MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khủng hoảng của nhân viên pha chế: Mọi hành động đều bị camera giám sát, pha muộn vài giây sẽ bị trừ lương, da tay tổn thương nghiêm trọng

12-11-2024 - 16:30 PM | Tài chính quốc tế

Khủng hoảng của nhân viên pha chế: Mọi hành động đều bị camera giám sát, pha muộn vài giây sẽ bị trừ lương, da tay tổn thương nghiêm trọng

Nhiều nhân viên pha chế đang phải làm việc đến kiệt sức.

Mồ hôi chảy dài trên khuôn mặt Ke Hui trong khi tiếng máy báo đơn kêu liên hồi. Mới chỉ 8:30 sáng, anh thanh niên đã phải chật vật kiểm từng túi hàng, sau đó tức tốc pha trong 2 phút để kịp trả khách. Mọi hành động đều bị camera giám sát quay lại. Bất kỳ sự chậm trễ nào cũng có thể dẫn đến việc bị khiển trách — hoặc tệ hơn là cắt giảm lương.

Đối với hàng ngàn công nhân trong ngành công nghiệp đồ uống đang bùng nổ tại Trung Quốc, đây chính là công việc hàng ngày.

“Tôi cảm thấy như tất cả chúng tôi đang ở trên dây vậy”, Ke, 25 tuổi, đang làm việc tại Luckin Coffee, nói với Sixth Tone. “Chúng tôi muốn phục vụ tốt tất cả khách hàng, nhưng khối lượng công việc của mỗi người quá sức.”

Thị trường đồ uống pha sẵn của Trung Quốc đã tăng trưởng nhanh chóng và vượt qua mốc 260 tỷ nhân dân tệ (36,8 tỷ USD) vào năm 2023 — tăng 22,8% so với năm trước. Đến giữa năm 2024, hơn 70.000 thương hiệu đang cạnh tranh để giành thị phần, cung cấp nhiều loại đồ uống bao gồm cà phê, trà, sữa chua và nước trái cây. Các chuỗi như Mixue Ice Cream & Tea, Luckin Coffee, Good Me và Cotti Coffee dẫn đầu về số lượng cửa hàng.

Những thương hiệu giá rẻ này đã áp dụng mô hình hợp lý hóa: cung cấp thực đơn giới hạn trong các cửa hàng nhỏ gọn, mở rộng nhanh chóng và giữ giá ở mức cực thấp, dao động cà phê từ 10 đến 22 nhân dân tệ (1,42 đến 3,11 USD), còn trà chỉ khoảng 6 nhân dân tệ.

Vô số cơ hội việc làm đã được mở ra, song việc chạy theo lợi nhuận và hiệu quả đã ảnh hưởng đến phúc lợi của người lao động. Vào tháng 6, một nhân viên pha chế ở Thượng Hải ném bã cà phê vào một khách hàng sau một vài tranh chấp. Một nhân viên pha chế khác ở Thượng Hải cũng đã xô xát với một khách hàng sau khi người này phàn nàn về về thời gian chờ quá lâu. Cuối tháng 9, một quảng cáo video lan truyền từ chuỗi cửa hàng trà sữa Good Me cho thấy các nhân viên còn bị bêu xấu công khai vì những lỗi như quên ống hút hoặc không thêm trân châu.

Sự việc gây ra cuộc tranh luận rộng rãi trên mạng xã hội. Một số người chỉ trích hành động của các nhân viên pha chế, trong khi đa số lại thông cảm với nỗi vất vả của họ. Hashtag “Luckin Slave”, một thuật ngữ được nhân viên Luckin Coffee sử dụng để mô tả môi trường làm việc căng thẳng, đã thu hút hơn 11 triệu lượt xem trên ứng dụng Xiaohongshu.

“Giá bán lẻ đồ uống cà phê và trà đang giảm do cuộc chiến giá cả”, Wang Zhendong, chủ tịch một công ty tư vấn ngành cà phê, cho biết. “Áp lực này đang được chuyển trực tiếp sang các nhân viên tuyến đầu”.

Chia sẻ với Sixth Tone, Ke Hui cho biết anh đã dành hơn 3 năm làm phó quản lý tại một cửa hàng Luckin Coffee ở Tế Nam, thủ phủ tỉnh Sơn Đông. Nhiệm vụ cũng giống như bất kỳ nhân viên bình thường nào khác: pha cà phê, đóng đơn, dọn dẹp…

“Mệt mỏi nhất là vào mỗi buổi sáng, giờ ăn trưa và giờ cao điểm buổi tối”, Ke cho biết.

Nằm trong một khu thương mại sầm uất, mỗi sáng, cửa hàng cà phê này lại ghi nhận hơn 200 đơn chỉ trong vòng 30 phút. Năm máy pha tự động cùng 2-4 nhân viên có thể  làm tới 500 cốc mỗi ngày. Theo các chuyên gia trong ngành, các thương hiệu xác định chất lượng nhân viên dựa trên số liệu năng suất và mục tiêu doanh thu.

“Khi chúng tôi đánh giá nhân viên, cụ thể là hiệu quả làm việc của họ, chúng tôi có xu hướng đánh giá tổng sản lượng”, Wang giải thích. “Tuy nhiên, trải nghiệm làm việc thực tế của nhân viên có thể phản ánh nhiều hơn vào thời điểm cao điểm, bận rộn nhất”.

Một nhân viên pha chế của Manner Coffee, chuỗi cà phê phát triển nhanh, nói với China Youth Daily rằng việc tuyển dụng nhân viên thường gắn liền với doanh thu của cửa hàng.

“Cứ mỗi 2.000 nhân dân tệ doanh số tăng thêm, một nhân viên sẽ được tuyển mới”, người này nói.

Tại Luckin Coffee, chuỗi cà phê hàng đầu của đất nước, hiệu suất là yếu tố tối quan trọng. “Tỷ lệ đúng giờ” — một chỉ số quan trọng — tác động rõ ràng đến mức lương của nhân viên toàn thời gian, thường dao động từ 3.000 đến 4.000 nhân dân tệ một tháng đối với nhân viên pha chế và lên đến 10.000 nhân dân tệ đối với quản lý cửa hàng. Tại cửa hàng của Ke, mỗi đồ uống phải được pha chế trong vòng 2 phút, bất kể có bao nhiêu đồ uống trong một đơn hàng. Các đơn hàng “đúng giờ” phải chiếm 90% tổng số hàng ngày.

Theo Ke, năm nay Luckin Coffee đã thêm “tỷ lệ giao hàng trễ” cho các đơn hàng mang đi để đánh giá hiệu suất. Nếu hơn 1% đơn hàng mang đi bị giao trễ, nhân viên có thể mất tới 20% tiền lương.

Vào giờ cao điểm, việc đáp ứng “mục tiêu đúng giờ” gần như là không thể khi đơn hàng ồ ạt đổ về.

“Chúng tôi đặt mục tiêu pha chế đồ uống trong vòng 30 giây vì mọi thứ ở Luckin đều hướng đến sự hiệu quả”, Ke giải thích. “Nhưng chúng tôi không thể theo kịp tốc độ vào giờ cao điểm”.

Để lách luật, một số nhân viên pha chế đã lén đánh dấu đơn hàng hoàn thành dù cho chúng chưa được pha chế xong.

“Điều này làm khách hàng khó chịu và chúng tôi cũng thấy thất vọng”, Ke nói. “Nhưng nếu chúng tôi không quét sớm, chúng tôi có nguy cơ mất tiền lương”.

Tại Manner Coffee, thời gian pha chế không nghiêm ngặt như Luckin, song nhân viên cũng phải pha chế trong vòng 30 giây vào giờ cao điểm. Việc Manner phụ thuộc vào máy bán tự động khiến việc này thậm chí còn khó khăn hơn.

“Bao bì cũng rất phiền phức,” một nhân viên của Manner nói. “Vào mùa đông, chúng tôi bọc đồ uống bằng giấy bạc; vào thời tiết mưa, chúng tôi sử dụng túi chống thấm nước. Việc gấp hộp sẽ mất thêm thời gian”.

Không chỉ đối mặt với vấn đề thời gian, nhân viên các chuỗi cà phê này còn phải chịu đựng tình trạng tay thô ráp, nứt nẻ do rửa quá thường xuyên.

“Chúng tôi dành ít nhất năm giờ mỗi ngày để dọn dẹp”, Ke nói. “Nước khử trùng, được thay sau mỗi 30 phút, có thể gây hại cho da. Hầu hết chúng tôi đều bị bong tróc da tay vì chất khử trùng quá mạnh. Găng tay giúp ích, nhưng đeo cả ngày thì không thoải mái”.

Vất vả là vậy, song mức thu nhập hiện nay bị cho là không xứng đáng. Các nhân viên pha chế kiếm được ít hơn đáng kể so với năm 2021.

“Vào thời điểm tốt nhất, những nhân viên pha chế mới được tuyển dụng dễ dàng kiếm được 5.000 đến 6.000 nhân dân tệ sau thuế. Bây giờ, con số này đã giảm khoảng 500 đến 1.000 nhân dân tệ”, một chuyên gia trong ngành nói. Mức lương và giờ làm việc phụ thuộc vào địa điểm, thương hiệu và chức danh.

Chẳng hạn, một nhân viên pha chế bán thời gian tại chuỗi cà phê Nowwa ở thành phố Hạ Môn phía đông chỉ kiếm được 22 nhân dân tệ một giờ cho ca làm việc 6 giờ, trong khi một quản lý tại chuỗi trà sữa Good Me ở thành phố Hàng Châu làm việc 10 giờ một ngày với mức lương hàng tháng là 6.000 nhân dân tệ. Ở thành phố Sán Đầu phía nam, nhân viên tại chuỗi trà sữa Coco có thể làm việc 13 giờ một ngày với mức lương khoảng 5.000 nhân dân tệ một tháng.

“Trên thực tế, nhân viên bán thời gian thường được sử dụng như những người làm việc toàn thời gian”, một người cho biết.

Theo Liao Mingzong, một chuyên gia luật lao động tại Deheng Law Offices ở thành phố Thâm Quyến, người lao động, bao gồm cả người làm bán thời gian, có thể kháng cáo lên cơ quan pháp lý nếu bị buộc phải làm thêm giờ mà không được trả lương. Wang Wei, phó giáo sư tại Đại học Bắc Kinh ở Bắc Kinh, cảnh báo việc sử dụng lao động bán thời gian tràn lan có thể dẫn đến tình trạng lực lượng lao động kém ổn định và không công bằng.

Theo: Sixth Tone

Theo Vũ Anh

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên