ Nguyễn Văn Linh. Với tổng vốn đầu tư 100 triệu USD, dài gần 18 km, con đường huyết mạch này đã kết nối hệ thống giao thông các quận cũng như giữa TP. HCM và các tỉnh ĐBSCL. Vào năm 2022, đại lộ được mở rộng từ 6 lên 10 làn xe, góp phần xóa bỏ các điểm đen ùn tắc.
Ở huyện Bình Chánh, dự án BOT đường Võ Văn Kiệt dẫn vào cao tốc TP. HCM - Trung Lương (nay là đường Võ Trần Chí) được khởi công từ năm 2015, vốn đầu tư 1.557 tỷ đồng. Tổng chiều dài đoạn đường là 2,7 km, gồm 2 đường song hành 2 bên theo tiêu chuẩn đường đô thị, mỗi đường có một làn xe hỗn hợp và một làn ô tô. Đầu tuyến, nhà đầu tư sẽ hoàn thiện nút giao với quốc lộ 1 - Võ Văn Kiệt theo quy hoạch, còn cuối tuyến sẽ xây mới nút giao Tân Kiên và cầu vượt.
Bên cạnh đó, nhiều tuyến đường được mở rộng, xây mới, đơn cử là quốc lộ 50. Tuyến huyết mạch này dài 88 km, bắt đầu từ cầu Nhị Thiên Đường (quận 8) chạy qua huyện Cần Giuộc (Long An), điểm cuối tại Lộ Dừa (Tiền Giang). Tuy vậy, đoạn qua TP. HCM tương đối nhỏ hẹp, xe đông, đặc biệt đường dẫn vào khu liên hợp xử lý rác thải Đa Phước nên thường xuyên ùn tắc, tai nạn. Dự án mở rộng sẽ giúp đi lại, vận chuyển hàng hóa thuận tiện hơn, góp phần giải quyết áp lực giao thông khu vực cửa ngõ phía Nam thành phố.
Ngoài ra, công trình “khủng” 31.320 tỷ đồng giúp TP. HCM kết nối liên vùng (cao tốc Bến Lức - Long Thành) đang được gấp rút triển khai. Con đường dài 57,8 km, được thiết kế với 4 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp, vận tốc xe chạy lên đến 100 km/h. Đoạn từ Bến Lức (Long An) đến Hiệp Phước, Nhà Bè (TP. HCM) dài khoảng 20 km đã thành hình, một số đoạn đã được trải nhựa, nhiều cầu được bắc qua các sông rạch.
Hệ thống cầu đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối khu Nam với các quận trong thành phố. Trong ảnh là cầu Nguyễn Văn Cừ bắc qua ngã ba Kênh Tàu Hủ - Bến Nghé, Kênh Đôi, Kênh Tẻ. 3 nhánh của cầu kết nối các quận 4, 5, 8, 1 với quận 7.
Được định vị trở thành đặc khu kinh tế ở phía Nam, khu Nam TP. HCM đã đẩy mạnh phát triển cảng biển và hoạt động thương mại. Hiện, khu Nam sở hữu 2 khu công nghiệp tầm cỡ gồm khu đô thị - cảng Hiệp Phước, đô thị cảng biển lớn bậc nhất Đông Nam Á với quy mô hơn 3.900 ha và khu chế xuất Tân Thuận 300 ha.
Ngoài ra, riêng huyện Bình Chánh cũng đã sở hữu 4/10 khu công nghiệp có quy mô lớn bậc nhất TP. HCM, gồm: KCN Lê Minh Xuân và Lê Minh Xuân mở rộng (quy mô hơn 800 ha), KCN Phạm Văn Hai (quy mô gần 700 ha, KCN Vĩnh Lộc và Vĩnh Lộc mở rộng (quy mô 500 ha), KCN An Hạ (quy mô hơn 150 ha). Trong ảnh là khu công nghiệp Lê Minh Xuân.
Về bất động sản, đất ở khu Nam TP. HCM chưa bao giờ hết “nóng”. Năm 2008, Phú Mỹ Hưng là khu đô thị đầu tiên của cả nước được Bộ Xây dựng công nhận đạt chuẩn khu đô thị kiểu mẫu. Từ khi thành lập, khu đô thị này trở thành hạt nhân trong sự phát triển của Quận 7 và khu Nam thành phố. Hiện đây là nơi sinh sống của hơn 35.000 cư dân với không gian sống thoải mái và đầy đủ tiện nghi.
Bên cạnh Phú Mỹ Hưng, hàng loạt tên tuổi lớn trong nước như NovaLand, Hưng Thịnh, Him Lam… đã tận dụng khai thác nguồn lợi này, khiến thị trường bất động sản khu Nam trở nên sôi động. Trong đó, dọc đường Nguyễn Hữu Thọ quy tụ hơn 40 bất động sản “khủng”, còn mức giá các dự án dọc đường Nguyễn Văn Linh hiện đã tăng khoảng 30-40% so với đầu năm 2020.
Dự án Mizuki Park (xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh) quy mô 26 ha của Tập đoàn Nam Long nằm trên trục Nguyễn Văn Linh mới bàn giao khoảng 1.500 sản phẩm. Giá bán một căn hộ chung cư ở đây dao động từ 40-50 triệu đồng/m2. Mới đây, dự án cũng tung ra giai đoạn 2 gồm 3 block căn hộ công viên kênh đào Flora Mizuki MP6 - MP7 - MP8 với giá tầm 40 triệu đồng/m2.
Khu Nam TP. HCM còn thu hút nhiều người bởi các sản phẩm bất động sản ở đa dạng phân khúc từ bình dân đến cao cấp. Trong ảnh là khu dân cư Trung Sơn (xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP. HCM) với tổng diện tích xây dựng chiếm 32%, phần còn lại dành cho kiến trúc cảnh quan và giao thông.
Nhiều công trình giáo dục, y tế được đưa vào hoạt động. Trong ảnh là Cụm Y tế kỹ thuật cao Tân Kiên với quy mô 74 ha. Hiện tại ở giai đoạn 1, Bệnh viện Nhi đồng thành phố đã được đưa vào vận hành từ năm 2018. Bệnh viện Truyền máu Huyết học cũng đã chính thức hoạt động từ tháng 7/2021. Còn Trung tâm Xét nghiệm y khoa thuộc trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch - trung tâm xét nghiệm hiện đại lớn nhất cả nước đã được khởi công xây dựng từ tháng 3/2019.
Ngoài ra, các dự án công cộng cũng được phát triển song song với hạ tầng giao thông. Trong ảnh là cầu Ánh Sao. Cây cầu được khởi công xây dựng vào tháng 5/2009, bề mặt cầu rộng 8,3 m, chiều dài 170 m. Được thiết kế với hệ thống đèn led chiếu ngược, tạo cảm giác như đang bước đi trên các vì sao lấp lánh, cây cầu thu hút nhiều người đến vui chơi, check-in vào cuối tuần.
Nhịp sống thị trường