MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khủng hoảng chip trầm trọng, chỉ cần công ty này "hắt hơi, sổ mũi" cả thế giới sẽ "khó thở"

16-03-2021 - 21:26 PM | Thị trường

Công ty này chiếm 50% doanh thu ngành sản xuất vật liệu bán dẫn - vật liệu không thể thiếu trên mọi thiết bị điện tử.

Đài Loan đang trở thành tâm điểm của giới công nghệ trong bối cảnh thế giới thiếu hụt trầm trọng vật liệu bán dẫn khiến một vài nhà sản xuất ô tô phải đình chỉ sản xuất.

Các quốc gia như Mỹ, Đức kêu gọi Đài Loan giúp sức, tăng cường sản xuất chip. Cuộc khủng hoảng chip xảy ra khi nhu cầu cho các thiết bị điện tử tăng cao trong đại dịch, đồng thời bị đẩy xa hơn nữa khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump gây ra cuộc chiến thương mại với Trung Quốc.

Khủng hoảng chip trầm trọng, chỉ cần công ty này hắt hơi, sổ mũi cả thế giới sẽ khó thở - Ảnh 1.

Thị phần sản xuất vật liệu bán dẫn toàn cầu năm 2020. Ước tính, doanh thu ngành này năm 2020 đạt 85,13 tỷ USD. Số liệu: TrendForce.

Đài Loan thống trị thị trường sản xuất và gia công chất bán dẫn. Các hợp đồng sản xuất của họ chiếm hơn 60% doanh thu toàn thị trường vào năm ngoái, theo số liệu của hãng nghiên cứu thị trường TrendForce.

Sự thống trị của Đài Loan có được nhờ vào TSMC (Taiwan Semiconductor Manufacturing Co) – hãng sản xuất vật liệu bán dẫn lớn nhất thế giới. Công ty này chính là đối tác của các ông lớn như Apple, Qualcomm, Nvidia. TSMC chiếm 45% tổng doanh thu ngành này trên toàn cầu.

Vật liệu bán dẫn là thành phần tối quan trọng trên các thiết bị điện tử, từ máy tính, smartphone cho đến cảm biến phanh trên ô tô. Quá trình sản xuất các con chip yêu cầu một mạng lượng phức tạp các công ty từ thiết kế, sản xuất, cung cấp công nghệ, nguyên liệu cho đến máy móc.

TSMC tập trung chủ yếu vào sản xuất và trở thành địa chỉ buộc phải ghé qua của các công ty bán dẫn – Dan Wang – nhà phân tích của hãng nghiên cứu thị trường Gavekal cho biết.

"Với TSMC, việc sản xuất đến 50% lượng vật liệu bán dẫn toàn cầu vẫn chưa thể hiện hết tầm quan trọng của họ. Đơn giản bởi họ đang sản xuất những con chip quan trọng nhất ngoài kia", Wang nói.

Các nhà thiết kế và sản xuất vật liệu bán dẫn đang nghiên cứu để làm các con chip nhỏ hơn và tốt hơn. Hiện tại, TSMC và đối thủ Samsung là 2 nhà sản xuất duy nhất có thể tạo ra các con chip kích thước 5 nm tiên tiến nhất. TSMC thậm chí đang đẩy nhanh việc sản xuất chip 3 nm, dự kiến bắt đầu vào năm 2022.

Một vài quốc gia đang muốn đẩy mạnh việc tự sản xuất vật liệu bán dẫn, trong đó có Trung Quốc. Tuy nhiên, họ gặp trở ngại nghiêm trọng do lệnh cấm từ Mỹ. Năm ngoái, chính quyền Tổng thống Donald Trump đưa SMIC – công ty sản xuất chip lớn nhất của Trung Quốc – vào danh sách "mối nguy quốc gia", khiến họ không thể tiếp cận công nghệ và máy móc cần thiết.

SMIC là nhà sản xuất vật liệu bán dẫn lớn thứ 5 thế giới trong năm 2020, tính theo doanh thu, sau TSMC, UMC, Samsung và GlobalFoundries.

Khủng hoảng chip trầm trọng, chỉ cần công ty này hắt hơi, sổ mũi cả thế giới sẽ khó thở - Ảnh 2.

TSMC vượt quá xa các đối thủ về doanh thu.

"Mục tiêu ngay lúc này của họ là đuổi kịp các công ty như TSMC, Samsung và Intel", Paul Triolo thuộc tập đoàn tư vấn rủi ro Aurasia nói. "Vấn đề là SMIC gặp phải lúc này là tình thế tiến thoái lưỡng nan khi chính phủ Mỹ đưa họ vào danh sách đen. SMIC đã bị cắt đứt đường tiến lên, ít nhất là vào lúc này. Chẳng hạn, họ không thể mua các trang bị cao cấp từ ASML – một công ty của Hà Lan".

ASML tạo ra cái gọi là thiết bị in thạch bản cực tím, được sử dụng để sản xuất các con chip tiên tiến nhất, chẳng hạn chip do TSMC và Samsung sản xuất. Năm ngoái, chính quyền ông Trump đã gây áp lực buộc chính phủ Hà Lan phải dừng việc bán thiết bị cho SMIC.

Nhưng ngay cả khi tiếp cận được với thiết bị của ASML, SMIC cũng phải mất nhiều năm để có thể sản xuất các con chip cao cấp với số lượng lớn, Triolo kết luận. Cho đến khi đó, TSMC vẫn giữ vị trí thống lĩnh trên thị trường.

"TSMC đơn giản là kẻ thống trị. Nó không còn chứng kiến sự cạnh tranh ở phân khúc cao cấp. Sẽ mất thời gian để các đối thủ có thể đuổi kịp", Wang của hãng nghiên cứu thị trường Gavekal khẳng định.

Tham khảo nguồn: CNBC

Đức Nam

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên