Khủng hoảng Evergrande chưa qua, Trung Quốc đối mặt với khoản nợ ẩn tương đương hơn 1 nửa GDP cả nước
Các nhà kinh tế của Goldman Sachs viết trong một báo cáo, cho biết tổng lượng nợ của công ty tài chính của chính quyền địa phương (LGFV) Trung Quốc đã tăng lên khoảng 53 nghìn tỷ NDT (8,2 nghìn tỷ USD) vào cuối năm ngoái, từ mức 16 nghìn tỷ NDT vào năm 2013.
- 29-09-2021Cơ hội đầu tư giữa 'cơn bão' khủng hoảng điện: Đâu là nhóm ngành được hưởng lợi nhiều nhất?
- 29-09-2021Bí kíp giúp tiền đẻ ra tiền của gia đình kiếm được 2,6 triệu USD/giờ
Theo các nhà kinh tế của Goldman Sachs, các khoản nợ ẩn của chính quyền địa phương Trung Quốc đã tăng lên mức tương đương hơn 1 nửa quy mô của nền kinh tế. Theo đó, nhóm nhà kinh tế nhận định, chính quyền nước này sẽ phải đưa ra những biện pháp linh hoạt hơn để ứng phó với tình trạng này, khi doanh thu từ hoạt động bán bất động sản đang chậm lại.
Các nhà kinh tế viết trong một báo cáo, cho biết tổng lượng nợ của công ty tài chính của chính quyền địa phương (LGFV) Trung Quốc đã tăng lên khoảng 53 nghìn tỷ NDT (8,2 nghìn tỷ USD) vào cuối năm ngoái, từ mức 16 nghìn tỷ NDT vào năm 2013. Con số này tương đương khoảng 52% GDP và lớn hơn giá trị khoản nợ chưa thanh toán chính thức của chính phủ.
LGFV là phương tiện để chính quyền các địa phương đi vay tiền mà không cần liệt kê trên bảng cân đối kế toán, nhưng được coi như một khoản nợ của chính phủ đối với thị trường tài chính.
Đầu năm nay, một số dấu hiệu đã cho thấy chính phủ Trung Quốc đang tiến hành cắt giảm các khoản nợ này trong bối cảnh nền kinh tế hồi phục. Theo đó, giới chức nước này có nhiều điều kiện hơn để tập trung giải quyết các vấn đề rủi ro tài chính.
Hiện tại, đà tăng trưởng đang đối mặt với nhiều khó khăn bao gồm: tâm lý người tiêu dùng kém lạc quan hơn, cuộc khủng hoảng trên thị trường bất động sản nhà ở khiến nhu cầu đối với đất sụt giảm, thiếu điện và gián đoạn chuỗi cung ứng. Do đó, thị trường đang tìm kiếm những tín hiệu về việc Trung Quốc có thể thay đổi lập trường chính sách cứng rắn đang thực hiện.
Nhà kinh tế Maggie Wei viết trong báo cáo: "Điều cần thiết ở đây là họ cần phát hành thêm trái phiếu chính thức của chính quyền địa phương và tăng tính linh hoạt trong hoạt động tài trợ vốn của chính quyền địa phương để hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế."
Hoạt động bán đất là nguồn thu ngân sách chính của các chính quyền địa phương, song doanh số đang chậm lại khi cuộc khủng hoảng của nhà phát triển China Evergrande đang trở nên tồi tệ hơn. Để bù đắp sự thiếu hụt kinh phí do tình trạng trên, Goldman Sachs nhận định Trung Quốc nên tăng hạn ngạch trái phiếu cho năm 2022 thêm hơn 500 tỷ NDT, từ mức 3,65 nghìn tỷ NDT trong năm nay.
Các khoản nợ phải trả của các LGFV chủ yếu tập trung ở lĩnh vực xây dựng, vận tải và các tập đoàn công nghiệp. 3 ngành này chiếm gần 40% tổng nợ của LFGV. Tỉnh Giang Tô hiện đứng đầu các tỉnh của Trung Quốc về quy mô đi vay, với khoảng 8 nghìn tỷ NDT vào năm 2020.
Trong khi đó, Thiên Tân, Bắc Kinh, Tứ Xuyên, Quý Châu và Cam Túc là các tỉnh có tỷ lệ đòn bẩy cao nhất tính theo sản lượng kinh tế của địa phương. Khoảng 60% trái phiếu do các LGFV phát hành đều được sử dụng để hoàn trả các khoản nợ đáo hạn trong năm 2020-2021 thay vì đầu tư mới.
Trung Quốc hiện chưa có số liệu chính thức về các khoản nợ ẩn của chính quyền địa phương. Do đó, ước tính của các tổ chức khác nhau cũng có sự chênh lệch đáng kể.
Năm 2019, S&P Global Ratings ước tính quy mô của các khoản nợ này là 20 nghìn tỷ NDT, trong khi Rhodium Group dự đoán ở mức 41,2 nghìn tỷ đến 51,7 nghìn tỷ NDT. Theo một tổ chức tư vấn liên kết với chính phủ, Trung Quốc có 14,8 tỷ NDT nợ ẩn vào năm 2020.
Ước tính của Goldman Sachs được thực hiện dựa trên phân tích hơn 2.000 báo cáo về LGFV và các khoản nợ có lãi của họ, bao gồm trái phiếu và các khoản vay ngân hàng.
Tham khảo Bloomberg