Khủng hoảng đất đe dọa thế giới
Theo Công ước Liên Hiệp Quốc (LHQ) về chống sa mạc hóa, tình trạng suy thoái đất có thể gây thiệt hại tổng cộng 23.000 tỉ USD trên toàn thế giới đến năm 2050.
- 06-06-2022Năng lượng vô hạn, không ô nhiễm và an toàn nhất thế giới: Giấc mơ viển vông về “mặt trời nhân tạo” đang trở thành sự thật
- 05-06-2022Mặt trái phũ phàng của loại năng lượng ca ngợi như “thần dược”: Cơ hội cứu vãn thế giới hay niềm tin lầm lạc?
- 02-06-2022Sâu thẳm dưới đại dương, một nguồn năng lượng chỉ chờ được khai thác, mở ra giấc mơ về nguồn năng lượng vĩnh cửu
"Trong 10 mối đe dọa liên quan đến đất được chúng tôi xác định trong báo cáo toàn cầu, xói mòn đất là mối đe dọa lớn nhất vì nó đang xảy ra khắp nơi" - ông Ronald Vargas, một quan chức của Tổ chức Nông Lương LHQ, khẳng định với đài CNBC ngày 5-6.
Theo LHQ, xói mòn đất có thể làm giảm 10% năng suất cây trồng đến năm 2050, tương đương với việc hàng triệu mẫu đất canh tác bị loại bỏ. Mất đất cũng đồng nghĩa nguồn cung thực phẩm, nước sạch và đa dạng sinh học bị đe dọa.
Chưa hết, đất đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. "Đất là môi trường sống của hơn 25% đa dạng sinh học trên hành tinh. Mỗi gram đất chứa hàng triệu tế bào vi khuẩn và nấm có vai trò then chốt trong mọi hệ sinh thái" - chuyên gia Reza Afshar của Viện Nghiên cứu Rodale (Mỹ), khẳng định.
Biến đổi khí hậu có thể làm trầm trọng thêm tình trạng suy thoái tài nguyên, kể cả đất Ảnh: REUTERS
Trong một nỗ lực nhằm ứng phó biến đổi khí hậu, đại diện từ gần 200 quốc gia đã tập trung tại TP Bonn - Đức vào ngày 6-6 để tái khẳng định tầm quan trọng của cuộc chiến vốn đang bị xung đột Nga - Ukraine che mờ.
Hội nghị Chống biến đổi khí hậu Bonn, kéo dài đến ngày 16-6, sẽ tạo tiền đề cho Hội nghị LHQ về Biến đổi khí hậu lần thứ 27 (COP27) ở Ai Cập vào cuối năm nay. Đây cũng là dịp để cộng đồng quốc tế kiểm tra quyết tâm của các nước giữa lúc diễn ra một loạt khủng hoảng, gồm căng thẳng địa chính trị, xung đột Nga - Ukraine, nguy cơ thiếu lương thực trầm trọng...
Với tốc độ phát thải hiện tại, thế giới nhiều khả năng không thể hoàn thành mục tiêu đề ra trong Thỏa thuận Paris năm 2015, tức nhiệt độ toàn cầu vào cuối thế kỷ này chỉ tăng từ 1,5-2 độ C so với mức trung bình thời kỳ tiền công nghiệp.
Thế giới đến nay đã ấm lên gần 1,2 độ C - đủ để gây ra các đợt lũ lụt và nắng nóng chết người. "Biến đổi khí hậu không phải là một chương trình nghị sự mà chúng ta có thể trì hoãn" - Thư ký điều hành Công ước khung LHQ về biến đổi khí hậu Patricia Espinosa nhấn mạnh trước phiên họp ở Bonn.
NLĐ