MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khủng hoảng sữa công thức ở Mỹ, cái tên nào sẽ chiếm thị phần thay thế Abbott?

28-05-2022 - 19:04 PM | Thị trường

Khủng hoảng sữa công thức ở Mỹ, cái tên nào sẽ chiếm thị phần thay thế Abbott?

Sữa công thức dành cho trẻ em đang ngày càng trở nên khan hiếm tại Mỹ, đỉnh điểm là sau khi hãng Abbott tự nguyện thu hồi lô sữa bột của nguy cơ nhiễm khuẩn đường tiêu hóa sau báo cáo về các ca trẻ sơ sinh tử vong và đóng cửa nhà máy ở Michigan. Cái tên nào sẽ vươn lên và giành thị phần về sữa bột tại thị trường này và liệu có dễ dàng chinh phục được người dùng?

Cuộc khủng hoảng sữa công thức (sữa bột) ở Mỹ đã thúc đẩy lợi nhuận của thương hiệu Reckitt Benckiser đến từ Anh, giúp họ vươn lên vị trí dẫn đầu tại thị trường tiêu thụ 5,8 tỷ USD mỗi năm cho sữa bột trẻ em. 

Reckitt đã tăng cường sản xuất sữa công thức Enfamil của mình kể từ khi đối thủ Abbott Laboratories của Mỹ thu hồi hàng chục sản phẩm tại thị trường này sau khi ghi nhận phản hồi về việc trẻ sơ sinh bị nhiễm trùng do vi khuẩn hồi tháng 2.

Công ty hàng tiêu dùng của Anh cho biết họ đã thúc đẩy sản xuất sữa công thức lên 30% và hiện chiếm hơn 50% tổng nguồn cung sữa cho trẻ em ở thị trường Mỹ, tăng khoảng một phần ba so với trước khi cuộc khủng hoảng xảy ra.

Lợi thế đi kèm với thách thức

Về phía phụ huynh, họ có xu hướng không chuyển đổi nhãn hiệu mà con họ yêu thích. Người phát ngôn của Reckitt cho biết công ty hi vọng sẽ giữ chân được những khách hàng đã có được trong khi các sản phẩm đến từ Abbott như Similac đã không còn được bày bán trên kệ.

So với trước khi cuộc khủng hoảng này xảy ra, các sản phẩm của công ty đã phục vụ thêm 211.000 trẻ em sơ sinh. Reckitt được cho là đã bán mảng kinh doanh sữa công thức từ lâu để tập trung vào mảng gia dụng và tiêu dùng có mức lợi nhuận cao hơn. Giờ đây họ đang đẩy mạnh doanh số và dự kiến sẽ thu về khoảng 7 tỷ USD. Tuy nhiên, lợi thế có được từ sự thiếu hụt của Mỹ có thể sẽ không kéo dài.

Mới đây Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cho biết Abbott đang trên đường mở cửa trở lại nhà máy sữa bột trẻ em quan trọng của mình ở Michigan trong vòng một hoặc hai tuần tới nhưng phải đến tháng 7 thì các sản phẩm mới có thể lấp đầy tại các kệ.

Mặc dù việc thu hồi các sản phẩm sữa bột Abbott đã mang lại cơ hội cho các công ty khác, chẳng hạn như nhà sản xuất Gerber Nestle và nhà sản xuất Neocate Danone, tuy nhiên Reckitt mới là cái tên được hưởng lợi nhiều nhất bởi thương hiệu này đứng ở vị trí thứ 2 sau Abbott trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng.

Công ty Dịch vụ tài chính Barclays của Anh đã nâng dự báo doanh số bán hàng năm 2022 của Reckitt sẽ tăng lên, từ mức 4% lên 4,4%. Ở mảng dinh dưỡng bao gồm sữa bột trẻ em, mức tăng sẽ là từ 5% lên 7,4%. Tuy nhiên không lâu sau đó, công ty này lại nâng mức dự báo mức tăng trưởng lên 6% đối với tổng doanh số và 12,4% đối với riêng nhóm sản phẩm dinh dưỡng.

Theo Công ty tài chính Refinitiv, các nhà phân tích đã tăng dự báo về lợi nhuận đối với cổ phiếu Reckitt lên 4,35% trong 30 ngày qua, lên khoảng 311 pence/cổ phiếu.

Nhà phân tích Simpson của Barclays cho biết: "Trong ngắn hạn, tác động tích cực về tài chính lớn nhất sẽ đến với Reckitt. Tuy nhiên câu hỏi lớn được đặt ra là Reckitt giữ sẽ được bao nhiêu phần trăm thị phần khi Abbott lên kệ trở lại?"

Cơ hội liệu có kéo dài?

Về bản chất khi doanh số bán hàng tăng lên sẽ mang lại nguồn lợi nhuận lớn, tỷ suất lợi nhuận này có thể sẽ được kéo dài khi Mỹ sẽ tạm thời trang trải chi phí sữa bột cho trẻ em trong các gia đình thu nhập thấp bằng cách ký các hợp đồng với Nestle và Reckitt.

Khủng hoảng sữa công thức ở Mỹ, cái tên nào sẽ chiếm thị phần thay thế Abbott? - Ảnh 1.

Thị phần của Abbott với các hợp đồng về chương trình WIC trước khi xảy ra khủng hoảng.

Các công ty thường đấu thầu các hợp đồng của chính quyền để trở thành nhà cung cấp sữa bột độc quyền cho trẻ em cho các gia đình có thu nhập thấp theo chương trình hành động vì phụ nữ, trẻ em và trẻ sơ sinh WIC. Trong hồ sơ dự thầu họ sẽ đưa ra một khoản chiết khấu cho các bang. Sự can thiệp của Chính phủ nhằm mục đích khuyến khích các công ty tăng cường nguồn cung sẽ trang trải 1 phần trong khoản chiết khấu đó cho các công ty.

Nhà phân tích Bruno Monteyne của Bernstein cho biết: "Về mặt tài chính, điều này thật hữu ích cho các công ty vì họ không cần phải chiết khấu cho chính quyền, lợi nhuận từ đó cũng tăng thêm ít nhất từ 20 – 30% khi những hợp đồng đấu thầu này được kéo dài".

Ông Simson cho biết thêm: "Đồng ý rằng việc không bị ràng buộc bởi các hợp đồng WIC sẽ là một sự thúc đẩy lớn, với các hợp đồng cho WIC, ước tính họ sẽ thu được tỷ suất lợi nhuận EBIT (thu nhập trước lãi và thuế) là 5% và đối với các hợp đồng không có tác động bởi WIC, con số này lên tới 40 – 50%.

Tuy nhiên một số nhà phân tích khác lại cho rằng sự gia tăng này có thể sẽ chỉ là tạm thời và Reckitt có thể sẽ không giữ chân được những khách hàng của mình.

Ông Monteyne của Bernstein cũng cho biết thêm thông tin đối với suy nghĩ Reckitt sẽ được hưởng lợi lâu dài từ vụ việc của Abbot, trước đây công ty đến từ Mỹ này đã vượt qua cuộc khủng hoảng tương tự từ vụ thu hồi năm 2010 chỉ trong vòng một năm. Đã từng có một tiền lệ rõ ràng, bởi vậy không thể nói trước được điều gì.

Giám đốc quỹ Waverton Tineke Frikkee dự báo: "Mỹ cũng đang tìm kiếm các nguồn cung khác để đáp ứng nhu cầu. Dần dần, Abbot sẽ đưa các sản phẩm của họ lên kệ trở lại và Reckitt sẽ trở lại thị phần ban đầu."

Theo Reuters

https://cafef.vn/khung-hoang-sua-cong-thuc-o-my-cai-ten-nao-se-chiem-thi-phan-thay-the-abbott-20220528111303912.chn

Huyền Như

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên