Khủng hoảng phá sản giới startup: Nhà đầu tư ồ ạt rút vốn, 12 tháng tới sẽ còn khó khăn hơn
Các công ty khởi nghiệp đang chết mòn trong đợt ‘hạn hán’ nguồn vốn đầu tư.
- 10-08-2023Cổ phiếu giảm 99%, hiện còn gần 0 USD, điều gì xảy ra với startup một thời danh giá nhất nước Mỹ?
- 09-08-2023Trường đại học ở châu Á được ví như 'vườn ươm kỳ lân': Tỷ lệ chọi cao hơn Ivy League, đào tạo founder cho hầu hết các startup, CEO Google cũng là cựu sinh viên
- 06-08-2023Nóng: Tỷ phú lão làng Masayoshi Son bị startup lừa hàng trăm triệu USD
Hơn một năm trước, Matt Redler ký thỏa thuận huy động 20 triệu USD cho startup thanh toán Panther của mình. Tham vọng của anh chàng vô cùng lớn: Thu hút những khách hàng lớn và tăng gấp đôi doanh thu.
Tuy nhiên, sau căng thẳng địa chính trị Nga-Ukraine, các nhà đầu tư của Panther bất ngờ rút vốn. Redler buộc phải chuyển đổi mô hình kinh doanh để hạn chế ‘đốt’ tiền mặt. Anh cũng dành cả năm thuyết phục hơn 50 nhà đầu tư thiên thần, song không ai trong đó chịu ủng hộ. Đến tháng 6, Panther không thể trụ vững nên đành đóng cửa.
Các công ty khởi nghiệp đang chết mòn trong đợt ‘hạn hán’ nguồn vốn đầu tư. Điều này cho thấy rõ những gì Thung lũng Silicon đang phải chịu đựng ngay cả khi cổ phiếu công nghệ phục hồi trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo lên ngôi.
Thực chất, hầu hết các công ty khởi nghiệp đều đã gặp khó khăn từ lâu, song trong phần lớn thập kỷ qua, bối cảnh thừa vốn và lãi suất thấp khiến nhiều ông chủ lạc quan tin vào các vòng tài trợ thiên thần. Giờ đây, khi sự bùng nổ của các startup gần như đã tạo đỉnh, một bài học mới được rút ra: không dễ duy trì hoạt động nếu các nhà đầu tư rút vốn.
“Không ai muốn tài trợ cho một startup chậm chạp. Trong 12 tháng tới, chúng ta sẽ thấy nhiều công ty phá sản hơn nữa”, Jenny Fielding, một đối tác quản lý tại Everywhere Ventures, cho biết.
Các nhà đầu tư mạo hiểm đang tránh né những doanh nghiệp thiếu dấu hiệu rõ ràng về tăng trưởng doanh thu hoặc lợi nhuận. Tiêu chuẩn cao hơn khiến nguồn tài trợ vốn cho các startup công nghệ Mỹ giảm tới 49% trong năm tài khoá kết thúc vào ngày 30/6, theo dữ liệu từ PitchBook.
Dữ liệu cũng cho thấy các nhà đầu tư đang cắt giảm 50% tiền tài trợ cho các công ty khởi nghiệp giai đoạn đầu trong quý II xuống còn 10 tỷ USD. Sự thoái lui dần tạo ra làn sóng phá sản của các công ty khởi nghiệp bởi nguồn tài trợ này rất quan trọng đối với doanh nghiệp trẻ. Một loạt các công ty được hỗ trợ bởi liên doanh đã buộc phải đóng cửa hoặc thu hẹp quy mô kinh doanh.
Startup hỗ trợ thanh toán Plastiq nộp đơn xin phá sản vào tháng 5 sau khi vụ sáp nhập với SPAC bị hủy bỏ. Goldfinch Bio, một công ty khởi nghiệp về công nghệ sinh học, cũng đã ngừng hoạt động vào đầu năm nay vì không thể huy động thêm tiền. Buzzer - nền tảng thể thao di động từng huy động thành công 20 triệu USD, ngừng hoạt động vào tháng 6, trong khi Poparazzi - ứng dụng chia sẻ ảnh được hỗ trợ bởi công ty liên doanh Benchmark cũng gặp tình cảnh tương tự.
Hopin, một công ty khởi nghiệp tổ chức sự kiện ảo từng huy động được gần 1 tỷ USD trong vòng chưa đầy 1 năm, gần đây đã phải bán mảng kinh doanh chính của mình với giá 15 triệu USD. Công ty cũng đang phải thu xếp trả lại một lượng lớn tiền mặt đã huy động được trước đó cho các nhà đầu tư.
“Các nhà đầu tư vẫn sẽ coi trọng một nhóm các startup tiềm năng, nhưng không nhiều như trước”, Lee Edwards, đối tác của công ty mạo hiểm Root Ventures, cho biết.
Năm ngoái, công ty khởi nghiệp phát triển phần mềm Toolchain bắt đầu mời gọi các nhà đầu tư tham gia vòng cấp vốn Series A—vòng cấp vốn đầu tiên sau vòng gây quỹ ban đầu. Công ty khi đó huy động được 6 triệu USD, ký hợp đồng với các nhà phát triển trên nền tảng, đồng thời lên kế hoạch sử dụng số tiền mặt mới để thực hiện chiến dịch bán hàng và marketing chớp nhoáng.
Tuy nhiên, Giám đốc điều hành của Toolchain, Benjy Weinberger, kể từ đó đã bị hơn 60 nhà đầu tư quay lưng. Họ nói công ty không tăng trưởng doanh thu đủ nhanh nên sẽ không cung cấp vòng tài trợ mới. Công việc kinh doanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau khi làn sóng cắt giảm chi tiêu đổ bộ sang ngành công nghệ vào năm ngoái. Toolchain đã ngừng hoạt động vào mùa hè này.
Chia sẻ với WSJ, Weinberger cho rằng công ty khởi nghiệp của mình lẽ ra đã có thể huy động được một lượng lớn tiền mặt trong một thị trường tăng giá, khi các nhà đầu tư sẵn sàng đặt cược rủi ro vào các công ty khởi nghiệp dựa trên dữ liệu tăng trưởng người dùng.
Hunter Walk, một nhà đầu tư ban đầu của Toolchain, cho biết cơn sốt đầu tư kết thúc vào đầu năm ngoái đã khiến hàng loạt công ty khởi nghiệp phải đóng cửa. “Những gì chúng ta có ngay bây giờ là một cơn bão hoàn hảo dẫn đến việc các startup ngừng hoạt động”.
Theo Edwards, nhà đầu tư tại Root Ventures, ngày nay, “để có được nguồn tài trợ Series A, bạn cần có doanh thu nghiêm túc. Các nhà đầu tư mạo hiểm đang quay trở lại chú trọng các nguyên tắc cơ bản trước đây”.
Được biết, đầu tư mạo hiểm vào các startup Mỹ trong năm 2022 có xu hướng giảm 1/3 so với năm 2021, theo nghiên cứu từ PitchBook Data. Vốn đầu tư vào các công ty này cũng giảm liên tục hàng quý.
“Thời thế đã khác. Mọi người cần bỏ thói quen thích định giá đi. Ai cũng say sưa với điều đó nhưng nó đã qua và không quay trở lại nữa đâu. Vì vậy hãy tập trung vào những thứ hợp lý, tập trung xây dựng các công ty theo cách hiệu quả và bền vững hơn”, Matt Murphy, một đối tác tại công ty đầu tư mạo hiểm Menlo Ventures, cho biết.
Theo Layoffs.fyi, một trang web theo dõi việc làm trong ngành công nghệ, trong năm 2022, các công ty khởi nghiệp có trụ sở tại Mỹ đã sa thải hơn 35.000 nhân viên. Một số tạm phải gác lại các kế hoạch kinh doanh, trong khi số khác “đóng băng” ngày ra mắt các sản phẩm mới.
Theo: WSJ, Bloomberg
Nhịp sống thị trường