MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khủng hoảng thiếu ngủ đe dọa toàn cầu

16-02-2019 - 07:53 AM | Tài chính quốc tế

Các nhà nghiên cứu cảnh báo việc xem thường giấc ngủ trong cuộc sống bận rộn có nhiều cám dỗ công nghệ như hiện nay là điều hết sức nguy hiểm.

Báo The Washington Post dẫn một số nghiên cứu mới cho thấy thiếu ngủ có khả năng làm tăng nguy cơ mắc bệnh suy giảm trí nhớ Alzheimer vì chỉ một đêm thiếu ngủ cũng làm tăng mức protein có hại trong não. Việc thức trắng đêm sẽ làm người ta lo lắng quá mức, trong khi ngủ không đủ giấc có liên hệ với cảm giác bị cô lập và cô đơn.

Nghiên cứu mới dẫn đến thay đổi ở một số lĩnh vực. Ngành giáo dục ở Mỹ đang cân nhắc lùi giờ học để phù hợp với chu kỳ giấc ngủ của thanh thiếu niên hiện nay. Còn Tổ chức Giấc ngủ quốc gia (Mỹ) sẽ tổ chức hội chợ tiêu dùng đầu tiên vào tháng 3 tới, với sự góp mặt của 200 thương hiệu từ nệm đến máy theo dõi giấc ngủ - một dấu hiệu rõ ràng cho thấy ngành công nghiệp giấc ngủ đang phát triển.

 Khủng hoảng thiếu ngủ đe dọa toàn cầu  - Ảnh 1.

Nhiều người trưởng thành không ngủ đủ 7 giờ như khuyến cáo Ảnh: THE MATADOR

Theo The Washington Post, thời gian ngủ ở người trưởng thành giảm ổn định trong nhiều thập kỷ qua so với mức tối thiểu 7 giờ/đêm để bảo đảm "giấc ngủ khỏe mạnh". Hồi năm 1942, một cuộc thăm dò của Công ty Gallup (Mỹ) cho thấy người trưởng thành ngủ trung bình 7,9 giờ mỗi đêm. Năm 2013, con số này giảm hơn 1 giờ và đến năm 2016 có đến 1/3 người trưởng thành không ngủ đủ 7 giờ như khuyến cáo.

Các vấn đề về giấc ngủ từ lâu được xem là triệu chứng của rối loạn tâm thần và thần kinh, từ trầm cảm đến bệnh Alzheimer. Nhận thấy tầm quan trọng của giấc ngủ, ngày càng nhiều các nhà nghiên cứu tìm hiểu sự tác động qua lại giữa giấc ngủ gián đoạn và bệnh tật. Họ đồng thời phát đi thông điệp thiếu ngủ là cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng đang lan rộng và cần được quan tâm như đại dịch béo phì.

Theo Xuân Mai

Người Lao động

Trở lên trên