MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khủng hoảng giá heo: Thái Lan, Trung Quốc mất 3 năm nhưng Việt Nam chỉ cần 1 năm để vực dậy

18-10-2018 - 14:23 PM | Thị trường

Sau 20 năm hội nhập, chăn nuôi Việt Nam ghi nhận nhiều bước tiến lớn. Việc áp dụng quy trình thực hành chăn nuôi tốt (GAP) sẽ là yếu tố quyết định sự thành bại của người chăn nuôi.

Chăn nuôi Việt Nam đã có trật tự mới

Phát biểu tại Hội thảo “Áp dụng quy trình thực hành chăn nuôi tốt trong chăn nuôi” ngày 17/10, ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết: “Nhìn lại ngành chăn nuôi Việt Nam năm 2017 với cuộc khủng hoảng giá thịt heo, chưa bao giờ giá thịt heo xuống sâu và xuống lâu như vậy, có những lúc chỉ còn 20.000 – 25.000 đồng/kg trong khi giá thành tới 35.000 – 40.000 đồng/kg. Mỗi tháng năm 2017, người chăn nuôi heo ở Việt Nam lỗ 5.000 tỷ, và cả năm 2017 lỗ gần 100.000 tỷ. Quy mô đàn heo nái khi đó của Việt Nam tới 4,3 – 4,5 triệu con trong khi nước láng giềng là Thái Lan chưa tới 1 triệu con”.

Tuy nhiên, một năm sau đó, ngành chăn nuôi heo đã lấy lại được cân bằng khi giá trong nước liên tục tăng từ tháng 4, và hiện đã cán mốc 50.000 đồng/kg vào tháng 6.

Ông Dương cho biết, khủng hoảng heo của Thái Lan từng kéo dài nhiều năm, ngành chăn nuôi heo Trung Quốc cũng phải mất 3 năm mới lấy lại cân bằng, nhưng Việt Nam chỉ mất một năm để làm điều đó. Nguyên nhân, theo vị phó cục trưởng, là nhờ Việt Nam là nền kinh tế thị trường có sự điều tiết của nhà nước.

“Ngành chăn nuôi ở VN nay đã có một trật tự mới. Và có thể nói, chăn nuôi Việt Nam năm nay được mùa, được giá”, ông nhận định.

Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phải tổ chức họp bất thường vì giá heo quá cao. Tại sự kiện này, 12 doanh nghiệp có thị phần chi phối thị trường heo đồng tình giảm giá thịt heo xuống. Ông Dương cho rằng: “Nếu giá thịt heo trên 50.000 đồng/kg thì rủi ro rất cao vì dịch bệnh đang rình rập ở cửa khẩu, và làn sóng tái đầu tư có thể vượt khỏi tầm kiểm soát”.

Khủng hoảng giá heo: Thái Lan, Trung Quốc mất 3 năm nhưng Việt Nam chỉ cần 1 năm để vực dậy - Ảnh 1.

Ảnh minh họa


Nhìn chung sau 20 năm hội nhập, chăn nuôi Việt Nam ghi nhận nhiều bước tiến lớn, sản xuất sản phẩm chăn nuôi đã đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước và bước đầu được xuất khẩu ra thế giới, ông Dương cho hay.

Một số mốc đáng chú ý như, quy mô chăn nuôi của Việt Nam tăng dần với tổng đàn heo đứng thứ 5 thế giới, sản lượng thịt heo đứng thứ 6 thế giới, chăn nuôi thủy cầm đứng thứ hai thế giới sau Trung Quốc. Sản lượng chăn nuôi của Việt Nam thậm chí vượt cả những nước lớn trong khu vực như Indonesia, Lào và Thái Lan. Trong 20 năm qua, sản lượng thịt các loại tăng hơn 3,5 lần, trứng các loại tăng 3,6 lần, sữa tăng 18 lần.

Ông Dương cho biết, doanh nghiệp trong nước, FDI và các tổ chức quốc tế đóng vai trò tích cực cho sự phát triển của ngành chăn nuôi Việt Nam. “Chúng ta có thể thấy hễ có một doanh nghiệp nào lớn đầu tư vào lĩnh vực thức ăn chăn nuôi thì đều có mặt ở Việt Nam. Gần như 100% đầu tư cho chăn nuôi bây giờ là vốn doanh nghiệp tư nhân trong và ngoài nước”.

Tuy nhiên, vị phó cục trưởng cũng nêu ra một số tồn tại của ngành chăn nuôi Việt Nam hiện nay như, năng suất chưa cao, chất lượng chưa ổn định, và an toàn thực phẩm chưa hoàn toàn được kiểm soát. Đặc biệt là rủi ro về an toàn vệ sinh thực phẩm trong các sản phẩm chăn nuôi của nước ta còn rất lớn. Nguy cơ sử dụng chất cấm, lạm dụng kháng sinh vẫn còn”.

Sản phẩm GAP - yếu tố quyết định sự thành bại của người chăn nuôi nhưng chưa được định giá đúng

Liên quan tới việc áp dụng các quy trình thực hành chăn nuôi tốt (GAP), ông Dương cho biết mức độ áp dụng tại Việt Nam rất thấp vì thói quen canh tác, chăn nuôi không thể thay đổi “một sớm một chiều”. Quan trọng nhất là việc đối xử, đặc biệt là giá bán, giữa sản phẩm GAP và sản phẩm thông thường không có sự khác biệt trên thị trường, vì vậy người chăn nuôi không có động lực để áp dụng GAP do phát sinh chi phí quản lý.

“Chúng ta chưa trả lại đúng giá trị cho các sản phẩm chăn nuôi VietGAP, tức là các sản phẩm chăn nuôi VietGAP phải được bán đắt hơn và được người tiêu dùng trân trọng hơn. Đó là động lực quan trọng để áp dụng GAP, chứ chính sách chỉ là một vấn đề”, ông Dương khẳng định.

Mặc dù VietGAP, ASEANGAP hay GlobalGAP là khuyến khích áp dụng chứ không bắt buộc áp dụng, nhưng chỉ trên cơ sở chăn nuôi VietGAP tốt thì người chăn nuôi mới kiểm soát được an toàn dịch, an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng sản phẩm và đạt hiệu quả chăn nuôi cao nhất. Ông Dương cho rằng: “Đây là yếu tố quyết định sự thành bại của người chăn nuôi”.

Khủng hoảng giá heo: Thái Lan, Trung Quốc mất 3 năm nhưng Việt Nam chỉ cần 1 năm để vực dậy - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Đồng tình với ông Dương, một đại diện khác của Cục Chăn nuôi cho biết khó khăn lớn nhất là sản phẩm chăn nuôi làm ra theo quy trình VietGAP khó bán được giá cao hơn so với sản phẩm không sản xuất theo quy trình VietGAP, do đó chưa khuyến khích được người chăn nuôi áp dụng quy trình này vào sản xuất.

Ngoài ra, khi thực hiện một số điều kiện của quy trình VietGAP, nhất là các điều kiện về địa điểm, thiết kế chuồng trại, kho và thiết bị chăn nuôi, chủ đầu tư gặp rất nhiều khó khăn. Hầu hết việc quy hoạch chăn nuôi ở các địa phương còn nhiều lúng túng. Nhiều chuồng trại chăn nuôi cũ có quy hoạch, thiết kế xây dựng không phù hợp nên việc xây mới, hoặc cải tạo chuồng trại chăn nuôi theo quy trình VietGAP gặp rất nhiều khó khăn, khó thực hiện, tốn chi phí.

Thực tế cho thấy, trong đợt “bão” giá heo 2016 – 2017, những cơ sở chăn nuôi heo tham gia chăn nuôi theo liên kết chuỗi và có áp dụng quy trì VietGAP vẫn có đầu ra và giá bán tốt, người đại diện này cho hay.

Theo Phan Vũ

Người đồng hành

Trở lên trên