MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khủng hoảng năng lượng đến cùng cực, châu Âu sắp tắt cả đèn của tháp Eiffel để tiết kiệm điện

12-09-2022 - 10:46 AM | Thị trường

Tắt đèn tháp Eiffel cùng các đài tưởng niệm khác, cấm bể bơi nước nóng tư nhân, hạn chế nhiệt độ điều hoà ở mức 27 độ là 3 trong số các biện pháp tiết kiệm điện đang được thực thi ở châu Âu.

Khi châu Âu phải đối mặt với các hoá đơn điện tăng theo cấp số nhân, các hệ thống chiếu sáng lộng lẫy vào ban đêm ở khu vực này đang bị đặt dấu hỏi lớn – bao gồm cả tháp Eiffel.

Địa danh mang tính biểu tượng của thủ đô Paris hiện vẫn chiếu sáng cho đến 1h sáng. Tuy nhiên, toà thị chính thành phố dự kiến đề xuất giảm thời gian chiếu sáng đến 11.45 đêm, theo Guardian.

“Đó là một hành động mang tính biểu tượng cao – một phần của nhận thức ngày càng tăng xung quanh việc tiết kiệm năng lượng”, Jean-Francois Martins, người đứng đầu ban quản lý toà tháp nói.

Các động thái tương tự đã được thực hiện trên khắp châu Âu vào mùa hè này. Nhà chức trách ở Berlin giảm ánh sáng ban đêm tại Cột Chiến thắng và Nhà thờ Tưởng niệm Kaiser Wilhelm. Cung điện Paro tại Marseille và các đài kỷ niệm khác cũng có động thái tương tự.

Khủng hoảng năng lượng đến cùng cực, châu Âu sắp tắt cả đèn của tháp Eiffel để tiết kiệm điện - Ảnh 1.

Hệ thống chiếu sáng của tháp Eiffel vào ban đêm. Ảnh: Getty.

Tuy nhiên, nỗi sợ thực sự của người châu Âu còn chưa đến – đó là mùa đông. Khi châu Âu phải đối mặt với chi phí năng lượng ngày càng gia tăng – được thúc đẩy bởi lạm phát và xung đột Nga – Ukraine, việc cắt giảm tiêu thụ điện trước khi giá lạnh bắt đầu là rất quan trọng.

“5-10 mùa đông tới sẽ thực sự kinh khủng nếu không có thay đổi nào được thực hiện”, Bộ trưởng Năng lượng Bỉ Tine Van der Straeten nói trên Twitter vào tháng trước.

Ngày 26/7, Liên minh châu Âu đã công bố một thoả thuận cắt giảm 15% lượng khí đốt tự nhiên sử dụng trong màu đông này. “Quyết định hôm nay cho thấy rõ ràng các nước thành viên sẽ kiên quyết chống lại bất cứ nỗ lực nào của Nga nhằm chia rẽ EU bằng cách sử dụng nguồn cung cấp năng lượng như một vũ khí”, khối này cho biết.

Không lâu sau đó, vào đầu tháng 9, Nga đã cắt nguồn cung cấp khí đốt vô thời hạn qua đường ống chính của châu Âu. Khi được hỏi liệu nguồn cung sẽ tiếp tục nếu các lệnh trừng phạt chống lại Nga được nới lỏng hoặc dỡ bỏ, phát ngôn viên của Điện Kremlin Dmitry Peskov nói: “tất nhiên”.

Các kế hoạch tiết kiệm năng lượng đang được ban hành trên khắp châu Âu gồm lệnh cấm các bể bơi nước nóng tư nhân tại Đức, tắt các biển báo có đèn chiếu sáng tại các chuỗi cửa hàng tạp hoá ở Pháp và điều hoà không khí giới hạn ở 27 độ C trong các toà nhà công cộng ở Tây Ban Nha.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz hôm 10/9 cho biết châu Âu và quốc gia của ông đã chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với việc Nga cắt giảm nguồn cung khí đốt. Tuy nhiên, các nhà phân tích tỏ ra nghi ngờ với phát ngôn này.

Marcel Fratzscher, chủ tịch tổ chức tư vấn DIW của Đức cho biết cùng ngày rằng “nhiều công ty sẽ phá sản” do cuộc khủng hoảng năng lượng và “suy thoái là khó tránh khỏi”.

Trong bối cảnh bi quan như vậy, tắt đèn tại một số các đài tưởng niệm có vẻ chỉ là một động thái nhỏ như như ông Martins nói, đó là “cử chỉ mang tính biểu tượng cao”. Ít có biểu tượng nào được ghi nhận hơn tháp Eiffel.

Đức Nam

Nhịp sống Thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên