MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khủng hoảng năng lượng ở Anh còn gây ra tác động tồi tệ hơn cả đại dịch

27-08-2022 - 15:12 PM | Tài chính quốc tế

Khủng hoảng năng lượng ở Anh còn gây ra tác động tồi tệ hơn cả đại dịch

(Tổ Quốc) - Vương quốc Anh sẽ phải sớm tìm ra câu trả lời nhằm chăn chặn hóa đơn năng lượng liên tiếp tăng vọt, tiềm ẩn xảy ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo.

Giá khí đốt và tiền điện tăng cao trong 2 mùa đông tới có thể khiến nước Anh mất khoảng 118 tỷ USD, nhiều hơn số tiền mà Chính phủ nước này đã phải chi để trợ cấp tiền lương cho người dân trong thời kỳ đại dịch.

Đầu năm nay, Chính phủ Anh đã cố gắng bảo vệ các hộ gia đình trước nguy cơ hóa đơn năng lượng tăng vọt thông qua giảm thuế và đưa ra các trợ cấp khác. Tuy nhiên, điều này không đủ để xoa dịu tình hình. Giá khí đốt tự nhiên và giá điện tiếp tục tăng mạnh kể từ thời điểm đó và chưa có dấu hiệu dừng lại trong tương lai.

Báo cáo từ Viện nghiên cứu của Chính phủ Anh cho biết nước này sẽ cần phải chi thêm 23 tỷ bảng (27 tỷ USD) để bảo vệ các hộ gia đình trước mức tăng lên tới 90% trong các hóa đơn năng lượng cho đến tháng 4/2023. Trong giai đoạn từ đó tới tháng 4/2024, họ sẽ cần thêm 90 tỷ bảng Anh nữa.

Đây là khoản chi phí tính theo đề xuất của Scottish Power, một trong những công ty năng lượng lớn nhất của Vương quốc Anh. Theo đó, doanh nghiệp này kêu gọi chính phủ bảo vệ hàng triệu hộ gia đình bằng cách đóng băng hóa đơn của họ trong 2 năm.

Khủng hoảng năng lượng ở Anh còn gây ra tác động tồi tệ hơn cả đại dịch - Ảnh 1.

Hóa đơn trung bình tiền điện năm nay ở Anh là 2.318 USD, tăng 54% so với năm trước. Tuy nhiên, dự báo rằng nó sẽ tăng lên 4.117 USD sau khi mức giá trần được điều chỉnh cho 3 tháng cuối năm nay. Các nhà phân tích tại Auxilione, một công ty nghiên cứu, nói rằng các hộ gia đình có thể phải trả tới 7.579 USD/năm cho điện và khí đốt vào mùa xuân tới nếu chính phủ không can thiệp.

Scottish Power cho rằng Chính phủ Anh nên giới hạn hóa đơn năng lượng ở mức 2.000 bảng (2.356 USD) và cấp tiền cho các nhà cung ứng để bù đắp phần gia tăng do các điều kiện thị trường. Khoản trợ cấp 100 tỷ bảng này có thể tới từ việc gia tăng nợ vay của chính phủ sau đó bù đắp và gia tăng thuế trong thập kỷ tới hoặc lâu hơn.

CEO của Scottish Power, ông Keith Anderson, nhấn mạnh: "Tình hình còn tệ hơn cả đại dịch. Đó là một cuộc khủng hoảng quy mô lớn của đất nước và rất nhiều người đang phải đối mặt với tình cảnh tồi tệ".

Kế hoạch ứng phó với Covid-19 của Chính phủ Anh kéo dài 18 tháng, tiêu tốn gần 70 tỷ bảng (82 tỷ USD). Đại dịch khiến các doanh nghiệp phải đóng cửa, dẫn tới việc Chính phủ Anh đồng ý trợ cấp tiền lương cho người lao động để ngăn tình trạng sa thải hàng loạt.

Cho đến năm nay, Chính phủ đã chi 33 tỷ bảng (39 tỷ USD) hỗ trợ các hộ gia đình để họ chống chọi với chi phí năng lượng phi mã. Số tiền này được trợ cấp thông qua cắt giảm thuế, giảm giá trực tiếp trên hóa đơn. Chính phủ Anh đang nỗ lực làm nhiều hơn thế.

Khủng hoảng năng lượng ở Anh còn gây ra tác động tồi tệ hơn cả đại dịch - Ảnh 2.

Người phát ngôn Bộ Kinh doanh, Năng lượng và Chiến lược Công nghiệp, cho biết: "Chúng tôi biết những áp lực mà mọi người đang phải đối mặt khi chi phí gia tăng. Đó là lý do tại sao chúng tôi liên tục hành động để giúp đỡ các hộ gia đình bằng gói 37 tỷ bảng Anh. Chúng tôi đã giảm 400 bảng cho hóa đơn năng lượng trong mùa đông và 8 triệu hộ gia đình dễ bị tổn thương nhất sẽ được hỗ trợ thêm 1.200 bảng mỗi hộ. Mặc dù không Chính phủ nào có thể kiểm soát giá khí đốt toàn cầu nhưng 22 triệu hộ gia đình được bảo vệ bởi giới hạn giá và điều này sẽ tiếp tục".

Trong khi đó, những lời cảnh báo vẫn tiếp tục lan rộng trong ngành năng lượng của Vương quốc Anh. Hôm 23/8, Philippe Commaret, CEO tại EDF của Pháp – một doanh nghiệp lớn trên thị trường Anh, nói rằng: "Nếu không có thêm những hỗ trợ, khoảng một nửa số hộ gia đình ở Anh có thể sẽ rơi vào cảnh nghèo đói về năng lượng trong đầu năm tới – nghĩa là họ phải chi hơn 10% thu nhập khả dụng cho điện, xăng và khí đốt".

Các nhà lãnh đạo của Dịch vụ Y tế Quốc gia Vương quốc Anh tuần trước cảnh báo về "một cuộc khủng hoảng nhân đạo", trong đó nhiều người đứng trước nguy cơ đổ bệnh vào mùa đông khi "phải đối mặt với lựa chọn tồi tệ là bỏ bữa để sưởi ấm cho ngôi nhà và phải sống trong điều kiện lạnh giá, ẩm ướt và rất khó chịu".

Giá năng lượng bắt đầu tăng vào năm ngoái, khi các quốc gia mở cửa trở lại sau đại dịch, dẫn tới nhu cầu toàn cầu tăng đột biến. Xung đột Nga – Ukraine cùng các biện pháp trừng phạt nhằm vào năng lượng Nga. Các nước phương Tây hiện đã cấm nhập khẩu than và dầu của Nga. Châu Âu cũng đang cố gắng loại bỏ khí đốt tự nhiên của Nga.

Tháng 6 là tháng đầu tiên Anh không nhập khẩu bất cứ nhiên liệu nào từ Nga. Tuy nhiên, giá cao ngất ngưởng đã khiến 29 nhà cung cấp năng lượng nhỏ ở Anh phá sản kể từ mùa hè năm ngoái. Những doanh nghiệp tiếp tục trụ vững phần lớn chuyển chi phí lên khách hàng.

Linh Anh

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên