MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khủng hoảng kép của Facebook

06-10-2021 - 10:36 AM | Tài chính quốc tế

Theo tài liệu nội bộ bị rò rỉ, Facebook biết rõ về nhiều tác hại do các dịch vụ mình gây ra, như làm trầm trọng hơn sự thù địch, sự chia rẽ và tình trạng thông tin sai.

Mạng xã hội Facebook và các nền tảng Instagram, WhatsApp của công ty này đã hồi sinh hôm 5-10 sau khi bị sập trong khoảng 7 giờ, gây nhiều hỗn loạn cho người sử dụng và doanh nghiệp dựa vào chúng để giao tiếp, kinh doanh. 

Trang Tracker Downdetector cho biết đã nhận ít nhất 10,6 triệu báo cáo về rắc rối do sự cố tại nhiều nơi, trong đó có Mỹ, châu Âu, Singapore…

Giám đốc công nghệ Facebook Mike Schroepfer đã lên tiếng xin lỗi các công ty, gia đình và cá nhân bị ảnh hưởng bởi vụ sập dịch vụ nói trên. Trong khi đó, theo trang Bloomberg, giá cổ phiếu Facebook sụt giảm 4,9% theo sau sự cố hôm 4-10 (giờ Mỹ). Đây là mức giảm trong ngày lớn nhất của giá cổ phiếu Facebook kể từ tháng 11-2020.

Diễn biến này khiến tài sản của ông Mark Zuckerberg, nhà đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Facebook, giảm hơn 6 tỉ USD còn 121,6 tỉ USD, qua đó rớt một bậc xuống vị trí thứ 5 trong bảng xếp hạng người giàu nhất thế giới theo chỉ số tỉ phú Bloomberg.

Khủng hoảng kép của Facebook - Ảnh 1.

Bà Antigone Davis tham gia phiên điều trần của Tiểu ban Bảo vệ người tiêu dùng, An toàn sản phẩm và Bảo mật dữ liệu thuộc Thượng viện hôm 30-9Ảnh: Reuters

Mặt khác, những gì xảy ra phần nào nêu bật sự phụ thuộc ngày càng tăng của thế giới vào một công ty đang bị "soi" ngày một gắt gao. Dù chỉ kéo dài vài giờ, vụ sập dịch vụ đã gây tác động sâu rộng và nghiêm trọng. Facebook đã trở thành nền tảng mạnh mẽ, được tích hợp nhiều dịch vụ số như nhắn tin, livestream…

Hơn 3,5 tỉ người trên thế giới đang sử dụng Facebook, Instagram, Messenger và WhatsApp để giao tiếp với bạn bè, người thân, phát đi thông điệp chính trị, mở rộng hoạt động kinh doanh…

Ngoài ra, tài khoản Facebook còn được sử dụng để đăng nhập nhiều ứng dụng và dịch vụ khác, dẫn đến hiệu ứng domino bất ngờ khi nhiều người không thể đăng nhập vào website mua sắm hoặc những thiết bị kết nối internet, như tivi thông minh…

Khủng hoảng mới nói trên là đòn mạnh thứ 2 giáng vào Facebook thời gian gần đây. Trong những tuần qua, mạng xã hội lớn nhất thế giới này đối mặt làn sóng chỉ trích liên quan đến vụ rò rỉ hàng ngàn trang tài liệu nghiên cứu nội bộ từ một "người thổi còi" ẩn danh.

Theo tài liệu được người này gửi đến giới truyền thông, các nghị sĩ và cơ quan quản lý, Facebook biết rõ về nhiều tác hại do các dịch vụ mình gây ra, như làm trầm trọng hơn sự thù địch, sự chia rẽ và tình trạng thông tin sai.

Dựa vào số tài liệu nhận được, tờ The Wall Street Journal (Mỹ) hôm 13-9 bắt đầu đăng nhiều bài viết tiết lộ Facebook biết các sản phẩm của mình gặp hàng loạt vấn đề, như tác hại của Instagram đối với sức khỏe tâm thần của thiếu nữ hoặc thông tin sai lệch về cuộc bạo loạn ở trụ sở quốc hội Mỹ ngày 6-1-2021… nhưng vẫn công khai giảm nhẹ vấn đề này.

Danh tính "người thổi còi" sau đó được hé lộ là Frances Haugen, một cựu quản lý sản phẩm của Facebook khi cô trả lời phỏng vấn đài CBS (Mỹ) hôm 3-10. Hai ngày sau đó, nhà khoa học nữ về dữ liệu 37 tuổi này ra điều trần trước Tiểu ban Bảo vệ người tiêu dùng, An toàn sản phẩm và Bảo mật dữ liệu thuộc thượng viện. Chủ đề của phiên điều trần là "Bảo vệ trẻ em trên mạng".

Cũng chính tiểu ban này vào tuần rồi đã chất vấn bà Antigone Davis, Giám đốc An toàn toàn cầu của Faacebook, về tác động của các ứng dụng công ty đối với người sử dụng trẻ tuổi.

Theo đài CNN, bà Davis khi đó đã tìm cách mô tả các dịch vụ của Facebook, nhất là Instagram, giúp ích hơn là có hại đối với thanh thiếu niên. Chưa hết, trong một tuyên bố dài hơn 700 từ, mạng xã hội này cho rằng cuộc phỏng vấn nói trên "đã sử dụng các tài liệu chọn lọc của công ty để kể một câu chuyện sai lệch về nghiên cứu mà công ty đã tiến hành để cải thiện các sản phẩm của mình".

Cũng theo Facebook, các sản phẩm của công ty hiện đối mặt nhiều vấn đề phức tạp và chúng không phải chỉ do công nghệ gây ra.

Trấn an về dữ liệu người dùng

Chiều 5-10, Facebook Việt Nam có thông tin phản hồi vụ việc nền tảng Facebook bị sập vào khoảng 22 giờ ngày 4-10 (giờ Việt Nam). Facebook Việt Nam cho biết Facebook đã gửi lời xin lỗi đến tất cả người dùng, doanh nghiệp trên khắp thế giới đang sử dụng các dịch vụ của mình. Công ty này đã làm việc tích cực nhất có thể để khôi phục khả năng truy cập và hệ thống hiện đã được sao lưu và hoạt động trở lại.

Facebook khẳng định rõ thời điểm hiện tại, họ "tin rằng nguyên nhân gốc rễ của sự cố ngừng hoạt động này là do lỗi trong thay đổi cấu hình; không có bằng chứng cho thấy dữ liệu người dùng bị xâm phạm do sự cố". Facebook thừa nhận nguyên nhân cơ bản của sự cố ngừng hoạt động này ảnh hưởng đến nhiều công cụ và hệ thống nội bộ, khiến việc chẩn đoán và giải quyết sự cố trở nên khó khăn hơn. Tuy vậy, mạng xã hội này vẫn đang nỗ lực làm việc để hiểu thêm về những gì vừa xảy ra để có thể tiếp tục cải thiện cơ sở hạ tầng tốt hơn.

P.Nhung

Theo Hoàng Phương

Người Lao động

Trở lên trên