MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khủng hoảng điện Trung Quốc leo thang

16-10-2021 - 16:01 PM | Tài chính quốc tế

Khủng hoảng điện Trung Quốc tồi tệ hơn vào ngày 15-10 khi thời tiết lạnh giá bao phủ phần lớn đất nước, còn các nhà máy điện ráo riết tìm nguồn cung than đá, khiến giá nhiên liệu tăng chưa từng thấy.

Giá than nhiệt giao tháng 1 trên sàn giao dịch Trịnh Châu đã chạm mốc kỷ lục 259,42 USD/tấn vào đầu ngày 15-10, sau khi tăng hơn 200% trong năm nay.

Nhu cầu sử dụng điện để sưởi ấm nhà cửa và văn phòng tại Trung Quốc dự kiến tăng mạnh vào tuần này, khi nhiệt độ một vài khu vực ở miền Trung và miền Đông nước này có thể giảm 16 độ C trong 2-3 ngày tới.

Cùng với tình trạng thiếu than đá và giá nhiên liệu cao kỷ lục, nhu cầu tăng đột biến sau đại dịch của các ngành công nghiệp đã đẩy Trung Quốc vào một cuộc khủng hoảng điện chưa từng có.

Nhằm kiềm chế giá than, Bắc Kinh đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó có tăng nguồn cung nội địa và cắt điện luân phiên diện rộng.

Reuters mới đây dẫn một số nguồn thạo tin cho biết ít nhất 5 công ty năng lượng lớn của Trung Quốc, bao gồm Sinopec Corp và Tổng Công ty Dầu khí Hải dương (CNOOC), đang đẩy nhanh đàm phán với các nhà cung cấp Mỹ để bảo đảm nguồn cung khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) dài hạn.

Khủng hoảng điện Trung Quốc leo thang - Ảnh 1.

Người dân đi bộ bên sông Hoàng Phố gần một nhà máy nhiệt điện ở TP Thượng Hải, Trung Quốc hôm 14-10. Ảnh: REUTERS

Cú sốc giá nhiên liệu đã đẩy chi phí sản xuất hàng hóa ở Trung Quốc tăng chóng mặt, làm dấy lên nỗi lo về lạm phát kèm suy thoái đối với quốc gia này.

Theo số liệu được chính phủ Trung Quốc công bố hôm 14-10, chỉ số chi phí sản xuất nhằm đo lường giá hàng hóa bán cho doanh nghiệp đã tăng 10,7% trong tháng 9 so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng nhanh chưa từng có kể từ năm 1996.

Dữ liệu của chính phủ Trung Quốc cho thấy chi phí nhiên liệu thô gia tăng đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi nhuận của các công ty - một vấn đề có thể buộc họ cắt giảm sản lượng hoặc thậm chí là lao động. Tình trạng giá cả leo thang trong lúc sản xuất chậm lại của nền kinh tế số 2 thế giới có thể gia tăng sức ép lên các chuỗi cung ứng đang "căng như dây đàn" trên toàn cầu, theo các nhà phân tích của công ty Citi (Mỹ).

Giá than đá và khí đốt tăng phi mã đã khiến giá dầu mỏ tiếp tục tăng vào ngày 15-10 để hướng đến mức tăng hơn 3% trong tuần này. Hợp đồng dầu thô Brent chuẩn toàn cầu giao trong tương lai có thời điểm tăng lên ngưỡng 84,84 USD/thùng - mức cao kỷ lục kể từ tháng 10-2018.

Theo Cao Lực

Người Lao động

Trở lên trên